Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài (1757-1832)
NSGN - Hiện chưa rõ thế danh, nhưng căn cứ vào các long vị của thiền sư được thờ tại các ngôi tổ đình ở miền Trung và căn cứ vào các tác phẩm của sư hiện còn, nhất là tác phẩm Nôm với sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.
Hành trạng và sự nghiệp
Có thể nói Thiền sư Vi Bảo Toàn Nhật Quang Đài quê ở vùng Thuận Hóa (tức Quảng Trị, Thừa Thiên hiện nay), xuất gia và hành đạo tại Phú Yên. Sư sinh vào giờ Tỵ ngày 28 tháng 10 năm Đinh Sửu (tức từ 9 đến 11 giờ sáng ngày 10-12-1757) và tịch vào giờ Dần ngày mùng 6 tháng 4 năm Giáp Ngọ (tức khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng ngày 14-5-1832), thọ 76 tuổi. Như vậy, thiền sư sống vào nửa cuối thế kỷ XVIII dưới thời Lê trung hưng, Tây Sơn và 30 năm đầu thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn (triều Gia Long, Minh Mệnh).
Tư liệu cho biết, trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã từng là tướng quân của nghĩa quân Tây Sơn, đã lập nhiều công lao đối với triều đại này. Sau có thể vì nội bộ Tây Sơn bất hòa giữa Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc mà Toàn Nhật xin cáo quan rồi xuất gia đầu Phật làm đệ tử của Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm ở chùa Từ Quang, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, lúc này sư đã 30 tuổi. Hơn 10 năm sau, lúc đã 43 tuổi, sư đắc pháp với Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, trở thành thế hệ thứ 37 Thiền phái Lâm Tế, dòng Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo xuất kệ. Thiền sư có pháp danh là Toàn Nhật, pháp tự là Vi Bảo, pháp hiệu là Quang Đài, mà theo truyền thống của dòng Chúc Thánh, cách gọi tên đầy đủ phải là Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài. Ngài trụ trì chùa Viên Quang thôn Định Phong, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc thôn Phong Niên, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), đồng thời là một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, hơn hai trăm năm qua, tên tuổi và tác phẩm của ngài đã bị lãng quên trong văn học sử. Vài mươi năm trở lại đây, nhờ khai thác tư liệu tại các tổ đình ở Phú Yên và Bình Định, Huế mà học giả Lê Mạnh Thát đã nghiên cứu, giới thiệu những trước tác của thiền sư trong công trình Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, 2 tập.
Nghiên cứu về ngài Toàn Nhật Quang Đài, học giả Lê Mạnh Thát cho biết đã nghiên cứu những tấm long vị đặt ở các ngôi chùa có thờ ngài Toàn Nhật, tìm hiểu kỹ nội dung tập tài liệu Từ Quang tự Sa-môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí ghi chép về hành trạng của ngài Pháp Chuyên Luật Truyền là thầy của ngài Toàn Nhật, kết hợp với việc nghiên cứu nội dung các tác phẩm đã được xác định là do ngài Toàn Nhật Quang Đài trước tác.
Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài đã phác lược một bản hành trạng của ngài Toàn Nhật với những nét chính như sau:
Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài sinh ngày 28 tháng 10 năm Đinh Sửu 1757, thế danh không rõ, có nhiều khả năng quê quán của ngài thuộc vùng Thuận Hóa, từng hoạt động với tính cách một vị tướng trong quân đội Tây Sơn. Khi thấy tình trạng bất hòa xảy ra giữa những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, vào năm 1786, lúc đã ba mươi tuổi âm, ngài cáo quan rồi xuất gia với Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1738-1810) tại Phú Yên khi ngài Pháp Chuyên đang hoằng hóa ở địa phương này. Lúc xuất gia, ngài Toàn Nhật đã lớn tuổi và đã có một căn bản Nho học vững chãi. Trong cuộc đời hành đạo của mình, có lẽ ngài Toàn Nhật đã có những thời gian theo hầu thầy là ngài Pháp Chuyên Diệu Nghiêm, rày đây mai đó để hoằng pháp lợi sanh; và chính cuộc sống tha hương, nương nhờ làng xã, nương nhờ sự giúp đỡ của nhân dân như vậy đã tạo cơ hội cho ngài Toàn Nhật sống gần gũi với nhân dân, thể nghiệm được những giá trị nhân bản và nhân đạo của cuộc sống, thực sự lý hội được giá trị của nếp sống lao động, tiếp thu được những kiến thức từ kho tàng trí tuệ của nhân dân, hiểu rõ tình cảnh cơ cực của người dân trong xã hội phong kiến đang trên đà suy thoái.
