Ngân hàng tạo điều kiện cho ngành hàng lúa gạo phát triển

Để đề án '1 triệu hecta lúa chất lượng cao' có hiệu quả cao, hệ thống ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã vào cuộc, ra nhiều chính sách tín dụng phù hợp cho nông dân trồng lúa.

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) thu hoạch lúa tham gia Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao". Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) thu hoạch lúa tham gia Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao". Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Người trồng lúa, nhất là các hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tham gia vào Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đang cần nguồn vốn rất lớn để an tâm tham gia đề án, sản xuất lúa gạo cung ứng cho các thị trường nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, để đề án thực hiện tốt, có hiệu quả cao, hệ thống ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã vào cuộc, ra nhiều chính sách tín dụng phù hợp cho nông dân trồng lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) nhấn mạnh, nông dân là cốt lõi của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nói riêng, ngành hàng lúa gạo nói chung. Vì vậy, giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường. Do đó, hỗ trợ cho bà con nông dân để tăng sức chống chịu trước những biến động thị trường là mục tiêu lớn nhất của đề án này. So sánh với phương pháp canh tác truyền thống, ông Tùng chia sẻ, đề án mang lại nhiều lợi ích vượt trội như giảm lượng giống gieo sạ đến 50%; giảm lượng phân bón đạm và thuốc bảo vệ thực vật hóa học 30%; giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%; giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn carbon/ha/vụ. Đồng thời, tăng lợi nhuận cho nông dân khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ.

Hồng Nhung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngan-hang-tao-dieu-kien-cho-nganh-hang-lua-gao-phat-trien/368929.html
Zalo