'Vàng' mặt vì vàng

Trong thời gian gần đây, thị trường vàng tại Việt Nam chứng kiến những biến động giá bất thường khiến người dân hoang mang và tranh nhau mua bán. Hình ảnh người dân xếp hàng dài trước các cửa hàng vàng để mua hoặc bán không còn xa lạ.

Không ít người phải ngậm ngùi “cắt lỗ” vì trót ôm vàng “đu đỉnh”. Tuy nhiên, nhiều người đã gặp khó khăn khi các hiệu vàng áp dụng giới hạn giao dịch, đặc biệt là trong những đợt giá vàng tăng đột biến hoặc giảm mạnh…

Tâm lý và hiệu ứng đám đông

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục mới. Nếu như trong năm 2023, giá vàng SJC đạt mốc cao nhất vào khoảng 77 triệu đồng/lượng hồi cuối tháng 11/2023 thì bước sang năm 2024 đến nay, giá vàng SJC đã có thời điểm đạt mốc 90 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hiện cũng đã tăng mạnh tới 26 triệu đồng, từ mức khoảng 62 triệu đồng hồi đầu năm, lên quanh mức 89 triệu đồng hiện nay, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người mua vàng. Thậm chí có thời điểm vàng nhẫn còn “vượt mặt” vàng SJC, điều chưa từng thấy trên thị trường vàng ở Việt Nam nhiều năm qua.

Cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu lúc nào cũng đông người mua bán.

Cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu lúc nào cũng đông người mua bán.

Giá vàng trong nước diễn biến như trên do chịu nhiều ảnh hưởng tăng giảm mạnh từ những biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong các đợt có sự kiện kinh tế lớn hoặc thay đổi trong chính sách tiền tệ toàn cầu. Giá vàng tại Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế như đồng USD và lãi suất ngân hàng Mỹ, mà còn bị tác động bởi yếu tố cung cầu trong nước, tâm lý đầu tư và hoạt động giao dịch của người dân. Sự tăng giảm bất thường của giá vàng đã tạo nên làn sóng mua bán và khiến nhiều người đổ xô đến các tiệm vàng để giao dịch.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến cảnh tượng xếp hàng mua vàng như thời bao cấp trong 1-2 năm trở lại đây. Để mua được vàng, nhiều người phải “ăn chực nằm chờ” ở phố vàng nhưng mỗi ngày chỉ mua được vài chỉ, thậm chí có ngày cửa hàng chỉ bán cho mỗi người nửa chỉ.

Trong vòng 10 ngày đầu tháng 11/2024, giá vàng đảo chiều đến chóng mặt. Đã có lúc, người mua vàng ngậm ngùi chứng kiến giá vàng rớt thảm hại. Đỉnh điểm là ngày 7/11, giá vàng đột nhiên lao dốc, “bốc hơi” 4 - 6 triệu đồng/1 lượng, khách hàng thi nhau bán tháo khiến nhiều cửa hàng phải thông báo hạn chế mua vào, chỉ bán ra cho khách hàng cần. Và sau một thời gian dài khó khăn mua vàng, các cửa hàng giới hạn số lượng mua, mỗi người chỉ được 1-3 chỉ, thậm chí nhiều nơi còn thông báo hết hàng, không có giao dịch, trong khi vàng miếng phải đăng kí online, mua qua các ngân hàng và cũng chỉ mỗi người một lượng thì đến ngày 7/11, nhiều người dân bất ngờ khi được mua vàng không giới hạn, kể cả vàng miếng SJC. Thế nhưng trong tâm lý vàng đang lao dốc, nhiều người đổ xô đi bán tháo thì các cửa hàng lại hạn chế mua vào.

Đến ngày 8/11 khi vàng đảo chiều tăng giá quay trở lại thì nhu cầu mua vàng tăng cao, các cửa hàng vàng lại áp dụng các biện pháp giới hạn mua bán như cũ, gây khó khăn cho người dân. Không ít người chia sẻ rằng họ không thể mua vàng vào những thời điểm giá tốt, hoặc bị giới hạn số lượng bán ra, gây tâm lý hoang mang và nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động giao dịch vàng.

Bà Đặng Thị Chanh (chung cư FLC, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, tôi đã rút tiền tiết kiệm đi mua một lượng vàng tích trữ, nhưng xếp hàng 5 lần bảy lượt không mua được. Khi ấy vàng nhẫn có 75 triệu đồng/1 lượng. Vàng SJC phải đăng kí online, tôi già cả không biết sử dụng mạng nên chấp nhận mua vàng nhẫn. Thế nhưng lần nào cửa hàng cũng thông báo chỉ mua vào chứ không có hàng bán ra. Giờ vàng rớt giá từ gần 90 xuống 86 mà xếp hàng mấy hôm liền cũng không mua được”.

Đáng chú ý, trước sự quá tải của các doanh nghiệp, tại các cửa hàng vàng, có tình trạng “cò vàng” xuất hiện. Những người này đợi sẵn những khách có nhu cầu bán vàng nhưng không lấy được “slot” sẽ mặc cả để mua bán trao tay. Giá mua sẽ được định giá cao hơn giá mua vào của các doanh nghiệp khoảng 500 nghìn đồng/lượng.

Đặc biệt trên các hội nhóm mua bán vàng, việc mua bán diễn ra sôi nổi. Theo đó, một số thương hiệu như SJC, Bảo Tín Minh châu hay Doji đều được thu mua với mức giá chênh từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/lượng.

Đầu cơ, trục lợi là điều tất yếu

Lý giải về việc giá vàng tăng giảm thất thường, chênh lệch quá lớn giữa mua vào và bán ra, trao đổi với phóng viên ANTG, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết: “Bản chất đây cũng chỉ là cơ chế của thị trường nên đương nhiên là có sự đầu cơ trục lợi.