Có lẽ chính trong cuộc sống ấy, ngài Toàn Nhật đã hình thành những điều cốt yếu cho các tác phẩm chính của mình, cụ thể là Hứa Sử truyện vãn và Tam giáo nguyên lưu ký, bên cạnh những trước tác khác như Tống Vương truyện, Lục tổ truyện diễn ca, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn, Tham thiền vãn, Xuất gia vãn. Có lẽ các tác phẩm của ngài Toàn Nhật hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1785 đến năm 1800. Trong thời gian đi theo thầy hành đạo, ngài đã nhiều lần thay mặt thầy giảng kinh cho đại chúng. Ngài từng viết tập Sa-di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên để thay thầy dạy chúng. Như vậy, hẳn là ngài có sở đắc vững vàng về Hán văn mà không phải lúc nào ngài cũng tỏ lộ. Qua đó, có thể biết ngài là người khéo giữ hạnh khiêm cung.
Hiện chúng ta không biết hoạt động Phật sự của ngài Toàn Nhật có liên hệ gì với triều đình Tây Sơn hay không, nhưng bài văn Từ Quang tự Sa-môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm Thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí cho biết vào năm 1796, ngài Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, vị thầy truyền pháp cho ngài Toàn Nhật, có tổ chức một giới đàn trao giới cho hơn 200 Tăng Ni ở Phú Yên đã được Đoàn Luyện quận công lúc ấy là Trấn thủ Phú Yên của nhà Tây Sơn ủng hộ; đến năm 1798, ngài Pháp Chuyên Luật Truyền lại được hoàng thái hậu nhà Tây Sơn thỉnh ra Huế để chứng minh việc đúc đại hồng chung rồi ban áo cà-sa màu tím. Lịch sử xác nhận các năm 1796 và 1798, quân của Nguyễn vương Phúc Ánh chưa lấy được Phú Yên và Thuận Hóa. Nghĩa là nếu không trực tiếp thì gián tiếp, ngài Toàn Nhật cũng có chút liên hệ với triều đình Tây Sơn. Điều này phản ánh qua việc ngài Toàn Nhật hành đạo 32 năm dưới thời nhà Nguyễn (18 năm dưới triều Gia Long và 14 năm dưới triều Minh Mệnh), lại là một danh tăng, nhưng sử nhà Nguyễn không hề nhắc đến tên ngài. Trong Toàn tập, Lê Mạnh Thát cho rằng hầu như ngài Toàn Nhật không thừa nhận sự hiện diện của nhà Nguyễn ấy qua việc ngài chưa bao giờ sử dụng niên hiệu của các vua nhà Nguyễn để ghi nhận những niên đại cần nhớ.
Tác phẩm của Toàn Nhật Quang Đài
Về trước tác, trước thuật, Thiền sư Toàn Nhật viết rất nhiều, có đến trên 20 tác phẩm lớn nhỏ, trừ vài ba tác phẩm viết bằng chữ Hán, còn lại đa phần là chữ Nôm, thống kê như sau:
Hứa Sử truyện vãn (truyện thơ Nôm), Tam giáo nguyên lưu ký, Tống Vương truyện, Lục tổ truyện diễn ca, Bát-nhã ngộ đạo văn, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành văn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngữ văn, Giới hành đồng từ, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu Tịnh độ vãn, Xuất gia vãn, Trùng khuyên than sơ quyến thuộc phú, Khuyến tu hành Quốc ngữ phú, Thơ bà vãi, Phá thô bát tống văn, Văn đưa cây bắp, Thơ chữ Hángồm 19 bài thơ tứ tuyệt và bát cú thất ngôn Đường luật, Thơ Quốc âmgồm 30 bài, Sa-di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên, Lời bạt cho việc khắc lại kinh Thủy sám, Lời bạt cho việc khắc lại kinh Nhân quả, Lời bạt sau kinh Vô lượng nghĩa.
