Thị trường tái cơ cấu mạnh, M&A bất động sản sôi động trở lại

Thị trường mua bán, sáp nhập bất động sản tỏ ra hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều thương vụ đình đám được kích hoạt trong thời gian qua. Trong bối cảnh các luật sửa đổi liên quan đến bất động sản có hiệu lực, dòng vốn từ khối ngoại là một phần quan trọng thúc đẩy việc hoàn thiện nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tái cơ cấu thị trường.(KTSG Online) - Thị trường mua bán, sáp nhập bất động sản tỏ ra hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều thương vụ đình đám được kích hoạt trong thời gian qua. Trong bối cảnh các luật sửa đổi liên quan đến bất động sản có hiệu lực, dòng vốn từ khối ngoại là một phần quan trọng thúc đẩy việc hoàn thiện nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tái cơ cấu thị trường.

Những thương vụ quy mô lớn được kích hoạt

Thị trường bất động sản gần đây ghi nhận các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đáng chú ý với sự tham gia của những doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động nhiều năm tại Việt Nam.

Tập đoàn Keppel (Singapore) vừa qua thông báo công ty con Jencity sẽ thoái 70% vốn tại Saigon Sports City - đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 hecta tại TPHCM. Cụ thể, Jencity thoái 35% vốn điều lệ Saigon Sports City cho Công ty TNHH HTV Đại Phước, chia làm 2 đợt thanh toán, lần lượt là 5% và 30%. HTV Đại Phước trả khoảng 320 tỉ đồng cho 5% vốn và khoảng 2.800 -3.300 tỉ đồng cho 30% vốn.

Dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng. Ảnh: DNCC

Dự án Saigon Sports City vừa được Keppel bán 70% vốn, dự kiến gần 7.500 tỉ đồng. Ảnh: DNCC

Jencity cũng sẽ bán 35% vốn điều lệ Saigon Sports City cho Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Vinobly với giá trị chuyển nhượng vào khoảng 3.359 tỉ đồng đến 3.839 tỉ đồng. Còn lại, công ty con của Keppel nắm giữ 30% vốn điều lệ Saigon Sports City.

Số tiền mà Keppel nhận về cho các giao dịch chuyển nhượng trên tối đa khoảng 7.450 tỉ đồng. Việc hoàn tất thoái vốn phụ thuộc vào thời điểm các điều kiện tiên quyết được đáp ứng, bao gồm cả việc xin được phê duyệt từ cơ quan quản lý cho dự án.

Keppel cũng thông báo công ty con Himawari VNSC3 đã phát hành 46,3 triệu cổ phiếu phổ thông mới cho Toshin Development (một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản). Toshin sẽ trả khoảng 46,4 triệu đô la Mỹ (1.142 tỉ đồng) cho thương vụ trên và thanh toán thành 7 đợt. Đợt cuối cùng sẽ được thanh toán sau khi dự án Saigon Centre giai đoạn 3 được cấp giấy phép xây dựng.

Giao dịch của Keppel làm "ấm" hơn thị trường M&A bất động sản từ đầu năm đến nay. Trước đó, thị trường ghi nhận một số thương vụ hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước và đối tác nước ngoài trong một số loại hình như bất động sản nhà ở, khu công nghiệp, kho bãi. Có thể kể đến như Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 hecta từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu đô.

Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản BIDICI. Ước tính, công ty có thể thu về ít nhất gần 1.500 tỉ đồng từ thương vụ trên.

Hay Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với 3 doanh nghiệp nước ngoài gồm NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 hecta tại Bình Dương.

Tập đoàn Mường Thanh cũng thông báo tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Giá chuyển nhượng không được công bố.

Phân khúc bất động sản công nghiệp chứng kiến thương vụ Tripod Technology Corporation mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 hecta tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Hay quỹ Mapletree Logistics Trust của Singapore đã đầu tư 68,4 triệu đô để mua lại 2 nhà kho hạng A tại tỉnh Bình Dương và Hưng Yên.

Tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại dường như có sở thích đặc biệt với những sản phẩm tạo dòng tiền ổn định hoặc bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn TPHCM, CBRE Việt Nam, cho biết CBRE nhận được nhiều yêu cầu tham gia thị trường của các nhà đầu tư ngoại, tập trung ở phân khúc nhà ở. Một số nhà đầu tư, trong đó có Nhật Bản, thời gian gần đây tăng tốc vào thị trường Việt Nam bằng việc bắt tay với các doanh nghiệp trong nước làm dự án tại Bình Dương, Long An...

Nhà đầu tư ngoại vẫn làm chủ cuộc chơi

Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam, thông qua số liệu thống kê nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 9 tháng qua. Theo báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 30/9, tổng vốn FDI gần 25 tỉ đô, tăng 11,6% so với cùng kì năm trước. Trong đó, bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 17,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn FDI vào địa ốc đã tăng gấp 2,2 lần.

Giới chuyên gia nhìn nhận, sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hứng thú tới bất động sản Việt Nam nhờ những thay đổi mới trong vấn đề pháp lý gần đây. Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tăng nguồn cung bất động sản và tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện khung khổ pháp lý và tạo môi trường đầu tư ổn định sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn trong những năm tới.

Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh sau khi các luật sửa đổi có hiệu lực. Ảnh minh họa: DNCC

Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh sau khi các luật sửa đổi có hiệu lực. Ảnh minh họa: DNCC

Năm ngoái, thị trường M&A cũng là sân chơi của khối ngoại. Năm nay, tình thế vẫn chưa thay đổi khi doanh nghiệp trong nước vẫn bền bỉ giải bài toán tài chính và pháp lý đã bó buộc một thời gian dài. Dòng vốn ngoại vẫn tham gia tích cực vào thị trường, mang đến nhiều triển vọng tốt, tuy nhiên khó bùng nổ trong quý cuối năm hoặc năm sau. Bởi, thị trường vẫn đang trong quá trình phục hồi và chờ các luật mới triển khai rõ hơn trên thực tế, nhà đầu tư cần có thêm thời gian.

Bà Trần Thị Khánh Linh, Phó giám đốc Phòng Đầu tư tại Savills Việt Nam cho biết, khi vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư thường có chỉ tiêu rõ ràng về phân khúc sản phẩm, pháp lý dự án, thời gian đầu tư và tỷ suất sinh lời. Về phân khúc, các nhà đầu tư ngoại chú trọng đến bất động sản nhà ở, khu công nghiệp hoặc sản phẩm có thể tạo dòng tiền ổn định như căn hộ dịch vụ.

Về pháp lý, họ đề cao những dự án có pháp lý minh bạch và khả năng phát triển ngay lập tức. Nếu các dự án không đạt kỳ vọng, họ sẽ thực hiện tái cơ cấu để đảm bảo mục tiêu đầu tư của công ty.

Chuyên gia Savills Việt Nam kỳ vọng nhiều luật liên quan đến bất động sản được thông qua thời gian qua tạo cơ sở pháp lý vững vàng, rõ ràng hơn. Vì vậy về dài hạn, nhà đầu tư ngoại có thể yên tâm hơn vào các vấn đề pháp lý và nguồn cung sẽ được giải tỏa.

Thủ tướng cũng vừa yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, hoàn thành trước ngày 15-10. Nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành được kỳ vọng là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản. Trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại.

Kim Ngân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-tai-co-cau-manh-ma-bat-dong-san-soi-dong-tro-lai/
Zalo