Thị trường tiềm năng của ebook cho người Việt ở nước ngoài
Độc giả Việt ở nước ngoài mong muốn có nhiều ebook bản quyền vì sự tiện lợi trong phân phối, phát hành, vận chuyển và ưu thế về giá cả.
Dưới một bài đăng về sách 25 độ âm trong group Facebook "Hội thích truyện trinh thám", Phạm Dương (24 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại Pháp) để lại bình luận mong muốn có bản epub (định dạng tệp mở và chuẩn cho sách kỹ thuật số, do Diễn đàn Xuất bản Kỹ thuật số Quốc tế IDPF phát triển) vì "ở nước ngoài không mua nổi".
25 độ âm lấy chất liệu từ câu chuyện 39 người Việt qua đời trong xe tải đông lạnh khi nhập cư trái phép vào Anh năm 2019 làm cả thế giới bàng hoàng. Tiểu thuyết lập tức gây sốt khi ra mắt, đã bán được hơn 10.000 bản chỉ sau một tháng. Cuốn sách thu hút nhiều thảo luận trong các hội nhóm đọc sách trên Facebook. Do đó, Phạm Dương không phải là độc giả Việt duy nhất ở nước ngoài "sốt ruột" muốn đọc tác phẩm.
Độc giả Việt ở nước ngoài mong "bắt kịp" độc giả trong nước
Trúc Phương (21 tuổi, đang học tập tại Mỹ) cho biết mỗi năm về Việt Nam 1-2 lần, đều mong muốn mua được những cuốn sách nhiều thể loại từ nghiên cứu, học thuật (lịch sử, văn hóa) đến giải trí (tiểu thuyết trinh thám, tình cảm) của tác giả Việt để mang sang Mỹ.
Giỏi ngoại ngữ, có khả năng đọc hiểu đa dạng văn bản tiếng Anh theo chương trình đang theo học mà hoàn toàn không gặp trở ngại, nhưng Phương vẫn "thèm, nhớ" cảm giác đọc tiếng Việt, đồng thời cũng muốn cập nhật những tác phẩm mới gắn liền với chủ đề xã hội như 25 độ âm.
Tuy nhiên, Phương không thể mang số lượng hành lý quá lớn sách in tiếng Việt trong mỗi lần về, vì phải cân đối với các vật dụng khác và vấn đề chi phí. Chia sẻ với Tri thức - ZNews, Phương bày tỏ sự đồng cảm với tâm tư của Phạm Dương, mong mỏi ebook Việt cho độc giả đa dạng lựa chọn hơn.
Sự ra đời của ebook (sách điện tử) đã tạo cơ hội cho độc giả toàn cầu nhanh chóng tiếp cận nhiều đầu sách mới trên thế giới, bất kể khoảng cách địa lý của nước sở tại và quốc gia phát hành chính thức bản sách in truyền thống.
Tại Việt Nam, chỉ một số đầu sách hot như Nexus mới được các hệ thống phát hành, đơn vị bán lẻ nhập bản tiếng Anh và đơn vị mua bản quyền xuất bản tiếng Việt sớm. Đa số sách ngoại văn mới vẫn phải chờ thời gian vài tuần hoặc đặt trước để mua được, còn bản dịch tiếng Việt sẽ phải chờ từ vài tháng đến vài năm mới đến tay độc giả.
Do đó, ebook tiếng Anh là một lựa chọn thay thế rất tốt để độc giả trong nước bắt kịp với xuất bản thế giới. Nhìn ở chiều ngược lại, ebook mở ra một cánh cửa để các đơn vị xuất bản tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận độc giả Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Thị trường tiềm năng nếu ý thức độc giả nâng cao
Trả lời Tri Thức - ZNews, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Xây dựng Ngô Đức Vinh nhận thấy ebook là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Qua thời gian triển khai kinh doanh ebook, đơn vị ghi nhận đánh giá tích cực và khách quan về hiệu quả của mảng kinh doanh này.
Trong đó, ebook đã giúp nhà xuất bản mở rộng thị trường, tiếp cận với độc giả toàn cầu. Giờ đây người đọc tiếng Việt có thể truy cập, tìm kiếm và mua, đọc ebook của nhà xuất bản ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ngoài ra, ebook cũng giúp đơn vị tiết kiệm chi phí phát hành, từ đó đưa ra được mức giá mềm hơn so với bản sách giấy.
Tuy nhiên, cũng giống nhiều đơn vị xuất bản khác, trăn trở lớn của nhà xuất bản là ý thức dùng sách bản quyền và thói quen tiêu dùng của người Việt.
Đây là thực trạng đã tồn tại và tiếp diễn nhiều năm qua, bùng nổ đi kèm với sự phát triển của Internet và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đơn vị kinh doanh xuất bản. Nếu sách in lậu ở tình trạng tràn lan và khó kiểm soát, thì sách điện tử càng là vấn đề nhức nhối hơn vì xuất bản phẩm lậu hầu như không chịu một chi phí nào, ăn cắp chất xám của người làm sách và chia sẻ miễn phí hoặc thậm chí ngang nhiên bán với mức phí rất thấp trên các diễn đàn, hội nhóm.
Song không phải tất cả độc giả đều quay lưng với ebook có bản quyền.
Độc giả Trúc Phương cho biết dù ebook lậu rất hấp dẫn về mặt giá cả nhưng vẫn ưu tiên đọc sản phẩm chính hãng, có bản quyền vì như vậy là "hợp pháp, tôn trọng người làm công việc nghiên cứu, sáng tạo". Ngoài ra, ebook chính hãng sẽ không có nhiều sai sót về biên tập và tiềm ẩn nguy cơ về virus, mã độc như khi tải lậu.
Phạm Dương cũng cho rằng "ebook có bản quyền là tốt nhất". Theo anh, để ebook có được ưu thế nổi bật so với sách in thì cần có giá cả phải chăng (so với bản sách giấy), định dạng đọc linh hoạt (có thể đọc trên máy đọc sách chứ không chỉ trên trang web như giới hạn của một số đơn vị xuất bản ebook trong nước hiện nay) và dễ dàng tìm kiếm.
Với chủ trương quan tâm đến văn hóa đọc của kiều bào sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ngành xuất bản Việt Nam cần những chế tài và chính sách có tính ràng buộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo về quyền lợi của cả đơn vị xuất bản và độc giả, tạo điều kiện cho ebook phát triển.
Bản thân các đơn vị xuất bản nếu chú ý đến nguyện vọng tìm về với tiếng mẹ đẻ của người Việt xa xứ qua hình thức tiện lợi, tiết kiệm chi phí là sách điện tử cũng sẽ xây dựng, phát triển được những mô hình, nền tảng phát hành phù hợp với nhu cầu của độc giả.