Như vậy về thể loại, Thiền sư Toàn Nhật viết khá nhiều thể loại: truyện thơ, vãn ca, diễn ca lịch sử, thơ Đường luật tứ tuyệt, thơ Đường luật bát cú, phú, bạt, tản văn…
Về nội dung tư tưởng, qua một số tác phẩm vừa nêu, có thể thấy tư tưởng Thiền Phật của Toàn Nhật Quang Đài cũng nằm trong hệ thống quan niệm tư tưởng nhà Phật lúc bấy giờ, đó là quan niệm “Cư Nho mộ Thích”, “Tam giáo đồng nguyên” (Ba giáo Phật - Nho - Đạo có cùng một nguồn) trong Phật giáo Thiền tông. Nội dung này thể hiện rõ trong tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký.
Một vài tác phẩm của thiền sư mang tính nhập thế rõ nét như Hứa Sử truyện văn. Tác phẩm này mang dấu ấn thời đại có thể nói là sâu sắc, thể hiện nếp tư duy của người Việt trước những vấn đề trọng đại của đất nước lúc bấy giờ. Những vấn đề thực tế mang tính thời sự đó đã được thiền sư giải đáp trong tác phẩm này.
(1) Hứa Sử truyện vãn là một truyện thơ Nôm dài 4.486 câu thơ lục bát, thỉnh thoảng có kèm những câu song thất. Trong truyện thơ còn có một bài văn tế (chen vào giữa câu 3824 và 3825) và một bài hịch (chen vào giữa câu 3884 và 3885). Cả hai bài đều viết bằng chữ Nôm theo lối văn biền ngẫu. Bố cục câu chuyện có thể chia làm 4 phần, có thể tóm lược tác phẩm như sau:
- Phần 1. Lai lịch, lý do ra đời của Hứa Sử truyện vãn (từ câu 1 đến câu 100).
- Phần 2. Cuộc đời và công quả của Hứa Sử (từ câu 101 đến câu 2534). Phần này có thể chia làm 5 đoạn nhỏ:
1. Nguồn gốc gia đình và việc đi tu của Hứa Sử (câu 101 - câu 560).
2. Thầy mất, Hứa Sử đến tu học tiếp tục tại chùa Từ Khôi (câu 561 - câu 648).
3. Hứa Sử bị bắt lầm về âm phủ (câu 649 - câu 1858).
4. Hứa Sử sống lại đi tìm Thanh Sơn (câu 1859 - câu 2294).
5. Hai người chứng quả A-la-hán rồi về cõi Tây phương (câu 2295 - câu 2534).
- Phần 3. Thanh Sơn về cõi trần, cứu nhân độ thế (câu 2535 - câu 4086). Phần này có thể chia làm 4 đoạn nhỏ:
1. Thanh Sơn về cõi trần gặp Đổng Vân (câu 2535 - câu 2716).
2. Đổng Vân quyết định đi tu (câu 2717 - câu 3496).
3. Triệu Tấn tiến công đánh nước Việt, Đổng Vân ra làm tướng quân để cứu nước (câu 3497 - câu 3924).
4. Chiến thắng ngoại xâm, cả vua và bầy tôi cùng đi tu (câu 3925 - 4086).
- Phần 4. Tác giả nhận xét, đánh giá từng nhân vật trong truyện (câu 4087 - câu 4486).
Nhìn chung, ngoài tư tưởng Phật giáo như tu hành, cứu nhân độ thế, truyện thơ này đã nêu lên 3 vấn đề lớn mang tính nhập thế, đó là:
Một là, thể hiện luận đề chống tư tưởng tôn quân. Tác phẩm cho rằng thầy lớn hơn vua và cha. Đây là quan điểm hoàn toàn trái với quan điểm Nho giáo.
Hai là, thể hiện luận đề lao động. Tác phẩm đã đề cao con người lao động. Con người có lao tác trí tuệ thì tình cảm mới phát sinh. Nhờ thế con người mới có trí tuệ cao và có tình cảm trong sáng, con người mới chứng ngộ, đạt quả vị Thánh nhân.
Ba là, thể hiện luận đề đạo đức nhân nghĩa và chiến đấu vì nhân nghĩa.
