Thị trường tái cân bằng, chờ tín hiệu mới, nhóm ngân hàng đang có định giá hấp dẫn

VN-Index đang cân bằng quanh ngưỡng 1.220 điểm sau khi biến động mạnh vì yếu tố thuế quan từ Mỹ.

Bão thuế quan tạm lắng

Đầu tháng 4/2025, “bão thuế quan” của Mỹ khuấy đảo các chỉ số tài chính toàn cầu và VN-Index cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi có 4 phiên giảm sâu liên tiếp, thổi bay hơn 270 điểm từ gần 1.320 điểm về sát 1.070 điểm. Sau khi có nhịp hồi phục mạnh nhờ Mỹ tạm ngừng áp thuế, thị trường chủ yếu trong trạng thái thăm dò và chờ đợi tiến triển từ các cuộc đàm phán về thuế quan. Tính đến cuối tháng 4, chỉ số thu hẹp mức giảm còn hơn 90 điểm, đóng cửa tại 1.226,3 điểm.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lo ngại thuế quan, phần lớn nhóm ngành chịu áp lực giảm giá mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu, dầu khí. Khi thị trường hồi phục, các nhóm ngành này có mức tăng chậm và yếu.

Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có diễn biến tích cực hơn nhờ động lực từ kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan và kỳ vọng hệ thống KRX chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025. Nhóm bất động sản, nhất là bộ ba VIC, VHM và VRE của Vingroup, trở thành điểm tựa lớn cho đà hồi phục chung. Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ như MWG, FRT cũng ghi nhận diễn biến vượt trội với trợ lực từ dòng vốn ngoại.

Tuy vậy, trong tháng 4, khối ngoại vẫn rút ra hơn 13.000 tỷ đồng trên HOSE, riêng giao dịch thỏa thuận tại VIC và VHM đã chiếm hơn 4.000 tỷ đồng. Áp lực bán còn lan rộng ra nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, VPB, TCB, trong khi dòng vốn ngoại mua ròng chỉ xuất hiện cục bộ tại một số mã như MSN, MWG, STB.

Thị trường hiện bước vào giai đoạn tái cân bằng, với áp lực bán tạm thời suy yếu quanh vùng 1.200 điểm. Trong ngắn hạn, VN-Index có dư địa để tiến lên ngưỡng 1.250 điểm, nhưng xu hướng chung vẫn thiên về thận trọng và quan sát.

Ngân hàng - định giá hấp dẫn, vị thế kinh doanh lành mạnh

Ngành ngân hàng Việt Nam bước sang năm 2025 với nền tảng tăng trưởng vững chắc sau một năm 2024 tập trung mạnh mẽ vào việc xử lý nợ xấu. Việc thanh lọc tài sản, tăng cường trích lập dự phòng và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro trong năm trước đã giúp hệ thống ngân hàng củng cố chất lượng bảng cân đối kế toán, tạo tiền đề cho sự bứt phá trong năm nay.

Ngay trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đã ghi nhận mức ấn tượng, đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ năm 2024. Điều này cho thấy, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ, đồng thời phản ánh sự chủ động của các ngân hàng trong việc hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh. Đáng chú ý, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, với mức giảm bình quân khoảng 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Diễn biến này không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí tài chính cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà còn góp phần kích thích tổng cầu nội địa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy giảm.

Về mặt định giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở mức P/B gần như thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Mặt bằng định giá hấp dẫn này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố rủi ro vĩ mô, song cũng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn khi nhiều ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, khả năng sinh lời cao và chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt.

Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, ngành ngân hàng nổi lên như một kênh đầu tư phòng thủ hợp lý. Khả năng tự cân đối nguồn vốn tốt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì ở mức cao và sự chủ động trong trích lập dự phòng giúp các ngân hàng giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài. Ngoài ra, việc Chính phủ duy trì định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công sẽ gián tiếp thúc đẩy hoạt động tín dụng và hỗ trợ kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2025.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-can-bang-cho-tin-hieu-moi-nhom-ngan-hang-dang-co-dinh-gia-hap-dan-post368577.html
Zalo