Người dân xếp hàng mua bán vàng.

Người dân xếp hàng mua bán vàng.

Rõ ràng khi giá vàng đang lên mọi người nhao nhao đi mua thì ngay cả các cửa hàng kinh doanh hay công ty vàng bạc cũng nghĩ rằng, có khả năng vàng sẽ tăng nữa thì họ bán dè sẻn hoặc mua vào ít. Họ giữ hàng để khi nào giá cao thì lại bán ra. Hoặc khi vàng đang xuống người dân đổ xô đi bán tháo thì cửa hàng sẽ tin vàng sẽ xuống nữa nên hạn chế mua vào. Người làm kinh doanh đương nhiên phải nghĩ đến lợi ích cao nhất cho họ, theo sự thuận mua vừa bán. Vàng đang xuống nếu mua vào nhiều đương nhiên là sẽ lỗ. Người dân bán ra thì phải chịu thất thế. Cửa hàng mua vào mới là người có lợi thế. Khi mà nhiều người bán nhưng không có người mua thì giá lại càng xuống giá nhanh. Còn khi giá vàng đang lên thì cửa hàng phải bán ít ra, người mua phải chấp nhận mua giá cao”.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá vàng Việt Nam lên xuống theo giá vàng thế giới. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam có sản xuất được vàng nhưng chắc chỉ khoảng 3-4% so với tổng lượng vàng trong nước cần tiêu thụ. Còn lại là nhập khẩu. Nếu không qua đường chính thức thì sẽ qua đường buôn lậu. Chúng ta quản chặt biên giới như trong thời gian vừa qua thì tự nhiên cung cầu sẽ chênh lệch, và giá vàng trong nước sẽ chênh với giá vàng thế giới rất lớn, càng làm tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Khi giá vàng trong nước biến động theo giá vàng quốc tế thì người kinh doanh luôn muốn đẩy khoảng cách giữa mua vào và bán ra chênh nhiều lên để họ có thể mua rẻ bán đắt phòng ngừa rủi ro và đẩy rủi ro cho khách hàng. Người mua bán sẽ chịu rủi ro còn cửa hàng kinh doanh không chịu rủi ro hoặc sẽ chịu rất ít. Đó là nguyên tắc chung”.

Lý giải nguyên nhân giá vàng biến động trong thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng thế giới phản ứng ngay lập tức khi Mỹ công bố ông Donald Trump thắng cử Tổng thống. Ông nhấn mạnh, cứ khi có một tổng thống Mỹ đắc cử là giá vàng biến động. Thường là giảm từ 200 đến 300 USD 1 ounce. Từ đầu năm đến bây giờ giá vàng biến động rất lớn gần 40%/ năm. Trong kỳ này khi Tổng thống Trump được tuyên bố thắng cử thì giá vàng biến động vẫn chưa đúng với mong muốn của giới kinh doanh, bởi thực tế giới kinh doanh còn mong muốn biến động nhiều hơn nữa.

Nhiều người kỳ vọng giá đôla tăng và một thời gian sau giá vàng sẽ bình ổn về đúng giá của nó. Nhưng đó cũng chỉ là kỳ vọng, việc giá vàng giảm là rất khó. Thêm vào đó người Việt Nam có tâm lý đám đông, vàng lên thì nhao nhao đi mua, xuống thì lại tranh nhau đi bán để chốt lời vì sợ xuống nữa. Việc chênh lệch giá vàng chủ yếu do các doanh nghiệp, các cửa hàng kinh doanh trong nước sợ rủi ro nên đặt ra mức chênh lớn lên để họ đẩy rủi do việc phía khách hàng.

Nguyên nhân sự chênh lệch quá lớn giữa mua vào bán ra của các công ty vàng, PGS.TS Đinh Trọng Thinh cho biết: “Giá chênh lệch sẽ do các cửa hàng vàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tự đặt ra. Thông thường khi thị trường đang biến động rất nhiều thì đương nhiên họ phải đẩy mức chênh lệch lên cao, và từ đó các cửa hàng vàng doanh nghiệp nhìn nhau để đưa ra giá chênh lệch của mình. Ở thị trường vàng tại Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp lớn nhưng đã chiếm tới hơn 90% thị phần vàng nên đương nhiên sẽ khống chế được thị trường và tự đặt ra được mức chênh lệch. Các cửa hàng nhỏ lẻ chỉ đi theo các doanh nghiệp lớn. Bởi vậy rủi ro vẫn luôn thuộc về người mua bán”.

Cửa hàng vàng thông báo hết hàng, không nhận giao dịch.

Cửa hàng vàng thông báo hết hàng, không nhận giao dịch.

Có thể nói, tâm lý đám đông vẫn là bất cập lớn nhất của thị trường vàng trong nước. Người ta đi xếp hàng từ tờ mờ sáng, đổ xô nhau đi mua khi giá cao và ngậm ngùi “chốt” lỗ đã cho thấy cái tính hai mặt của thứ tâm lý đó. Do vậy, việc đầu tư vàng hiện nay cần xem xét kỹ, vì rủi ro đang cao. Người dân nên xác định vàng là một kênh tiết kiệm chứ không phải để đầu cơ thì mới có thể tránh được nguy cơ thua lỗ từ kinh doanh vàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng Trung ương tăng mạnh.

Nhà điều hành nhận định, giá vàng trong nước biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm đến tháng 6, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC. “Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung - cầu trên thị trường” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Về phía cung, từ năm 2014 - 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Bên cạnh các lý do nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành Việt Nam đồng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu)

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với hai tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).

Đối tượng thanh tra bao gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vang-mat-vi-vang-i750136/
Zalo