Nói chung, bên cạnh tính thời sự thể hiện tinh thần thời đại, thì bao trùm lên cả vẫn là tinh thần tư tưởng từ bi, trí tuệ và dũng lực của Phật giáo.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm thì Toàn Nhật không thể là tác giả sáng tác Hứa Sử truyện vãn, mà có thể ông chỉ là người dựa vào bản truyện thơ Nôm bình dân có sẵn đang lưu truyền rồi chỉnh lý, biên tập lại và cho khắc in1.
(2) Tam giáo nguyên lưu ký viết bằng chữ Nôm với 1.210 câu thơ lục bát, trong đó có 2 chỗ chen câu thơ thất ngôn (các câu 557 - 558; 587 - 588), ngoài ra trong tác phẩm này còn có 1 bài thất ngôn lục cú chữ Nôm, 9 bài thất ngôn bát cú (1 bài chữ Hán, 8 bài chữ Nôm). Như nhan đề cho biết, nội dung tác phẩm đề cập tính thống nhất của ba hệ tư tưởng Phật, Nho và Đạo giáo có cùng một cội nguồn (Tam giáo đồng nguyên). Đây là quan điểm phổ biến trong giới trí thức Việt Nam ở thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX bấy giờ. Bố cục tác phẩm được sắp xếp như sau:
- Phần 1 từ câu 1 đến câu 28, giới thiệu chung, nêu tính thống nhất của Tam giáo và quan hệ chức năng giữa chúng với nhau.
- Phần 2 từ câu 29 đến câu 226, trình bày về nguyên lưu của Nho giáo, cuối phần này là một bài thơ Nôm thể thất ngôn bát cú Đường luật.
- Phần 3 từ câu 227 đến câu 368, mô tả về lai lịch của Đạo giáo, trong đó đã dành phần lớn để ghi lại một truyền thuyết về sự tranh chấp giữa Phật giáo và Đạo giáo khi Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, ở giữa câu 356 và 357 có chen vào một bài thơ chữ Hán thể thất ngôn bát cú Đường luật.
- Phần 4 từ câu 369 đến câu 1210, viết về Thích giáo. Trong đó, ở giữa câu 416 và 417, có chen 1 bài thơ thất ngôn lục cú chữ Nôm; ở giữa câu 1132 và 1133 có chen vào 7 bài thơ Nôm thể thất ngôn bát cú Đường luật.
Như vậy, tổng cộng tác phẩm này có 1.288 câu thơ, trong đó có 8 câu thơ thất ngôn chữ Hán, còn lại tất cả đều là chữ Nôm.
Phần trình bày về Nho giáo, Toàn Nhật đã thể hiện một kiến thức vững vàng và một quan điểm minh bạch về lịch sử cũng như lập trường của Nho giáo. Phần viết về Đạo giáo không thật rõ ràng, có lẽ vì tình trạng phức tạp của bản thân lịch sử Đạo giáo. Đọc kỹ phần viết về Thích giáo, chúng ta thấy Toàn Nhật thuật lại sự tích Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh làm thái tử rồi bỏ ngôi vị để xuất gia, trải qua sáu năm ở núi tuyết mới thành chánh quả, trở lại dạy chúng sinh phép giải thoát; trình bày sơ lược phép tu theo tín ngưỡng Di Đà, nêu lên những tấm gương tu hành theo truyền thuyết dân gian, kể lại những mẩu chuyện nhân quả, khuyến khích dân chúng gìn giữ nhân luân, quy y giữ giới để đạt được Tịnh độ ngay trong cõi sống hiện tại, dặn dò phải giữ niềm kính tín; ngài cũng cho biết chỉ vì lo thế đạo suy tàn mà phải cố gắng tăng bổ trùng san bằng mấy câu Nôm dốt.
Trong Tam giáo nguyên lưu ký, từ câu 1133 đến 1146, có lẽ Toàn Nhật nói đến cuộc đời tu hành của mình, có ý cho thấy Thích giáo là hơn hẳn trong Tam giáo, vì ngài từng dự Nho gia nhưng chỉ khi bắt đầu học phép Thiền rồi nhờ duyên lành gặp được thầy mới được thầy thương vạch ra cho thấy con đường thoát nhà tử sinh:
Ta xưa cũng dự Nho gia,
Mười hai tuổi học đến ba mươi rày.
