Thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục trở thành kênh huy động vốn quan trọng

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ, với kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Xoay quanh câu chuyện về sự phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và triển vọng trong thời gian tới, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lý Thanh Lương - Trưởng nhóm phân tích, Khối Xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu, Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating).

Trái phiếu xanh làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ảnh minh họa

Trái phiếu xanh làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ảnh minh họa

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Trong năm vừa qua, tổng giá trị trái phiếu xanh và bền vững tại Việt Nam đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước đó. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nội địa phục hồi mạnh mẽ, nhiều tổ chức, bao gồm các ngân hàng lớn và doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã phát hành trái phiếu xanh lần đầu.

"Việt Nam hiện đang xây dựng hệ thống taxonomy, dự kiến sẽ giúp xác định các lĩnh vực đủ điều kiện và hỗ trợ việc đánh giá, công bố thông tin về các dự án xanh hiệu quả hơn khi chính thức ban hành" - ông Nguyễn Lý Thanh Lương nói

Trong trung và dài hạn, thị trường trái phiếu xanh và bền vững Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục mở rộng và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và áp lực từ các thị trường xuất khẩu, cùng mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Từ năm 2025, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ phải tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon và doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã bắt buộc công khai thông tin về khí nhà kính từ năm 2022. Chính phủ cũng đang thúc đẩy chính sách bảo vệ môi trường và hoàn thiện danh mục phân loại xanh (taxonomy) để khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh.

PV: Liên quan đến việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn như ICMA, ASEAN, hay tiêu chuẩn nội địa, theo ông liệu có tạo ra sự phân mảnh hay giúp đa dạng hóa thị trường không?

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Trong những năm qua, các tổ chức phát hành toàn cầu đã áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế nổi bật như: Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA và ASEAN để định hình các đợt phát hành trái phiếu xanh, giúp xác định rõ các hoạt động “xanh” và “bền vững”. Các quốc gia và khu vực như EU, Trung Quốc, Singapore cũng đã xây dựng hệ thống phân loại riêng, hỗ trợ nhà đầu tư nhận diện các lĩnh vực đáp ứng tiêu chí bền vững.

Tại Việt Nam, từ năm 2022, các đợt phát hành trái phiếu xanh đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các quy định của ICMA, nâng cao minh bạch và độ tin cậy của thị trường. Việc này không chỉ giúp nhà đầu tư quốc tế dễ dàng so sánh các sản phẩm mà còn giúp các tổ chức phát hành trong nước chuẩn hóa quy trình.

PV: Theo ông, các tổ chức phát hành tại Việt Nam đang gặp phải những rào cản lớn nào khi phát hành trái phiếu xanh?

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Các tổ chức phát hành trái phiếu và các thành viên thị trường phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ cơ quan quản lý, bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý và công bố thông tin cho cả trái phiếu thông thường và trái phiếu xanh.

Theo chuyên gia từ VIS Rating, việc phát hành trái phiếu xanh giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, đồng thời thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trái phiếu xanh có thêm yêu cầu đặc thù, khiến quá trình phát hành kéo dài và chi phí cao hơn, đặc biệt đối với các đơn vị phát hành lần đầu. Mặc dù chi phí tuân thủ ban đầu cao, nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp tổ chức tiếp cận nguồn vốn mới và mở rộng cấu trúc tài chính.

Đối với nhà đầu tư quốc tế, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là ưu tiên, đặc biệt là với trái phiếu xanh. Họ chú trọng vào các thông tin xác thực về mức độ xanh và bền vững của tổ chức phát hành, yêu cầu các tiêu chuẩn minh bạch và đánh giá độc lập để tránh rủi ro "tẩy xanh" (greenwashing).

PV: Để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, theo ông cần có sự tham gia sâu hơn của những đối tượng nào. Việc gia tăng các đơn vị đánh giá độc lập sẽ mang lại những lợi ích gì. Yếu tố nào cần phát triển để nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn của thị trường này?

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Thị trường trái phiếu xanh khu vực đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và các đơn vị đánh giá độc lập. Các tổ chức tiên phong như BIDV, EVN Finance, Vinpearl, và BIM Group đã triển khai khung trái phiếu xanh và quy trình phát hành theo thông lệ quốc tế, tạo thông lệ tốt cho các doanh nghiệp khác trong việc minh bạch thông tin và thực hiện cam kết phát triển bền vững.

Các cơ quan quản lý cũng đang thiết lập hệ thống phân loại xanh, giúp làm rõ tiêu chí hoạt động xanh và nâng cao tiêu chuẩn thị trường, đồng thời tăng cường giám sát việc tuân thủ. Đặc biệt, các đơn vị đánh giá độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và xác thực cam kết xanh của các tổ chức phát hành.

Là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm, tại VIS Rating, chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và năng lực tài chính các doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu xanh, công cụ nợ xanh và tổ chức phát hành.

Chúng tôi cũng cung cấp tư vấn độc lập về tuân thủ các nguyên tắc tài chính bền vững, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác và cung cấp cái nhìn khách quan về thị trường tài chính bền vững tại Việt Nam

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-trai-phieu-xanh-se-tiep-tuc-tro-thanh-kenh-huy-dong-von-quan-trong-173909.html
Zalo