Thị trường trái phiếu toàn cầu gặp 'dư chấn'

Biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu đang trở thành lời cảnh báo mạnh mẽ cho một giai đoạn bất ổn có thể kéo dài.

Lợi suất trái phiếu biến động phản ánh sự bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu trước các quyết định về thuế quan của Mỹ

Lợi suất trái phiếu biến động phản ánh sự bất ổn trong hệ thống tài chính toàn cầu trước các quyết định về thuế quan của Mỹ

Ngày 10/4/2025, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế quan cao với hầu hết các nước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản, xuống 4,26%, sau khi có thời điểm tăng 22 điểm cơ bản trong phiên giao dịch trước đó. Tương tự, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất, giảm khoảng 4 điểm cơ bản, xuống 3,87%, sau khi tăng 30 điểm cơ bản trong phiên giao dịch liền trước. Ngược lại, lợi suất trái phiếu 3 năm của Australia có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2022, lợi suất trái phiếu 2 năm của New Zealand tăng 9 điểm cơ bản, lợi suất trái phiếu chuẩn 10 năm của Nhật Bản tăng 13 điểm cơ bản, lên 1,4%...

Giới chuyên gia nhận định, những con số này không chỉ đơn thuần là những biến động thị trường ngắn hạn, mà còn phản ánh mức độ bất ổn sâu sắc trong hệ thống tài chính toàn cầu trước các quyết định chính sách từ Washington.

Biến động trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có thể dẫn đến biến động trên toàn thế giới thông qua nhiều kênh khác nhau. Khi lợi suất trái phiếu Mỹ thay đổi, các nhà giao dịch thường chuyển hướng đặt cược vào các loại tài sản khác và định giá lại rủi ro, tạo ra hiệu ứng domino trên thị trường toàn cầu.

Ông Tsutomu Soma, một nhà giao dịch trái phiếu kỳ cựu tại Monex Inc. ở Tokyo, Nhật Bản nhận định: “Giai đoạn bất ổn sẽ tiếp tục trong vài tuần tới. Không ai biết các mức thuế quan này cuối cùng sẽ như thế nào và mọi người đều đang nhìn vào lợi suất trái phiếu Mỹ để giao dịch, vì vậy hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận nhiều sự hỗn loạn hơn”.

Trên một số thị trường đã có sự đảo ngược nhanh chóng về đường cong lợi suất, nơi lợi suất dài hạn tách xa khỏi các lợi suất ngắn hạn (lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn). Đối với các nhà đầu tư, tình trạng này tạo ra một thách thức lớn, đó là làm thế nào để dự đoán ảnh hưởng của các thay đổi trong thương mại toàn cầu đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát - hai yếu tố then chốt quyết định kỳ vọng lãi suất trong tương lai.

Ông Leonard Kwan, nhà quản lý tiền tệ tại T. Rowe Price ở Hồng Kông, Trung Quốc cảnh báo, nỗi lo lớn là sự suy giảm niềm tin vào thị trường trái phiếu Mỹ. Rất nhiều hoạt động tài chính toàn cầu đều phụ thuộc vào thị trường kho bạc Mỹ như điểm tham chiếu chính.

Những biến động gần đây trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã làm dấy lên đồn đoán về nguồn gốc của đợt bán tháo. Một số giả thuyết đáng chú ý đã được đưa ra như lo ngại về sự đổ vỡ của giao dịch cơ sở (basis trade) - một chiến lược đầu tư phổ biến mà trong đó các quỹ đầu cơ thu lợi từ sự chênh lệch nhỏ giữa giá hợp đồng tương lai và giá giao ngay của trái phiếu kho bạc Mỹ. Khi biến động gia tăng, những vị thế này có thể buộc các nhà giao dịch phải thanh lý nhanh chóng, đẩy mạnh mức độ biến động.

Đợt bán tháo cũng có thể xuất phát từ việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, các tổ chức đầu tư lớn có sử dụng đòn bẩy tài chính đang buộc phải cắt giảm vị thế của họ, gây áp lực lên thị trường.

Một giả thuyết khác là các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ các quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, có thể đang cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc.

Sự gia tăng lợi suất trái phiếu không chỉ là vấn đề của thị trường tài chính, vì lãi suất thực sẽ gia tăng, đẩy chi phí đi vay tăng lên trong toàn bộ hệ thống kinh tế, đe dọa gây ra một cú sốc mới cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đã có nguy cơ suy thoái do các mức thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến thương mại thế giới.

Bà Priya Misra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại J.P. Morgan Investment Management đã mô tả tình hình hiện tại là “một cú đòn ba trong một cho nền kinh tế” - bao gồm chiến tranh thương mại, sự bất ổn và lãi suất cao hơn.

Không ít ý kiến nhận định, biến động còn lâu mới kết thúc. Việc ông Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp dụng mức thuế quan cao trong 90 ngày đối với hàng nhập khẩu từ nhiều đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc, đồng nghĩa với thị trường chịu áp lực trong giai đoạn các nước đàm phán với Mỹ về thuế.

“Biến động sẽ tiếp tục và càng trở nên rõ rệt hơn sau các cuộc đàm phán”, bà Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Saxo Markets dự báo.

Anh Quý / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-toan-cau-gap-du-chan-post367369.html
Zalo