Hỏi thăm năm bảy ông thầy,
Không ai tỏ đặng tính trời
huyền môn.
Tâm nguyên uẩn áo thánh nhơn,
Cũng là chân lạc hạo nhiên để truyền.
Sau ta đầu học phép thiền,
Thuở ba mươi tuổi vật liền xuất gia.
Duyên lành may gặp thầy ta,
Người thương chỉ thị thoát nhà
tử sanh.
Thiền môn khắn khắc tu hành,
Bốn mươi ba tuổi tánh lành
chút thông.
Soạn làm một kẻ mừng long,
Để cho người thế
cũng đồng xem coi2.
Nhìn chung, có thể nghĩ ngài Toàn Nhật viết Tam giáo nguyên lưu ký nhằm cổ động quần chúng tinh tấn tu hành Phật giáo theo quan niệm nhân gian. Mặc dù mở đầu ngài có nói theo công thức rằng Nho như ánh sao, Đạo như ánh trăng và Thích như ánh mặt trời, nhưng rõ ràng ngài đã nhấn mạnh đến quan hệ nhân quả theo cảm thức dân gian, rằng chỉ bằng cách giữ được lòng từ bi hỷ xả, không ỷ thế đắc thời thì mới thấy rõ Phật hay ma là tự mình mà ra (các câu từ 935 đến 944); thêm nữa, trong toàn văn, ngài không hề nhắc đến những khái niệm Bát-nhã hay tính Không, vốn là những khái niệm nền tảng của Phật giáo.
(3) Tống Vương truyện là một câu chuyện tình yêu thể hiện một quan điểm tiến bộ của nhân dân, chống lại quan điểm của ý thức hệ phong kiến, góp thêm một tiếng nói cho trào lưu văn học nhân văn chủ nghĩa ở Việt Nam vào thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm gồm 520 câu thơ Nôm theo lối trường đoàn cú (tứ ngôn, lục ngôn, thất ngôn), kể lại câu chuyện tình đẹp của thái tử con vua nước Tống với cô Thụy Ngọc con gái nhà chài lưới vùng Giang Hạ, Bao nhiêu công chúa các nước Tấn, Tần, Sở, Tề, Hán, Đường được cử đến nhưng thái tử nước Tống không vừa ý. Cuối cùng, khi thái tử mới gặp được cô Thụy Ngọc, con gái của ngư phủ, thì chàng đã ưng thuận ngay. Ban đầu Tống Vương tức giận, không đồng tình vì không “môn đăng (đương) hộ đối”, nhưng vì lòng thái tử đã quyết, nên đành ưng thuận. Sau đó Tống Vương nhường ngôi cho thái tử rồi xuất gia cầu Phật.
(4) Lục tổ truyện diễn ca là một tác phẩm diễn ca lịch sử về ngài Lục tổ Huệ Năng, gồm 348 câu, chia làm 7 đoạn: (1) Từ câu 1 đến câu 12, nêu lý do ra đời và mục đích của tác phẩm là “Thuật lời Phật Tổ sửa lòng”. (2) Từ câu 13 đến câu 44, trình bày lai lịch của Thiền tông từ ngài Bồ-đề Đạt-ma trở về sau, cho đến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn “Đạo lành mặc hóa Tây phương năm đời”. (3) Từ câu 45 đến câu 128, nói về lai lịch cuộc đời nghèo khổ và cơ hội ngộ đạo của Huệ Năng. (4) Từ câu 129 đến câu 180, thuật lại việc Huệ Năng đến cầu học với Hoằng Nhẫn, được Ngũ tổ giao cho việc giã gạo. (5) Từ câu 181 đến câu 250, kể lại việc Huệ Năng trình bài kệ giác ngộ, được mọi người truyền học. (6) Từ câu 251 đến câu 300, kể lại việc Huệ Năng được truyền y bát rồi nghe lời thầy về phía Nam hoằng hóa. (7) Từ câu 301 đến câu 348, trình bày quan điểm của Toàn Nhật về cuộc đời của Huệ Năng.
