Thị trường trái phiếu chính phủ Anh rơi vào tình trạng bán tháo

Biến động mới nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh đã được so sánh với cuộc khủng hoảng nợ của những năm 1970.

Trong vài ngày qua, chi phí vay dài hạn của Anh tăng vọt và đồng bảng Anh sụt giảm, đây là một sự kết hợp hiếm hoi có thể báo hiệu rằng các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào khả năng kiểm soát nợ và lạm phát của chính phủ.

Thông thường, lợi suất cao hơn sẽ hỗ trợ tiền tệ, nhưng đồng bảng Anh vừa giảm xuống dưới 1,23 mỗi đô la hôm 9/11 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Tuy nhiên, những khó khăn mới nhất của đồng tiền này không nghiêm trọng bằng tháng 9/2022, khi lao dốc từ gần 1,17 xuống dưới 1,07 đô la chỉ trong trong vài tuần.

Và những rắc rối của thị trường trái phiếu Anh không phải là trường hợp cá biệt mà xảy ra trong bối cảnh bán tháo trái phiếu toàn cầu.

Một số nhà phân tích cho biết việc bán tháo trái phiếu chính phủ và đồng bảng Anh đồng loạt gợi nhớ đến phản ứng tiêu cực do kế hoạch Ngân sách nhỏ của cựu Thủ tướng Liz Truss năm 2022 gây ra.

Tuy nhiên, Martin Weale, giáo sư kinh tế tại King's College London cho biết các sự kiện này gợi lại "cơn ác mộng" của cuộc khủng hoảng nợ năm 1976 đã buộc chính phủ phải yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ.

Các nhà kinh tế cho rằng những động thái của thị trường là do sự hoài nghi xung quanh cam kết của Đảng Lao động về việc tài trợ cho khoản tăng chi tiêu lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

"Chúng ta chưa thực sự chứng kiến sự kết hợp độc hại giữa đồng bảng Anh giảm mạnh và lãi suất dài hạn tăng lên kể từ năm 1976. Điều đó đã dẫn đến việc IMF cứu trợ…Cho đến nay, chúng ta chưa ở trong tình thế đó nhưng đó hẳn là một trong những cơn ác mộng của chính phủ", ông Martin Weale cho biết.

Gần nửa thế kỷ trước, Anh đã nộp đơn đề nghị vay 3,9 tỷ USD từ IMF sau khi thâm hụt ngân sách và thương mại lớn khiến nước này rơi vào khủng hoảng. Đổi lại, chính phủ đã đồng ý với chính sách thắt lưng buộc bụng do IMF đưa ra. Anh hiện đang phải chịu thâm hụt kép một lần nữa và tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm.

Vào thứ Tư (8/1), lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên 4,93% và là mức cao nhất kể từ năm 2008. Đồng bảng Anh cũng giảm so với tất cả các tiền tệ chính và giảm hơn 1% so với đồng đô la.

Lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu vay nợ lớn của chính phủ và mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng đình lạm, kết hợp giữa tăng trưởng ảm đạm với áp lực giá dai dẳng.

"Việc bán tháo đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh phản ánh sự suy giảm trong triển vọng tài chính của nước này", các nhà phân tích tại Brown Brothers Harriman cho biết.

Chi phí vay của chính phủ Anh đã tăng với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn kể từ đầu năm so với Pháp - quốc gia đang trong tình trạng hỗn loạn chính trị. Mặc dù Anh vẫn có nợ công thấp hơn Mỹ, Pháp, Ý và Nhật Bản, nhưng dữ liệu chính thức cho thấy gánh nặng nợ của nước này gần bằng 100% GDP sau khi tăng vọt trong đại dịch.

Các nhà đầu tư thị trường tài chính cho biết thị trường trái phiếu đang phản ánh mối lo ngại về cách Đảng Lao động có thể thực hiện các kế hoạch ngân sách cũng như lo ngại về lạm phát cơ bản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã có cách tiếp cận thận trọng khi giảm lãi suất, cảnh giác với việc nới lỏng quá nhanh vì họ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại lên 2,8% vào cuối năm nay.

Mặt khác, chính phủ Anh cũng đã tìm cách dập tắt sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ bằng cách tuyên bố sẽ tuân thủ các quy tắc tài khóa ngay cả khi chi phí vay đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

"Thị trường trái phiếu chính phủ Anh vẫn tiếp tục hoạt động theo cách có trật tự…Không nên nghi ngờ gì về cam kết của chính phủ đối với sự ổn định kinh tế và tài chính công lành mạnh. Đây là lý do tại sao việc đáp ứng các quy tắc tài chính là điều không thể thương lượng", Darren Jones, Bộ trưởng Tài chính của Anh cho biết hôm 9/11.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-chinh-phu-anh-roi-vao-tinh-trang-ban-thao-post361508.html
Zalo