Thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước
Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 ngươìchết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.
Đánh giá tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin, trong năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.964 trận thiên tai được thống kê.
Thiên tai năm 2023 làm 1.298 nhà sập đổ, 17.694 nhà hư hỏng, tốc mái; 192.727 ha lúa, hoa màu, 26.921 ha cây trồng khác bị ngập úng, thiệt hại; 3.658 con gia súc; 283.645 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4.312 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 252 lồng bè bị thiệt hại; 292 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng;nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 4,3 triệu m3 đất, đá, bê tông; 181 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỷ đồng.
Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến như: Đợt mưa lớn từ ngày 2-8/8 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 16 người chết, mất tích; trận lũ ống, lũ quét xảy ra đêm 12/9 đến rạng sáng 13/9 tại thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn và huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã làm 9 người chết, mất tích.
Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó vụ sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại đèo Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 6 người chết.
Đợt mưa lớn từ 24-29/9 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại 6 tỉnh miền Trung và 13 tỉnh Bắc Bộ đã gây ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, nghiêm trọng nhất tại tỉnh Nghệ An (thời điểm lớn nhất 2.337 nhà bị ngập). Mưa lũ, sạt lở đã làm 21 người chết, mất tích, bị thương (chết: 10; bị thương:11)
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung đã xảy ra 03 đợt mưa lớn, lũ, ngập lụt diện rộng làm 14 người chết, mất tích, trong đó đợt mưa lớn từ ngày 13-17/11 tại Thừa Thiên Huế có nơi mưa trên 800mm/24 giờ, gây ngập lụt diện rộng hạ lưu sông Hương và sông Bồ; tại Đà Nẵng đợt mưa từ ngày 11-18/10 với tổng lượng trên 1.300mm gây ngập sâu nhiều khu vực của thành phố,…
Ngày 17/10, dông lốc, gió mạnh, sóng lớn trên biển đã làm 2 tàu của tỉnh Quảng Nam bị đánh chìm làm 15 người chết, mất tích.
Nắng nóng gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm, xảy ra nhiều đợt nắng nóng kỷ lục vượt giá trị lịch sử như Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ, Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ - đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từng được quan trắc ở Việt Nam.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ); nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển…
Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.