(5) Bát-nhã ngộ đạo quốc âm vãn tác phẩm chữ Nôm gồm 324 câu, cụ thể chia làm ba đoạn: Sơ đoạn Hạ thừa; Đệ nhị đoạn Trung thừa và Đệ tam đoạn Thượng thừa. Về hình thức, Sơ đoạn viết theo lối cổ phong; Đệ nhị đoạn viết theo lối lục bát và Đệ tam đoạn viết bằng những câu bảy chữ là chính.
Lê Mạnh Thát cho rằng khi viết Bát-nhã ngộ đạo Quốc âm vãn có thể ngài Toàn Nhật đã đề cập tình hình văn hóa Việt Nam thời Gia Long về đóng đô ở Huế, khi các giáo sĩ phương Tây đã có dịp du nhập những lối sống, những tập tục khác với truyền thống dân tộc. Đứng trước tình hình đó, trước hết ngài Toàn Nhật kêu gọi người ta quay trở về với những gì phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc bằng Hạ thừa.
Xét về nội dung, Hạ thừa trong Bát-nhã ngộ đạo Quốc âm vãn lấy lòng thương và sự hiểu biết theo quan điểm Phật giáo làm nền tảng để cổ xúy đạo làm người theo khái niệm trách vụ của Nho giáo và nếp sống nhàn lạc của Đạo giáo. Bước qua Trung thừa, tác phẩm nói đến sự cần thiết của việc đi tìm “đại đạo” bằng cách thoát ly những ràng buộc của xã hội để phát triển khả năng tự tính của từng cá nhân. Tiến đến Thượng thừa, con người phải tổng hợp được cuộc sống nhập thế của Hạ thừa và chí hướng xuất thế của trung thừa: vừa làm việc ở đời nhưng cũng vừa giác ngộ được chân lý. Điều đó đòi hỏi con người phải có trí tuệ siêu việt và có nhận thức sắc bén về sự thật của cuộc đời.
Theo Lê Mạnh Thát, Bát-nhã ngộ đạo Quốc âm vãn tượng trưng cho một cố gắng tổng hợp những nếp sống được truyền thụ vào Việt Nam trên cơ sở khả năng tiếp thu và bản lĩnh lựa chọn của dân tộc.
(6) Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn: Văn bản chép tay ở chùa Hải Chính có thể viết khoảng cuối đời Gia Long đến đời Minh Mệnh, vì không thấy kiêng kỵ húy của vua Thiệu Trị và Tự Đức, gồm 200 câu thơ thể song thất lục bát, kết thúc tác phẩm là bài thơ thất ngôn Đường luật. Bài vãn ca này mang nội dung khuyên người đời hãy thức tỉnh để chăm lo tu hành.
(7) Tham thiền vãn: Văn bản chép tay ở chùa Tường Vân (Huế) gồm 200 câu thơ cùng một số bài kệ xen vào; còn văn bản ở chùa Hải Đức (Huế) cũng có nội dung giống với bản Tường Vân. Đây là bài vãn ca mang nội dung bàn về việc tham thiền.
(8) Thiền cơ yếu ngữ vãn: Văn bản khắc in, thể loại vãn ca, gồm 162 câu thơ, còn có nhan đề là Thiền cơ diễn âm, Thiền cơ ngộ đạo truyện, Thiền cơ truyện, Thiền cơ vịnh được ghi trên gáy ở các bản khắc in.
(9) Giới hành đồng từ (Viên Quang tự lão Tăng khuyến giới hành đồng từ, Viên Quang tự lão Tăng khuyến giới đạo đồng phú): Các bản đều có 76 câu thơ song thất lục bát chữ Nôm.
(10) Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu Tịnh độ vãn: Với 104 câu thơ lục bát mang nội dung kêu gọi mọi người thực hiện pháp môn niệm Phật để được về Tịnh độ.
