Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải

Chiều 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải (GTVT); Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại cuộc họp.

Tại phiên họp lần thứ 13 ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cấp nguồn vật liệu xây dựng nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam; đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 2 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện GPMB thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu. Một số dự án có giá trị thực hiện lớn như: Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 thi công đạt 52%; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang đạt 26%; Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Hà Nội đạt 33%; dự án Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang đạt 35%; Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Long An đạt 41%; Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua Đồng Tháp đạt 36%; Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 35%; một số dự án thành phần đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 - 6 tháng. Với các dự án thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nên ảnh hưởng không đáng kể, các công trình xây dựng không gây ngập úng cho các khu vực lân cận; hiện các đơn vị đang khắc phục, sửa chữa đường công vụ, đường điện,... để thi công trở lại.

Tuy nhiên, việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ 10%, Sóc Trăng 5% tại dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bắc Ninh 5% tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng 2% tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu xử lý, giải quyết thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Cao Bằng hiện nay đang triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Tỉnh đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu triển khai quyết liệt thi công các hạng mục cao tốc, GPMB, nguyên nhân chủ yếu là phía tỉnh Lạng Sơn, hiện nay kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo được sử dụng đất giao thông, tỉnh Cao Bằng với tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành rà soát lại và xin điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất từ Cao Bằng về Lạng Sơn với diện tích 120 ha (cắt nối); về điều chỉnh chủ trương đầu tư, mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; liên quan đến thiết kế chậm, đến nay, thiết kế mới được 12/93 km, trách nhiệm thuộc nhà đầu tư; thi công chậm dẫn đến tiến độ giải ngân mới đạt 2,4%, hiện các mũi thi công đã vào vị trí nhưng mới chỉ dọn mặt bằng.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu về mặt bằng, nguyên vật liệu…; các bộ, ngành chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, “không nói không, không nói khó; không nói có mà không làm”, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục phối hợp tập trung thúc đẩy các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Các địa phương phải biến đau thương thành hành động, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đẩy mạnh tăng trưởng, góp phần giải quyết khó khăn để phát triển.Từ nay đến cuối năm, phải tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc...

Kim Thoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phien-hop-thu-14-cua-ban-chi-dao-nha-nuoc-cac-cong-trinh-du-an-quan-trong-quoc-gia-trong-diem-nganh--3172168.html
Zalo