Thị trường trái phiếu tăng mạnh trở lại
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2025 sau những 'ồn ào' thời điểm trước.
Với sự hồi phục của thị trường trái phiếu, doanh nghiệp có thêm cơ hội huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua giai đoạn sàng lọc

Năm 2025, ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn ra công chúng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Đỗ Tâm
Theo thống kê của Công ty cổ phần FiinRatings (hoạt động trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, có trụ sở tại Hà Nội), hai tháng đầu năm 2025, tổng giá trị giao dịch trái phiếu - cả trái phiếu phát hành ra công chúng và riêng lẻ, đạt 167,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cao điểm tháng 12-2024. Nhóm ngành Ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn giá trị giao dịch trong hai tháng đầu năm, với lần lượt tỷ trọng đạt 36% và 38,9%, tương đương với mức tăng 35,6% (đạt 60,2 nghìn tỷ đồng) và 7% (đạt 65,1 nghìn tỷ đồng).
Hầu hết các lô trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành đến từ các tổ chức tín dụng nhằm bổ sung vốn, chiếm 94,6% tổng giá trị phát hành. Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng và yêu cầu giảm lãi suất tiết kiệm sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi.
Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp lũy kế 2 tháng 2025 đạt hơn 17,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị mua lại trong tháng 2 chỉ đạt 3,85 nghìn tỷ đồng, giảm 71,2% so với tháng 1, ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại, do nhu cầu mua lại từ nhóm tổ chức phát hành bất động sản giảm, với mức giảm tới 95% so với tháng trước.
FiinRatings cũng chỉ ra, so với đầu năm, thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề (được tính bao gồm giá trị các lô trái phiếu chậm trả lãi/gốc và trái phiếu doanh nghiệp giãn, hoãn thời hạn thanh toán so với ngày đáo hạn gốc, được tính lũy kế đến 28-2-2025), trị giá 5,54 nghìn tỷ đồng. Song, giá trị tăng thêm đã chạm mức thấp nhất kể từ khi giai đoạn đỉnh điểm của trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề vào tháng 2-2023, trong đó, 63,4% giá trị đến từ nhóm bất động sản. Các doanh nghiệp này đã có loạt lô trái phiếu doanh nghiệp giãn hoãn thời gian thanh toán trước đó và vẫn còn nghĩa vụ nợ đáo hạn lớn trong 12 tháng tới, báo hiệu tình trạng chậm trả, giãn hoãn tiếp tục diễn ra trong năm 2025 đối với nhóm trên.
Ngoài ra, trong tháng 2, một số nhóm ngành khác như sản xuất, thương mại dịch vụ vẫn phát sinh thêm trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề.
Dù vậy, mặt bằng tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề giảm vẫn là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn sàng lọc để phục hồi trở lại.
Dự báo tăng 15-20%
Bước sang quý II-2025, ước tính 40,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ sẽ đáo hạn. Cụ thể, 16,5 nghìn tỷ đáo hạn (40,7% tổng giá trị) thuộc về nhóm bất động sản, 11,9 nghìn tỷ (29,2% tổng giá trị) thuộc về lĩnh vực khác và 8,2 nghìn tỷ (20,2% tổng giá trị) thuộc về nhóm tổ chức tín dụng.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam thông tin, trong 10 tháng còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 192.303 tỷ đồng. Trong đó, 54,6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 105.039 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 41.166 tỷ đồng (chiếm 21,4%).
Theo các chuyên gia, trong năm 2025, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn ra công chúng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân, theo sau xu hướng gia tăng trong năm 2024.
Công ty cổ phần FiinRatings cũng đưa ra dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 sẽ tăng 15-20% nhờ các ngân hàng thương mại tăng cường phát hành vốn cấp 2 khi lãi suất huy động không tăng. Trong đó, ngân hàng tiếp tục phải đẩy mạnh phát hành tăng vốn cấp 2 là trái phiếu doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng như định hướng của Chính phủ trong khi mặt bằng lãi suất huy động được kiểm soát để không tăng.
Còn theo Công ty Chứng khoán VCBS, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ khả quan hơn năm 2025. Bởi mặt bằng lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu với chi phí thấp hơn, tái cơ cấu vốn. Khối lượng phát hành vẫn sẽ được dẫn dắt bởi trái phiếu ngân hàng; trong khi các doanh nghiệp bất động sản cũng dần lấy lại niềm tin nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát (LPBank) cho rằng, quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng áp dụng trong nửa cuối 2025 sẽ là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hàng hóa trái phiếu và thu hút nhà đầu tư tham gia kênh đầu tư này trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm được duy trì thấp.
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn trung dài hạn phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn. Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, sẽ có sự khác biệt về khả năng phát hành trái phiếu giữa nhóm tổ chức phát hành danh tiếng và nhóm tổ chức có lịch sử chậm trả lãi, gốc. Nhà đầu tư tổ chức vẫn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi các nhà đầu tư cá nhân quy mô vốn nhỏ sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trái phiếu phát hành ra công chúng với các nhà phát hành có xếp hạng tín nhiệm.