(11) Xuất gia vãn (Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn) chữ Nôm, gồm 200 câu viết theo thể song thất lục bát, kết thúc bằng một bài thơ bảy chữ tám câu. Bài vãn ca này ca ngợi niềm hạnh phúc tối thượng của việc thấy rõ cuộc thế mà xuất gia tu hành. Bài vãn có thể chia làm ba đoạn:
Đoạn đầu từ câu 1 đến 56: Nói về sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca, bậc có đủ lục thông và tam minh, thấy rõ nỗi khổ sinh tử của loài người nên đã hiện tướng giáng sinh thể hiện việc cầu pháp suốt sáu năm ở Tuyết lãnh, mở bày con đường cắt ái ly gia cho những người hiểu biết, khuyến khích họ tinh chuyên tu hành để sau nối pháp tiếp tục độ sinh; cho biết đạo giải thoát ấy đã lần hồi đến được nước Nam ta, và nay lại là thời minh chúa Nguyễn gia sùng thượng Phật pháp tạo điều kiện cho Tăng Ni được thong thả tu thân.
Đoạn hai từ câu 57 đến 176: Khi thấy có người xuất gia đầu Phật, hãy tự hỏi sao mình không biết tìm về nẻo sáng ấy; hãy nhìn lại xem có con đường nào sáng hơn hay không; lại nữa, điều kiện hiện tại thật là tốt đẹp; hãy quan sát xem cuộc sống của người xuất gia tiêu dao thế nào; hãy biết chỉ vì con người không nhận ra lòng từ bi của Đức Phật, chứ Đức Phật nào bỏ ai không độ. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe, tinh cần học theo pháp Phật, thực hành những điều được dạy bảo thì mới thấy được vị ngọt của đạo, hãy nhớ rằng gặp duyên biết đạo cũng khó như con rùa mù gặp được bọng cây.
Đoạn ba từ câu 177 đến 200: Xét mình đã được dự vào hàng Phật tử, ở trong chùa, nương nhờ tín thí, chỉ biết sẵn sàng tùy duyên du hóa để đền ơn Phật tổ. Ngẫm nghĩ như vậy mà viết bài văn này để đền ơn.
Cuối bài vãn có bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật như sau:
Ơn đền (kính) tặng vận quê thơ,
Ai giữ lòng tin đạo muối dưa.
Ân nghĩa dài, thân nên chí quyết,
Thảo ngay toàn tiết chói đời ưa.
Nhân cùng quả tỏ tua xem xét,
Dữ với lành so khá lọc lừa.
Hơn tốt sự đời soi ai đó,
Dần dần khắp đượm
pháp lành xưa.
(11) và (12) Hai bài phú chữ Nôm: Trùng khuyên thân sơ quyến thuộc phú gồm 162 câu đối nhau. Thiên Đức sơn Viên Quang tự lão Tăng khuyến tu hành Quốc ngữ phú, gồm 159 câu đối nhau theo thể phú Đường luật đa vận.
(13) Thơ bà vãi: gồm 62 câu thơ dạng viết thư gửi cho ai đó ghi lại cuộc đời của tác giả từ khi nhà Tây Sơn bị sụp đổ.
(14) và (15) Hai bài Tống văn, một dạng văn tế viết ra để tiễn đưa cái bát bị vỡ và cây bắp, theo lối phú Đường luật: Viên Quang Trưởng lão pháp sư gia trung hữu tăng phá thô bát tức thì tác tống văn (Phá thô bát tống văn); Viên Quang pháp sư kiến tăng phá thô oản tức thì tác tống văn (Phá thô oản tống văn, Văn đưa cây bắp).
(16) Thơ Quốc âm có 30 bài.
(17) Thơ chữ Hán có 19 bài.
(18) Sa-di, Oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiễu thiên.
(19) Lời bạt việc khắc lại kinh Thủy sám.
(20) Lời bạt việc khắc lại kinh Nhân quả.
(21) Lời bạt kinh Vô lượng nghĩa.
Tư tưởng và văn chương của Toàn Nhật
Qua việc tìm hiểu một số tác phẩm của ngài Toàn Nhật, có thể thấy ngài vững lòng tin nơi Phật pháp đồng thời luôn giữ một niềm tin nơi quảng đại quần chúng nhân dân. Phần lớn tác phẩm của ngài được viết bằng chữ Nôm, dùng tiếng nói dân tộc để truyền tải tư tưởng, nhắm đến đối tượng là những người lam lũ ít học, không phải là ngài thiếu chữ Nho để vận dụng. Ngược lại là khác, đọc bản hịch ngài thác lời Đổng Vân truyền cho Triệu Tân trong Hứa Sử truyện vãn, có thể biết ngài sử dụng nhuần nhuyễn văn chương bác học. Như vậy, có thể thấy, tư tưởng Phật học của ngài là thành tựu của nền Phật giáo nhân gian. Ngài hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người dân chân chất, ngài không nêu lý thuyết suông mà biến cải lý thuyết ngài đã học thành những biện pháp thực hành cụ thể, nhắm đến đúng đối tượng.
