Thị trường tiền ảo' đóng băng, công ty đào Bitcoin lớn nhất thế giới sắp vỡ nợ
Trong bối cảnh nhà đầu tư dần thờ ơ với thị trường tiền kỹ thuật số, việc công ty khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới là Core Scientific (Mỹ) sắp vỡ nợ càng khiến thị trường trở nên ảm đạm hơn.
Theo dữ liệu mới cập nhật, giá Bitcoin trên sàn Coindesk giao dịch ở mức 20.620 USD. Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin biến động khoảng 20.669 - 21.058 USD (giá thấp nhất - cao nhất). Số liệu CoinMarketCap cho thấy, khối lượng giao dịch Bitcoin đạt khoảng 39,2 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 400 tỷ USD.
Trong nhiều tháng qua, ngành công nghiệp khai thác Bitcoin đang trong giai đoạn khó khăn khi đồng tiền này quanh quẩn ở mức 20.000 USD, sau khi đạt đỉnh 70.000 USD vào tháng 11/2021. Sự sụt giảm thị giá Bitcoin khiến các thợ đào phải chật vật để bù lỗ.
Không chỉ vậy, chi phí năng lượng ở Bắc Mỹ, châu Âu tăng kỷ lục. Theo hội đồng khai thác Bitcoin (BMC), mức tiêu thụ điện năng của ngành công nghiệp khai thác Bitcoin đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều công ty đã phải bán bớt máy đào, số khác nộp đơn xin phá sản.
Core Scientific là một trong những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, cơ sở hạ tầng blockchain và khai thác tài sản kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Tình cảnh khó khăn chung đã khiến Core Scientific phải ra cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể phải phá sản nếu không cải thiện được tình hình tài chính.
Công ty này cho biết nguồn tiền mặt dự trữ sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay hoặc sớm hơn. Mặc dù đã bán gần hết số Bitcoin của mình vào tháng 6 và hiện chỉ nắm 24 đồng, lượng tiền mặt của công ty vẫn giảm xuống 26,6 triệu USD.
Tình hình hiện tại khiến Core Scientific không thể thanh toán đúng hạn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và có nguy cơ bị kiện. Công ty cho biết đang thuê các công ty luật và công ty cố vấn tài chính nhằm tìm kiếm những hướng đi khác để huy động thêm vốn. Nếu giải pháp huy động vốn không thành công, Core Scientific sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Với các nhà đầu tư, Core Scientific thẳng thừng nói họ có thể tự do kiện công ty vì không thanh toán, thực hiện các hành động liên quan đến tài sản thế chấp, giải quyết tiền vốn vay nợ. Trong trường hợp phá sản, lãnh đạo Core Scientific cho biết những người nắm giữ cổ phiếu của họ có thể bị "mất toàn bộ khoản đầu tư".
Sau thông báo này, cổ phiếu của Core Scientific giảm 77% xuống mức thấp nhất là 23 cent. Hiện giá trị vốn hóa của Core Scientific giảm xuống còn 90 triệu USD, so với mức 4,3 tỷ USD vào tháng 7/2021 khi niêm yết trên Nasdaq. Tính chung cả năm, thị giá cổ phiếu đã giảm hơn 97%.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, vụ việc công ty Celsius Network - một trong những tên tuổi lớn nhất về cho vay tiền số đã nộp đơn phá sản trước đó cũng là một trong những lí do khiến Core Scientific lâm vào tình trạng bế tắc.
Core Scientific không phải là đại diện duy nhất lâm nguy trong giai đoạn suy thoái của ngành khai thác Bitcoin và "kẹt" giữa chi phí điện cao và giá tiền số giảm.
Compute North - đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ và cơ sở hạ tầng để khai thác tiền số đã đệ đơn phá sản vào tháng 9 với khoản nợ ít nhất 200 triệu USD. Một doanh nghiệp khai thác khác là Marathon Digital Holdings, đã báo cáo khoản lỗ 80 triệu USD và tính đến chuyện phá sản.
Vào tháng 7, đơn vị khai thác tiền mã hóa của Celsius Network, dù có kế hoạch tổ chức phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhưng rồi cũng phải nộp đơn theo Chương 11 của bộ luật Phá sản Mỹ.
Việc hàng loạt cơ sở khai thác Bitcoin phá sản hoặc đứng trước bờ vực vỡ nợ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền mã hóa nói chung. Thị giá Bitcoin dường như quyết định tương lai sống còn của hầu hết doanh nghiệp trong thị trường tài sản số. Tiền điện tử đã gặp phải tình trạng bất ổn tương tự như các loại tài sản có tính đầu cơ cao khác từ gần một năm qua, trong bối cảnh lãi suất của Mỹ sẽ cần phải tăng nhanh để kiểm soát lạm phát.