Thiết lập cộng đồng sản xuất xanh, tạo động lực tăng trưởng
Chú trọng phát triển kinh tế xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới.
Chuyển hướng kịp thời
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đứng thứ 2 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), đứng đầu ở các chỉ số như hỗ trợ doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch… Tuy nhiên, thách thức đặt ra với vùng là phát triển kinh tế xanh.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết. Trong đó, kinh tế xanh là mục tiêu dài hạn, đích tới của phát triển bền vững.
Các chuyên gia đánh giá, hiện nay đã có nhiều chính sách được ban hành cho việc phát triển vùng ĐNB nhưng vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, các chính sách chưa được hướng dẫn thực hiện, chưa lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương. Nguồn lực thực hiện các quy hoạch, kế hoạch còn thiếu, thiếu không gian cho đổi mới sáng tạo…
Dự án bất động sản công nghiệp giai đoạn 2 của Công ty Frasers Property tại phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một thu hút mạnh các nhà đầu tư xanh
Thực tế, khi bắt tay vào xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đã có nhiều tính toán về hệ lụy môi trường. Theo đó, Bình Dương loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá” thay bằng tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư.
Đặc biệt, Bình Dương nỗ lực thiết lập hợp tác kinh tế, nâng cao năng lực và học hỏi kinh nghiệm từ DN nước ngoài trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và tối ưu hóa sử dụng năng lượng bền vững. Bình Dương đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo. DN đầu tàu của tỉnh trong lĩnh vực này là Becamex IDC đã tiên phong thúc đẩy ứng dụng chuyển dịch năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, đề cao các yếu tố phát triển bền vững, kiến tạo lợi thế cho nhà đầu tư thực hiện.
Mới đây, dự án thử nghiệm công nghệ và hợp tác nghiên cứu phát triển chuyển đổi xanh với số vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đồng do Chính phủ Anh tài trợ đã được được thí điểm tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Dự án sẽ xây dựng hạ tầng như lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, các trạm sạc xe điện, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm đổi pin xe máy 2 chiều…
Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thực hiện dự án này, DN cùng với trường đại học sẽ nghiên cứu đưa ra giải pháp về lưới điện thông minh để xây dựng mô hình chia sẻ năng lượng giữa các đơn vị. Sau khi nghiên cứu và thực hiện thành công, dự án sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp ở Bình Dương nhằm xây dựng mô hình khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp xanh .
Ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, cho biết Sunwah và Becamex IDC đã ký kết biên bản ghi nhớ về trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ, hướng đến Net Zero. “Việc Tập đoàn Sunwah hợp tác chiến lược cùng tỉnh Bình Dương và Becamex IDC nhằm chuyển dịch phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, bền vững. Tập đoàn Sunwah cũng đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác tại Bình Dương trong các lĩnh vực như thương mại, nông sản, tài chính, văn hóa, giáo dục, đổi mới sáng tạo…”, ông Jonathan Choi chia sẻ.
Xây dựng hệ sinh thái xanh
Hiện nhiều DN tại Bình Dương đã tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ông Edwin Tan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Frasers Property, cho biết bằng các hành động tiến bộ, sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm và lấy con người làm trọng tâm, Frasers Property mong muốn nâng cao lý tưởng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị của mình và xây dựng thành công một cộng đồng DN phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Đại Phúc Vinh CNC, cho rằng công nghệ cũ làm ra năng suất thấp và sử dụng rất nhiều lao động. Thiết bị, công nghệ mới sẽ mang đến nhiều ưu điểm như tiết kiệm không gian sản xuất, nhân công, năng lượng và mang đến hiệu suất cao để các DN hồi sinh năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Đức Thành, xác định công ty là đơn vị sản xuất nên nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ là rất cần thiết. Các máy móc, thiết bị hiện đại sẽ giúp công ty làm ra sản phẩm tinh xảo, chất lượng hơn, tiết kiệm năng lượng hơn.
Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, đề xuất cần phát triển hệ sinh thái sản xuất xanh để hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. “Những khoản đầu tư lớn DN không thể đi một mình, mà cần phải có hệ sinh thái. DN cần có quỹ đầu tư vào chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững qua những gói kỹ thuật và dài hạn với những mô hình chuyển đổi hiệu quả. Chúng tôi cần sự cộng hưởng của DN, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế”, ông Phan Thành Đức kiến nghị.
Ông Edwin Tan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Frasers Property: “Định hướng phát triển cho các hoạt động kinh doanh thuộc tập đoàn phải đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Các dự án phát triển của chúng tôi được phát triển và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh. Cụ thể, tại Bình Dương chúng tôi cam kết đạt được chứng nhận xanh với tất cả các dự án phát triển của mình”.