Thi vào lớp 10 THPT: Chọn trường tốt đừng chỉ nhìn vào điểm chuẩn
Để chọn được một môi trường học tập chất lượng, phù hợp, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về một trường học tốt.
Chiều 11/5, tọa đàm "Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm" đã được tổ chức với mục tiêu, đồng hành cùng phụ huynh và học sinh chọn môi trường học tập phù hợp ở bậc THPT.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ chính thức diễn ra, ở thời điểm hiện tại, ngoài ôn tập, việc cân nhắc lựa chọn trường học là vấn đề mà thí sinh và cha mẹ quan tâm, lo lắng.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội bậc THPT là một trong những giai đoạn quan trọng để các em hình thành nhân cách, phát triển năng lực. Vì vậy, một môi trường học tập là rất quan trọng để giúp học sinh khai phá khả năng bản thân.
Để trả lời cho câu hỏi như thế nào là một trường chất lượng và phù hợp, ông Trần Thành Nam cho biết chương trình đào tạo riêng có của từng cơ sở. Cùng với là danh tiếng, vị trí xếp hạng, số lượng học sinh đỗ đại học,...đều là những tiêu chí định lượng để phụ huynh cân nhắc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia những tiêu chí trên chỉ là một phần, điều quan trọng giá trị của một trường phụ thuộc vào nhân thức của chính phụ huynh. Nhiều cha mẹ đưa ra mục tiêu các con cần phải có thành tích cao, kiếm được nhiều tiền,…thì sẽ không phù hợp với cơ sở giáo dục có mục tiêu đào tạo học sinh hướng tới hạnh phúc, nhân cách tốt, hay phát triển toàn diện.

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa lựa chọn trường cấp 3 phù hợp, ông Trần Thành nam cho rằng với mục tiêu ở bậc THPT là hướng nghiệp, thì trường học không phải chỉ là nơi tìm ra nghề nghiệp cho các em. Mà đây, còn cần phải là "bệ đỡ" cho khả năng phát triển sự nghiệp trong tương lai của học sinh.
"Cha mẹ cần quan tâm đến triết lý giáo dục của mỗi trường, kèm theo là các điều kiện như cơ sở vật chất đảm bảo vận hành triết lý đó. Xem xét các mối quan hệ thầy trò, văn hóa trong nhà trường, khả năng định hướng, tạo cảm hứng của giáo viên", ông Trần Thành Nam bày tỏ.
Ngoài ra, ở bậc THPT việc học tập cá nhân hóa là rất quan trọng, vì vậy, môi trường học tập mà phụ huynh gửi gắm con em mình phải là nơi có thể phát hiện, nuôi dưỡng tiềm năng riêng của từng học sinh như nghệ thuật, thể thao,…
Sau khi chọn trường môi trường phù hợp, phụ huynh cũng cần phải khéo léo thuyết phục con đi theo định hướng, tránh áp đặt, gây sức ép lên con trẻ.
"Học sinh thường có xu hướng thích những thứ không tốt và phù hợp với phát triển bền vững của bản thân. Cần thuyết phục các em thông qua các trải nghiệm học tập tại môi trường mới, ghi nhận sự thay đổi của con và chấp nhận sự thất bại trong quá trình học tập là những cách phụ huynh đồng hành, định hướng học tập cho con", ông Nam đưa ra lời khuyên.

Th.S Chu Thị Hiên - Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức.
Hiểu được những lo lắng của phụ huynh trong việc chọn trường, Th.S Chu Thị Hiên - Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức chia sẻ: "Cấp THPT là giai đoạn bản lề để định hình nghề nghiệp tương lai. Đây cũng là lúc nhiều học sinh bắt đầu mong muốn khẳng định bản thân, nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng. Vì vậy, việc lựa chọn một ngôi trường có môi trường giáo dục phù hợp trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh".
Tuy nhiên, trong bối cảnh bị tác động bởi khoa học công nghệ phát triển liên tục như hiện nay, bà Hiền cũng cho rằng phụ huynh nên thay đổi cách nhìn về một trường học tốt.
"Không chỉ phát triển toàn diện, mà các em phải học được cách thích ứng linh hoạt với bối cảnh biến động. Bản thân trường chúng tôi cũng đang xây dựng mô hình học tập đặc biệt, để đào tạo những lứa học sinh không chỉ dừng lại ở tiếp thu kiến thức, mà còn kỷ luật, tự lập, biết cách thích nghi, vượt qua khó khăn", bà Chu Thị Hiên bày tỏ.
Một môi trường học tập chất lượng là tạo cơ hội cho học sinh phát triển khả năng của các em tối đa, thay vì gò bó các em trong những chương trình được cài đặt sẵn. Đây là nội dung quan trọng mà bà Chu Thị Hiên gửi gắm đến phụ huynh và học sinh khi chọn trường.
Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm gần 6.000 so với năm ngoái. Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập là 79.000. Tỉ lệ học sinh đỗ là hơn 62%, tăng so với mức 60-61% của các năm trước.
Năm nay, kỳ thi được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/6 với 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và môn thi (hoặc bài thi thứ ba).
Điểm xét tuyển bằng điểm bài thi môn toán + Điểm bài thi môn ngữ văn + Điểm môn thi (bài thi) thứ ba) + Điểm ưu tiên (nếu có) + Điểm khuyến khích (nếu có). Trong đó, điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10,0.