Thị trường Tết: Nguồn cung đa dạng, giá cả hấp dẫn
Theo báo cáo nhanh tình hình thị trường một số mặt hàng phục vụ Tết của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngày 25-1 (26 tháng Chạp), hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra sôi động từ cuối tuần trước, do nhu cầu tăng trong dịp lễ ông Công, ông Táo.
Hiện tại, người tiêu dùng tập trung mua sắm với mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại thực phẩm đồ khô.
Ngoài ra, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả chưa cao, thường tập trung vào những ngày sát Tết. Nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống cũng như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi rất dồi dào, hàng hóa đa dạng, phong phú.
Tại các hệ thống phân phối hiện đại, lượng khách hàng đến mua sắm được ghi nhận tăng 20-30% so với ngày thường. Những năm gần đây, người dân có xu hướng chọn mua hàng tại các kênh phân phối hiện đại nhiều hơn, không chỉ bởi hàng hóa đa dạng, đảm bảo chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, địa điểm mua sắm thuận tiện, mà còn có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm.
Về giá cả, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm giá lên đến 30-50%, nhiều hệ thống đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, với cam kết bảo đảm giữ ổn định giá bán trong thời gian 1 tháng trước và sau Tết, thu hút nhiều người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các hệ thống cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, để đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân.
Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường, nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm tươi sống tăng hơn so với ngày thường, chủ yếu phục vụ liên hoan tất niên cuối năm. Giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ có tăng nhẹ theo quy luật thông thường.
Tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không tăng đột biến, giá thịt lợn ổn định so với ngày 23 tháng Chạp; giá tôm sú loại to tăng khoảng 5% so với ngày thường; giá gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp tương đối ổn định.
Một số loại hàng hóa khác như thịt gà, thịt bò, giá tương đương so với ngày 23 tháng Chạp. So với cùng kỳ năm trước, giá rau củ và một số loại hoa như cúc, ly, lay ơn, hoa hồng... rẻ hơn khoảng 5-10% và không xảy ra hiện tượng khan hiếm.
Báo cáo từ các kênh phân phối cho thấy, đến thời điểm hiện nay, giá cả một số mặt hàng lương thực như các loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-7% (tùy thời điểm và khu vực) so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định, nguồn cung dồi dào.
Vụ Thị trường trong nước dự báo, nhu cầu có thể tiếp tục tăng trong mấy ngày cận Tết, tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết.
Thời gian chuẩn bị mua sắm kéo dài nên giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều, giá tại các chợ truyền thống có thể tăng nhẹ theo quy luật thị trường, trong khi tại các hệ thống phân phối hiện đại, hàng hóa được cam kết giữ ổn định giá bán, giúp người dân yên tâm sắm Tết.