Như đã thấy, ngài có nhiều thời gian đi theo thầy mình là Pháp Chuyên Diệu Nghiêm hoằng hóa khắp nơi, hẳn là ngài luôn tiếp xúc với những người chân lấm tay bùn, đủ sức cảm hóa họ. Ngài không nói ra nhưng đã thực hiện tư tưởng Hòa quang đồng trần và Cư trần lạc đạo mà chắc chắn ngài đã tiếp thu được từ nguồn kinh kệ truyền đến ngài.
Ngài Toàn Nhật là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học Phật giáo, không chỉ ở chỗ ngài sử dụng văn Nôm đề trước tác mà còn ở nội dung những tác phẩm của ngài. Có thể thấy ngài không hoàn toàn nhai lại những sự kiện đã được lưu truyền từ trước mà ngài có một cách trình bày theo suy nghĩ của riêng mình. Vấn đề là ngài không giải thích lý do. Chẳng hạn, trong Tam giáo nguyên lưu ký, đoạn mô tả việc Thái tử Tất Đạt Đa rời hoàng cung đi tìm đạo, ngài đã không theo mô thức thông thường. Trong Lục tổ truyện diễn ca, ngài cũng có những diễn tả mới mẻ.
Về mặt văn chương, ngài sử dụng hầu hết các thể loại văn chương, thể loại nào cũng đạt đến mức tinh túy, nhưng ngài quen dùng thể văn vần lục bát với những câu song thất để diễn đạt ý tưởng, vì ở thời đại của ngài, các thể văn vần ấy đang thịnh hành và dễ dàng được lưu truyền trong dân gian. Rõ ràng, ngài làm văn chỉ để tải đạo. Đấy cũng là một nét chính trong tư tưởng hành đạo của ngài.
Lời kết
Tóm lại, ngài Toàn Nhật Quang Đài sống và hành đạo trong một thời đại mang tính bản lề của lịch sử, có thể hoàn cảnh đã khiến ngài phải có hành trạng khác thường và tư tưởng khác thường. Tuy vậy, ngài vẫn sống cuộc sống sôi nổi trong cương vị một thiền sư. Ngài thực sự thể hiện lòng tin vào Phật pháp và truyền được lòng tin ấy cho những người dân bình thường trong thời đại của ngài. Tác phầm của ngài thể hiện nhiều nét đặc sắc mà không dễ lĩnh hội ngay vì thời đại của ngài khác thời đại của chúng ta. Đó là điều mà lớp hậu học còn cần phải nghiên cứu thêm, cả về hành trạng lẫn những hàm ý trong tác phẩm của ngài, để hiểu rõ hơn một giai đoạn lịch sử đặc biệt đã qua.
_________
(1) Tỉnh mê một cõi (tức Hứa Sử truyện) 2015. Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải, Trần Ngọc Ninh giới thiệu và nhận định. Viện Việt học California. USA.
(2) Lê Mạnh Thát. 2001. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài. Tập 2. NXB.Tổng Hợp TP.HCM. Tr.83-84.
Tài liệu tham khảo
1- Tư liệu điền dã của chúng tôi khi đến tìm hiêủchùa Từ Quang, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi Thiền sư Toàn Nhật đã xuất gia học đạo với Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm.
2- Lê Mạnh Thát. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài. 2 tập. NXB.Tổng Hợp TP.HCM. 2001.
3- Tỉnh mê một cõi (tức Hứa Sử truyện) 2015. Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải, Trần Ngọc Ninh giới thiệu và nhận định. Viện Việt học California. USA. 2015.
4- Nguyễn Công Lý, Nguyễn Công Thanh Dung. Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn: diện mạo, thành tựu, đặc điểm, tác gia tiêu biểu. NXB.Khoa học Xã hội. Hà Nội. 2022.
(Tác giả là GVCC Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM)