Thiêng liêng ngày Giỗ Tổ

Dẫu xa ở đất Tổ nhưng người dân Gia Lai luôn khắc ghi và tự hào về nguồn cội. Ngày Giỗ Tổ hàng năm cũng là dịp để mọi người thành kính tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng theo những cách riêng.

Sáng 7-4 (nhằm ngày 10-3 âm lịch), người dân khắp nơi trong tỉnh đã tập trung về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku) để dâng hương, dâng lễ tưởng niệm và tri ân công đức dựng nước của các vị Vua Hùng.

Chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm: hoa quả, bánh trái, trầu cau, heo quay, gà, xôi chè… và tất nhiên không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy, đại diện các chi hội của Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai (nay là 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ) đã cùng tề tựu để tổ chức buổi lễ với tất cả sự trang nghiêm, thành kính. Những nén hương bái vọng về đất Tổ đã gửi gắm lòng biết ơn tiên tổ, nguồn cội, cầu cho quốc thái dân an, mọi người bình an, khỏe mạnh, làm ăn tấn tới.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai-cho biết: Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu của các thành viên trong Ban liên lạc qua hàng chục năm sinh sống, lập nghiệp trên quê mới; nhắc nhau sống đoàn kết, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nuôi dạy con cháu thành người có ích.

 Lễ Giỗ Tổ Hùng vương được tổ chức trang trọng tại Đền thờ Quốc Tổ trong công viên Đồng Xanh. Ảnh: Lam Nguyên

Lễ Giỗ Tổ Hùng vương được tổ chức trang trọng tại Đền thờ Quốc Tổ trong công viên Đồng Xanh. Ảnh: Lam Nguyên

Đến thắp hương tại Đền thờ Quốc Tổ trong cảm xúc thiêng liêng về nguồn cội, ông Phan Văn Minh (số 35 Tuệ Tĩnh, TP. Pleiku) cho hay: Từ bé, ông đã sinh sống ở quê ngoại Phú Thọ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông theo gia đình vào Gia Lai sinh sống từ lúc 12 tuổi.

“Năm nào tôi cũng xuống đây thắp hương bày tỏ lòng thành kính hướng về đất Tổ. Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ truyền thống tốt đẹp đó, gia đình tôi dạy con cháu luôn hướng về nguồn cội, Tổ quốc, nỗ lực học tập, lao động, cống hiến để giữ gìn truyền thống ông cha”-ông Minh chia sẻ.

Giỗ Tổ năm nay được Trường THPT chuyên Hùng Vương tổ chức trang trọng vào chiều 10-3 âm lịch, đồng thời báo công trước các Vua Hùng thành tích xuất sắc của đoàn học sinh vừa trở về tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 29 tại TP. Hồ Chí Minh. Các em đã xuất sắc giành tổng cộng 50 huy chương.

Thầy Lê Tây Nguyên-Chủ tịch Công đoàn nhà trường-chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng chuẩn bị chu đáo mâm cơm truyền thống, có bánh chưng, bánh giầy và thức món theo phong tục của người Việt. Các thầy cô, đại diện phụ huynh học sinh đều dâng hương tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, một lòng thành hướng về tổ tiên với tất cả sự biết ơn”.

Giỗ Tổ Vua Hùng đã trở thành truyền thống của nhà trường từ khi thành lập. Tinh thần “con Lạc, cháu Hồng” vẫn được gìn giữ và lan tỏa dưới mái trường qua sự nỗ lực rèn luyện, học tập của thầy và trò.

 Người dân thành kính thắp hương, dâng lễ trước điện thờ Quốc Tổ. Ảnh Lam Nguyên

Người dân thành kính thắp hương, dâng lễ trước điện thờ Quốc Tổ. Ảnh Lam Nguyên

Tại các khu dân cư hay trong từng mái ấm gia đình, những mâm cơm giản dị nhưng trang trọng được dâng lên ngày Giỗ Tổ với lòng biết ơn sâu sắc. Ngày 9-3 âm lịch, các gia đình ở làng Yang (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cùng nhau chuẩn bị mâm cúng tươm tất với các món chay, mặn. Lễ Giỗ Tổ gắn với cúng Thanh minh ở làng Yang tuy giản dị nhưng trở nên đặc biệt và đầy ý nghĩa.

