Các công ty dầu khí đối mặt với thách thức từ khí mê-tan

Một báo cáo của Carbon Tracker đã cảnh báo về những thiếu sót trong các cam kết của các công ty dầu khí nhằm hạn chế rò rỉ mê-tan, bất chấp tác động khí hậu nghiêm trọng của loại khí này.

Các công ty dầu khí đối mặt với thách thức từ khí mê-tan. Hình minh họa

Các công ty dầu khí đối mặt với thách thức từ khí mê-tan. Hình minh họa

Các cam kết của ngành công nghiệp hóa thạch nhằm giảm lượng khí thải mê-tan, một loại khí nhà kính cực kỳ mạnh, đang trở thành chủ đề được bàn luận trong một báo cáo gần đây được công bố bởi trung tâm nghiên cứu Carbon Tracker. Mặc dù có những tuyên bố đầy tham vọng, bao gồm mục tiêu "zero mê-tan" (không phát thải mê-tan) vào năm 2030 được 52 công ty dầu khí đưa ra tại COP28 năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng lớn, có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Trong phân tích "Absolute Impact 2024", Carbon Tracker tiết lộ rằng trong số 27 công ty được nghiên cứu, chỉ một số ít bao gồm các biện pháp cụ thể để kiểm soát lượng khí thải mê-tan phát sinh từ các cơ sở hạ tầng trung gian, chẳng hạn như đường ống dẫn khí và tàu chở khí hóa lỏng. Những cơ sở này là nguồn gây rò rỉ khí mê-tan đáng kể, nhưng chỉ có 8 công ty, trong đó có TotalEnergies, Shell và ExxonMobil, mới xem xét các cơ sở hạ tầng này trong các mục tiêu khí hậu của họ.

Các mục tiêu còn hạn chế và thiếu sót

Các chuyên gia của Carbon Tracker cũng nhấn mạnh việc hầu hết các công ty cam kết giảm phát thải không đưa kế hoạch giảm mê-tan vào trong kế hoạch phát triển của những liên doanh của mình. Ví dụ, các công ty lớn như TotalEnergies và Eni, sở hữu cổ phần trong các dự án phát thải mê-tan cao ở Algeria và Ai Cập, lại không tính đến các phát thải gián tiếp từ những dự án này. Nhưng Chevron là một ngoại lệ, là công ty duy nhất đưa các dự án liên doanh này vào các mục tiêu khí hậu của mình.

Hậu quả của những thiếu sót này có thể rất nghiêm trọng. Olivia Bisel, nhà phân tích tại Carbon Tracker, giải thích: "Các công ty dầu khí chỉ ủng hộ hành động khí hậu một cách hời hợt, trong khi đó, lượng khí thải từ sản phẩm của họ vẫn tiếp tục gây ra các thảm họa thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng".

Một đòn bẩy khí hậu bị khai thác chưa hết

Mê-tan là khí nhà kính có tác động thứ hai lớn nhất sau carbon dioxide (CO2), nhưng khả năng làm nóng của nó đã tăng gấp 80 lần trong vòng 20 năm. Với thời gian tồn tại ngắn hơn khiến mê-tan trở thành một công cụ hiệu quả để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo Climate and Clean Air Coalition, khoảng 35% lượng khí mê-tan phát thải trên toàn cầu do con người gây ra đến từ ngành nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù có các giải pháp với chi phí thấp để hạn chế lượng khí thải này, nhưng lượng khí thải mê-tan toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Trong ngành dầu khí, các vụ rò rỉ xảy ra chủ yếu tại các giếng dầu, cơ sở sản xuất hoặc trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, các kế hoạch hành động của các công ty vẫn còn nhiều thiếu sót.

Không phù hợp với các mục tiêu khí hậu

Báo cáo kết luận rằng không có công ty nào trong số các công ty được nghiên cứu đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Carbon Tracker kêu gọi các công ty đưa các cơ sở hạ tầng trung gian và các liên doanh vào các mục tiêu khí hậu của mình để lấp đầy những "khoảng trống" quan trọng này.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-cong-ty-dau-khi-doi-mat-voi-thach-thuc-tu-khi-me-tan-720714.html
Zalo