Thị trường tài chính 24h: Loạt ngân hàng phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn
VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng cấp tập tăng vốn; Giải mã biến số để sàng lọc cơ hội đầu tư 2025; Cổ đông ngành nước 'mát mặt'; Có rất ít trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư thông qua thanh lý tài sản thế chấp; OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu tháng thứ 5 liên tiếp…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 12/12 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 84,60 – 87,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 24,4 USD lên 2.718,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và lùi về dưới 2.715 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,55 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.259 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.171 – 25.471 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng vọt từ 96.400 USD lên trên 100.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên gần 102.000 USD, trước khi lùi về dưới 101.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD (+0,34%), lên 70,53 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,23 USD (+0,31%), lên 73,75 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục giảm nhẹ
Sau phiên giao dịch sáng tăng điểm nhẹ, nhưng khá buồn tẻ do thanh khoản thấp, thị trường bước vào phiên chiều có phần kém sắc hơn.
Bảng điện tử nhanh chóng đảo chiều với số mã giảm chiếm ưu thế, khiến VN-Index dần hạ nhiệt và lùi về gần tham chiếu, giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Kết thúc phiên giao dịch 12/12: VN-Index giảm 1,51 điểm (-0,12%), xuống 1.267,35 điểm; HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,09%), xuống 227,98 điểm; UpCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%), xuống 92,68 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Tư (11/12), với điểm nhấn ở đà phục hồi của cổ phiếu công nghệ đã lần đầu tiên thúc đẩy Nasdaq vượt qua cột mốc 20.000 điểm, sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ thúc đẩy kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất.
Điểm nhấn phiên này là chỉ số Nasdaq khi tăng vọt qua mốc 20.000 điểm, nhờ nhóm cổ phiếu truyền thông, công nghệ, sau khi dữ liệu CPI chỉ khả năng cao Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Kết thúc phiên 11/12: Chỉ số Dow Jones giảm 99,27 điểm (-0,22%), xuống 44.148,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,28 điểm (+0,82%), lên 6.084,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 347,65 điểm (+1,77%), lên 20.034,90 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm qua trên Phố Wall, khi báo cáo lạm phát của Mỹ thúc đẩy kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong tháng này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,21% lên 39.849,14 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,86% lên 2.773,03 điểm.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ công bố quyết định chính sách của mình vào tuần tới và thị trường đã định giá việc tăng lãi suất vào tháng 1 tới, Tsuboi chiến lược gia trưởng Yugo Tsuboi tại Daiwa Securities cho biết.
Cổ phiếu liên quan đến chip tăng, với Advantest tăng 4,2% để trở thành lực đẩy lớn nhất cho Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi giới đầu tư kỳ vọng vào cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị nước này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối ngày.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,85% lên 3.461,50 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,99% lên 4.028,50 điểm.
Hội nghị công tác kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ kết thúc vào thứ năm, sau đó sẽ có một tuyên bố được Tân Hoa Xã công bố.
Chỉ vài ngày trước, một bản thông báo từ cuộc họp của Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng "các chính sách tài khóa chủ động hơn" để cải thiện nhu cầu trong nước vào năm 2025 với các công cụ tiền tệ “nới lỏng hơn", cho thấy xu hướng hướng tới các biện pháp kích thích rộng rãi.
"Trung Quốc sẽ đi trên dây trong các biện pháp kích thích trong nước vì họ phải ứng phó với áp lực tức thời từ tiêu dùng đang gặp khó khăn, trong khi chuẩn bị cho các biện pháp thuế quan mà Mỹ có thể áp đặt", Naomi Fink, chiến lược gia toàn cầu tại Nikko Asset Management cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết từ cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Tại đó có thể tiết lộ các biện pháp kích thích mà Bắc Kinh có thể sử dụng vào năm tới để chống giảm phát và làm giảm tác động của mức thuế quan của Mỹ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,2% lên 20.397,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,53% lên 7.360,10 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, cũng nhờ phiên tăng đêm qua trên Phố Wall với điểm nhấn là lực đẩy từ cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 39,61 điểm, tương đương 1,62% lên 2.482,12 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 3,52% và SK Hynix tăng 2,5%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 7%.
Kết thúc phiên 12/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 476,91 điểm (+1,21%), lên 39.849,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,01 điểm (+0,85%), lên 3.461,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 242,00 điểm (+1,20%), lên 20.397,05 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 39,61 điểm (+1,62%), lên 2.482,12 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng cấp tập tăng vốn
Trong những ngày cận Tết này, một loạt ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động..>> Chi tiết
- Giải mã biến số để sàng lọc cơ hội đầu tư 2025
Ngày 12/12, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà đầu tư cùng nhìn nhận phân tích các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế để nhận diện cơ hội đầu tư mới..>> Chi tiết
- Cổ đông ngành nước “mát mặt”
Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán đi ngang trong cả năm qua, cổ phiếu ngành cấp thoát nước là nhóm hiếm hoi ghi nhận đà tăng giá khá tích cực..>> Chi tiết
- VIS Rating: Có rất ít trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư thông qua thanh lý tài sản thế chấp
Theo VIS Rating, đa số các trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi trong giai đoạn 2022 - 2024 hiện có tỷ lệ thu hồi dưới 10%..>> Chi tiết
- OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu tháng thứ 5 liên tiếp
OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới trong tháng thứ 5 liên tiếp, đây là mức cắt giảm sâu nhất từ trước đến nay đối với triển vọng năm 2024 sau khi đồng ý gia hạn lệnh hạn chế sản lượng..>> Chi tiết