Bà Trần Thị Lan chia sẻ: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn” nên ai cũng vui vẻ đóng góp công sức để chuẩn bị mâm cơm bái vọng tưởng nhớ công lao các Vua Hùng”.

Không chỉ đồng hương Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người dân nhiều vùng miền trong cả nước hiện sinh sống tại Gia Lai cũng tìm về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương dịp này. Sau khi thành kính dâng hương, bà Trịnh Thị Vun (quê Thanh Hóa, hiện trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) nghiêm trang đọc trước điện thờ bài khấn với những câu thấm đẫm niềm tự hào dân tộc như: “Lời của trời đã được niêm yết/Từ ngày xưa cho mãi mai sau/Để đời đời, trường cửu dài lâu/Đời bất tận, muôn đời có Tổ”.

 Người dân đường Phan Đình Giót (TP. Pleiku) tổ chức mâm cơm giỗ Tổ với tấm lòng thành. Ảnh: Chu Hằng

Người dân đường Phan Đình Giót (TP. Pleiku) tổ chức mâm cơm giỗ Tổ với tấm lòng thành. Ảnh: Chu Hằng

Giỗ Tổ năm nay gần với tiết Thanh minh nên không khí của ngày này cũng rộn ràng hơn tại cụm khu dân cư phía Nam đường Phan Đình Giót (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). 16 hộ dân đã cùng nhau tổ chức lễ cúng với tinh thần đoàn kết, gắn bó. Ông Hồ Sích-Phó Tổ trưởng tổ dân phố 5-cho biết: “Năm nay, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 3 ngày liền nên bà con tập trung về dự rất đông. Gia đình nào cũng rộn ràng, hân hoan”.

Hưởng ứng các ngày lễ trọng đại trong tháng 4 như Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), nhiều hàng quán, cửa hiệu tại TP. Pleiku đã khoác lên mình “chiếc áo mới” ngập tràn màu sắc của lòng yêu nước. Dọc các tuyến phố như: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Lê Lợi, Cao Bá Quát… dễ dàng bắt gặp những quán cà phê, quán ăn treo cờ Tổ quốc, trang trí ly cốc, tường quán bằng hình ảnh cờ đỏ sao vàng, bản đồ Tổ quốc như một cách thể hiện lòng tri ân với cội nguồn và khẳng định chủ quyền dân tộc.

Đặc biệt, tại 2 quán cà phê: Cao Coffee (71A Hùng Vương) và Tiệm cà phê tháng bảy (69 Cao Bá Quát), không gian quán nổi bật với hình ảnh bản đồ Việt Nam được sơn, dán trang trọng trên mảng tường lớn. Phía dưới là dòng chữ bằng tiếng Anh: “Hoang Sa, Truong Sa belong to Vietnam” (Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam), như một lời khẳng định rõ ràng, đầy kiêu hãnh về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Quán Cao Coffee nổi bật với hình ảnh bản đồ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hoài

Quán Cao Coffee nổi bật với hình ảnh bản đồ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hoài

Chị Cao Thị Liên-Chủ quán Tiệm cà phê tháng bảy-chia sẻ: “Tháng 4 luôn là khoảng thời gian rất đặc biệt đối với người Việt Nam. Việc trang trí quán như vậy không chỉ tạo điểm nhấn thẩm mỹ mà còn thể hiện sự tự hào, lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc”. Những ly nước, bức tường trang trí hình ảnh bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam thu hút nhiều bạn trẻ thích thú check-in.

Bạn trẻ Ngô Thị Bích Ngân-Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu tại Gia Lai-chia sẻ khi trong lúc cùng bạn bè chụp ảnh lưu niệm tại quán: “Đây chỉ là những hình ảnh giản dị nhưng đầy ý nghĩa và cũng là cách để thế hệ trẻ như chúng mình thể hiện tinh thần yêu nước, lòng biết ơn với sự hy sinh của ông cha ta để lại trong ngày lễ trọng đại của đất nước”.

