Thiêng liêng 'Tôi yêu Tổ quốc tôi' tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

'Tôi yêu Tổ quốc tôi! Tôi yêu Tổ quốc tôi'... là tiếng hô vang và cảm xúc tự hào trong số gần 1.000 đại biểu Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam toàn quốc lần thứ IX trong hành trình tham quan, trải nghiệm ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Quang cảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về đêm. Đây là bảo tàng cấp quốc gia và là bảo tàng hàng đầu của hệ thống bảo tàng quân đội của Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Quang cảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về đêm. Đây là bảo tàng cấp quốc gia và là bảo tàng hàng đầu của hệ thống bảo tàng quân đội của Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Rưng rưng “những buổi ngày xưa vọng nói về”

“Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía Tây. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn...”. Giọng đọc của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn năm 1972 vẫn in sâu trong tâm trí người Hà Nội như một ký ức chiến tranh được phát trong Bảo tàng, mang đến cho du khách trải nghiệm sinh động nhất..

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2019 với diện tích 386.600m2. Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.

Nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh "Én bạc", được treo trên các sợi cáp tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, có 9 phi công thay nhau điều khiển và đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trên thân của chiếc MiG-21 số hiệu 4324 được in hình 14 ngôi sao màu đỏ, thể hiện 14 máy bay địch bị tiêu diệt. Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Đây là một trong 4 bảo vật đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đưa vào hoạt động là sự kiện quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Các hiện vật máy bay, xe tăng và nhiều loại khí tài lớn thu được trong các cuộc kháng chiến, gắn bó với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng được trưng bày ở hai khu vực quảng trường với diện tích hơn 20.000m2.

Không gian trưng bày được chia làm 6 chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945; Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1945 đến năm 1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước từ năm 1975 đến năm 2024.

Ông Nguyễn Kim Quy - Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam tổ chức tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong chương trình, Ban Tổ chức thiết kế thành 6 tuyến tìm hiểu, trải nghiệm gồm điểm theo quy định ở bảo tàng và một điểm tại khu vực Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch đầu tiên của Hội LHTN Việt Nam. Ban Tổ chức mong muốn, từ trải nghiệm sẽ giúp các đại biểu hiểu biết hơn quá trình hình thành, phát triển và những chiến công hiển hách trong lịch sử quân sự Việt Nam, sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đến các đại biểu, từ đó lan tỏa hơn đến cộng đồng, thế hệ trẻ”, ông Nguyễn Kim Quy nói.

Mỗi hiện vật, mỗi câu chuyện về lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta từ thời Văn Lang - Âu Lạc đến nay để lại cho các đại biểu nhiều cảm xúc. Phạm Nguyễn Thùy Tiên và Trần Thị Tiên (đại biểu đến từ Đắk Lắk) dành thời gian để chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc đầu tiên của nước Việt Nam. Lá quốc kỳ nằm trong gian trưng bày những ngày kháng chiến giành độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thùy Tiên bày tỏ, cô ao ước được chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc đầu tiên này ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ lâu. “Mình tìm trên mạng thấy các bạn được chụp ảnh ở đây. Mình rất muốn được một lần chụp ảnh với lá cờ thiêng liêng này. Hôm nay được ra Hà Nội, thăm Bảo tàng, được chụp ảnh với quốc kỳ đầu tiên của nước Việt Nam, mình thấy thật thiêng liêng, xúc động”…

Các đại biểu rưng rưng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: T.T)

Các đại biểu rưng rưng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: T.T)

Còn cô bé Lý Thị Lan Hương, người dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang rưng rưng xúc động trước mô hình khu rừng Trần Hưng Đạo. Lan Hương sinh năm 2009, là một trong những đại biểu trẻ nhất Đại hội. Hương đang học lớp 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang. Cô dự định chọn các trường đại học ngành xã hội. Chuyến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự là một dịp để Hương hiểu sâu sắc hơn về lịch sử. Hương cho hay chỉ gần một tiếng đồng hồ ở Bảo tàng, cô thấy yêu môn Lịch sử hơn, biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu La Xuân Thành, Bí thư Quận đoàn Đà Nẵng xúc động trước mô hình con tàu HQ 505 lao lên đảo Cô Lin làm cột mốc sống để giữ chủ quyền biển đảo. Thành bày tỏ nuối tiếc khi không được ở lâu hơn, nghe nhiều câu chuyện hơn về các hiện vật trưng bày trong Bảo tàng. Thành dự định thời gian tới sẽ tổ chức một chuyến tham quan, cho các bạn đoàn viên, thanh niên đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Để các bạn thanh niên có nhiều thời gian tìm hiểu thật kỹ, nghe thật kỹ những câu chuyện đặc biệt ở Bảo tàng này.

