Thị trường phân hóa mạnh, VN-Index giảm điểm nhẹ trong phiên cuối quý III

Giao dịch trên thị trường diễn ra thận trọng trong phiên giao dịch cuối cùng của quý III/2024. Sắc đỏ thắng thế trong ngày kết thúc quý III/2024 - thời điểm nhiều quỹ thực hiện chốt giá trị tài sản ròng (NAV).

Cuối tuần trước, VN-Index có thời điểm ngắn vượt qua mốc 1.300 điểm, nhưng sau đó, áp lực bán mạnh khiến chỉ số lùi xuống.

Bước sang phiên giao dịch ngày 30/9, giao dịch trên thị trường diễn ra tương đối giằng co. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng do phiên hôm nay là ngày kết thúc quý III/2024 - thời điểm nhiều quỹ thực hiện chốt giá trị tài sản ròng (NAV).

Lực cầu trong phiên hôm nay tương đối yếu khi VN-Index ở vùng trên 1.290 điểm. Trong khi đó, áp lực cung ở vùng điểm này lại có phần dâng cao. Điều này khiến hầu hết thời gian của phiên, các chỉ số giao dịch trong sắc đỏ.

Tâm điểm của thị trường phiên hôm nay tập trung vào 3 cổ phiếu ngân hàng là MSB, TPB và VPB, trong đó, VPB tăng gần 1,8% và là nhân tố chính giúp nâng đỡ VN-Index. VPB cũng là cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất đến VN-Index với 0,67 điểm. Bên cạnh đó, MSB tăng đến 3,6% còn TPB tăng 1,8%. Hai cổ phiếu ngân hàng này đóng góp lần lượt 0,28 điểm và 0,19 điểm cho VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng gây được sự chú ý tốt tới nhà đầu tư khi bật tăng mạnh ở khoảng thời gian đầu phiên. Dù vậy, áp lực bán chung của thị trường khiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này không duy trì được đà bứt phá. HPG tăng 1,15% và đóng góp 0,46 điểm cho VN-Index. VGS tăng 1,8%, HSG tăng 1,7%, NKG tăng 1,14%. Ngày 30/9, thị trường thép trong nước giữ nguyên giá bán; quặng sắt tăng giá lên gần 100 USD/tấn sau khi Trung Quốc cam kết thêm biện pháp kích thích.

Tại nhóm chứng khoán, giao dịch cũng diễn ra tương đối tích cực, VGS tăng 2,5%, VCI tăng 2,23%, AGR tăng 1,6%, FTS tăng 1,1%...

Sự phân hóa trên thị trường diễn ra tương đối mạnh, trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản đi theo chiều hướng tương đối tiêu cực. NVL là nhân tố chủ chốt khiến nhóm ngành này đi xuống. NVL bị bán mạnh ngay từ đầu phiên và có thời điểm chạm mức giá sàn. Tuy nhiên, lực cầu giá thấp vẫn khá tốt và giúp cổ phiếu này đóng cửa với mức giảm 4,33% và khớp lệnh 30,2 triệu đơn vị.

Việc NVL bị bán mạnh ở phiên hôm nay đến từ việc chuyển lãi thành lỗ đến 7.300 tỷ đồng sau soát xét bán niên năm 2024. Giải trình nguyên nhân, NVL cho biết lý do chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và giảm lợi nhuận theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Bên cạnh NVL, các cổ phiếu bất động sản như HPX, VRE, VHM, PDR, VIC, KHG, HDC… đều chìm trong sắc đỏ. VHM giảm 1,4% và lấy đi của VN-Index đến 0,63 điểm.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như VCB, BID, VNM, BCM hay GVR đều đồng loạt giảm giá và gây áp lực rất lớn lên thị trường chung. VCB giảm 0,54% và là cổ phiếu tác động xấu nhất đến VN-Index với 0,68 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,98 điểm (-0,23%) xuống 1.287,94 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 241 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,34%) xuống 234,91 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 98 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,36%) xuống 93,56 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE phiên hôm nay đạt hơn 748 triệu cổ phiếu, trị giá 16.289 tỷ đồng, giảm 24% so với phiên trước, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.173 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt 1.147 tỷ đồng và 654 tỷ đồng.

Phiên hôm nay không có cổ phiếu nào đạt mức thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng. HPG đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 989 tỷ đồng. TPB và VPB giao dịch lần lượt 648 tỷ đồng và 531 tỷ đồng.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng.

Khối ngoại quay trở lại bán ròng.

Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 500 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã HPG với 291 tỷ đồng. Dù đứng trước áp lực bán lớn từ khối ngoại, lực đỡ từ nhà đầu tư nội vẫn giúp cổ phiếu Hòa Phát đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, cổ phiếu STB và GM, cũng bị khối ngoại bán mạnh lần lượt 110 tỷ đồng và 51 tỷ đồng, đều giảm giá.

Ở chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 44 tỷ đồng. SSI và VHM được mua ròng lần lượt 36 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-phan-hoa-manh-vn-index-giam-diem-nhe-trong-phien-cuoi-quy-iii-d226219.html
Zalo