 Người dân các nơi trong tỉnh đổ về thăm Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương sáng 7-4. Ảnh Lam Nguyên

Người dân các nơi trong tỉnh đổ về thăm Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương sáng 7-4. Ảnh Lam Nguyên

Ngoài các hoạt động tưởng nhớ trang trọng, Giỗ Tổ cũng là dịp nghỉ ngơi, vui chơi của người dân. Tại thị xã Ayun Pa, một số địa điểm như: Suối Đá 2 (xã Chư Băh), đồi hoa hướng dương (dưới chân đèo Tô Na) hay khu vực “bãi biển mini” dưới chân cầu Bến Mộng thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Lựa chọn khu dã ngoại Suối Đá 2 trong ngày nghỉ lễ, chị Rcom H’Mai (xã Chư Băh) vui vẻ cho hay: “Giỗ Tổ gắn với 2 ngày nghỉ cuối tuần nên tôi và bạn bè có những kỷ niệm ý nghĩa. Chúng tôi đến Suối Đá để được hòa mình vào không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên, nướng đồ ăn và cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm”.

Còn chị Nguyễn Thị Thảo (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) dành trọn vẹn 3 ngày nghỉ lễ bên gia đình. Ngoài đi uống cà phê trò chuyện, nấu những món ăn ngon, chị đưa con cái đi trải nghiệm cảm giác “tắm biển trên núi” tại chân cầu Bến Mộng. Với bãi cát trải dài và dòng sông Ba trong vắt, các con được thoải mái tắm mát mà không cần đi đâu xa.

“Sợ các điểm du lịch sẽ đông kín khách vào dịp lễ nên gia đình tôi quyết định chỉ vui chơi gần nhà. Tuy vậy, ai cũng cảm thấy thoải mái và gắn kết nhau hơn”-chị Thảo cho hay.

 Công trình tượng Quốc tổ và 18 Vua Hùng ở Gia Lai được công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam. Ảnh: Internet

Công trình tượng Quốc tổ và 18 Vua Hùng ở Gia Lai được công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong khi đó, nhiều người dân ở khu vực phía Đông tỉnh cũng không đi chơi xa mà tìm đến các khu vui chơi, di tích lịch sử trên địa bàn. Chị Kiều Thị Thiện (tổ 2, thị trấn Kông Chro) tâm sự: “Chúng tôi gồm 4 gia đình đưa theo con cái đi tham quan một số di tích lịch sử, điểm du lịch, khu vui chơi trên địa bàn thị xã An Khê. Được đi bơi tại hồ bơi của Lữ đoàn Pháo binh 368, vừa vui chơi vừa nâng cao kỹ năng phòng ngừa đuối nước nên các con rất thích. Chúng tôi còn tham quan Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, giúp các con hiểu thêm về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của ông cha ta, bày tỏ lòng biết ơn, tự hào dân tộc”.

Còn chị Nguyễn Thanh Hoàng (phường An Tân, thị xã An Khê) do có con nhỏ nên chọn phương án nghỉ ngơi, vui chơi gần nhà. “Trên địa bàn thị xã có nhiều điểm vui chơi khá hấp dẫn như Hòn Kong Farm, đập Bến Tuyết, hồ Hòn Cỏ và nhiều quán cà phê có view đẹp. Một số điểm vui chơi dành cho trẻ em cũng được đầu tư mở rộng, bổ sung nhà liên hoàn đa năng, xích đu, nhà banh cho bé và các thiết bị khác, đáp ứng nhu cầu vui chơi cho nhiều lứa tuổi. Năm sau con lớn hơn, tôi dự định sẽ về Phú Thọ dự lễ Giỗ Tổ”-chị Hoàng thổ lộ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thieng-lieng-ngay-gio-to-post317988.html
Zalo