Đại biểu Chu Hoa Bảo Trâm (Trường Đại học Ngoại thương) không giấu được cảm xúc: “Đối với tôi, Bảo tàng giống như một cuốn sách lịch sử sống động. Từng hiện vật, từng câu chuyện khiến mình như được quay ngược thời gian, cảm nhận rõ hơn tinh thần yêu nước và sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ”.

Và người trẻ viết tiếp tình yêu Tổ quốc

Bạn Lương Huyền My - Chánh Văn phòng Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội chia sẻ: “Từ những lá cờ bạc màu, khẩu súng đơn sơ, đến những bản đồ chiến lược, tất cả đều kể lại câu chuyện về tinh thần bất khuất của cha anh. Đặc biệt, khu vực trưng bày về các chiến thắng lớn khiến tôi không khỏi xúc động, bởi đằng sau những chiến công ấy là máu, nước mắt và sự hy sinh. Những kỷ vật không chỉ nhắc nhở về quá khứ hào hùng, mà còn tiếp thêm động lực để thế hệ trẻ đóng góp cho Tổ quốc hôm nay”.

Đại biểu Đào Việt Hằng - Chủ tịch Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho biết chuyến tham quan là một trải nghiệm đáng nhớ: “Những câu chuyện lịch sử hào hùng được tái hiện qua từng thời kỳ giúp quá khứ gần gũi hơn với hiện tại. Điều đó như nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm gìn giữ những giá trị trường tồn mà cha ông để lại”. Chị Việt Hằng cũng nhấn mạnh, chính những bài học lịch sử này sẽ là động lực để thế hệ trẻ Việt Nam thêm vững tin tiến bước trong kỷ nguyên mới, thời kỳ mà trí tuệ, khát vọng và bản lĩnh Việt đang vươn mình trên trường quốc tế.

Đại biểu Đào Việt Hằng - Chủ tịch Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, chuyến tham quan là một trải nghiệm đáng nhớ.(Ảnh: BTC)

Đại biểu Đào Việt Hằng - Chủ tịch Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, chuyến tham quan là một trải nghiệm đáng nhớ.(Ảnh: BTC)

Hơn cả một chuyến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã để lại trong lòng mỗi đại biểu những cảm xúc khôn nguôi. Đó không chỉ là niềm tự hào về một dân tộc kiên cường, mà còn là ý chí và trách nhiệm để tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy. Chị Bảo Trâm chia sẻ thêm: “Tôi tin rằng, tất cả các đại biểu đều cảm thấy tự hào và may mắn khi được tham gia chuyến đi này. Đây là lời nhắc nhở để thế hệ trẻ trân trọng hơn hòa bình hôm nay và cố gắng hơn nữa để xây dựng đất nước ngày càng đẹp giàu”.

Có thể nói, những kỷ vật chạm tới trái tim đã khơi thức ở trong ký ức con người về một thời đại đã qua. Những biểu tượng thiêng liêng khắc họa sống động lịch sử hào hùng của một thời hoa lửa. Có những đôi mắt khóc, những đôi mắt cười... sự cộng hưởng của đa dạng những xúc cảm và trải nghiệm của một lần khám phá có lẽ chưa là đủ đối với những người trẻ - thế hệ chưa thể thấu hiểu hết thảy mọi ý nghĩa thiêng liêng của những kỷ vật và biểu tượng lịch sử.

Bởi hơn cả những tái hiện về mặt lịch sử của sự kiện, bảo tàng đã tái hiện sống động lịch sử tâm hồn con người. Bên cạnh những phút giây choáng ngợp đầu tiên trước quy mô hoành tráng và hiện đại của Bảo tàng Quân sự lớn nhất Việt Nam hiện tại, mỗi người Việt có dịp trở về với những chân thật của cảm xúc khi chiêm nghiệm những hiện vật sống động. Chúng ta thấm thía hơn bao giờ khi hiểu rằng, những hiện vật không nằm im trong tủ kính đợi chờ một sự quan sát đơn thuần. Những hiện vật vốn dĩ có cuộc sống của riêng nó trước khi được đặt trong bất kỳ sự trưng bày nào. Đó những tiếng ngày xưa vọng nói về. Là những người anh hùng, những trận đánh oanh liệt năm xưa, là sự kiên cường hiến dâng tuổi trẻ, máu xương cho ngày hòa bình của dân tộc… Những cảm xúc choáng ngợp và chân thật ấy như mạch nguồn thao thiết trong tim người trẻ. Để mỗi người thêm trân trọng sinh mệnh, trân trọng sự sống, trân trọng quá khứ - trân quý hiện tại - hướng tới tương lai…

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thieng-lieng-toi-yeu-to-quoc-toi-tai-bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-post535662.html
Zalo