Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam ước đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2027

Theo ước tính của UnaFinancial, một tập đoàn phát triển các giải pháp tài chính kỹ thuật số tại châu Á và châu Âu, đến năm 2023, 20,6% người trưởng thành tại Đông Nam Á đã tiếp cận với giải pháp tài chính mua trước trả sau…

Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam đạt 2,34 tỷ USD trong năm 2023.

Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam đạt 2,34 tỷ USD trong năm 2023.

Tại Singapore, tỷ lệ áp dụng đạt 31,3%, tại Philippines đạt 27% và tại Malaysia đạt 24,4%. Đây là ba thị trường trung tâm trong bối cảnh mua trước trả sau (BNPL) ngày càng phát triển tại Đông Nam Á. Trong khi đó, tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, khoảng 1/5 người trưởng thành đã lựa chọn hình thức thanh toán này.

Về khối lượng giao dịch, thị trường BNPL của khu vực đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2023. Indonesia dẫn đầu với 4,28 tỷ USD giao dịch, tiếp theo là Thái Lan (2,91 tỷ USD), Việt Nam (2,34 tỷ USD), Philippines (1,97 tỷ USD), Malaysia (1,86 tỷ USD) và Singapore (1,3 tỷ USD).

Trong tương lai, các nhà phân tích của báo cáo dự đoán các giao dịch BNPL sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trên khắp Đông Nam Á, đạt 53,2 tỷ USD vào năm 2027. Đông Nam Á có đặc điểm là dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Mật độ người dùng Gen Z cao, những người thường cởi mở với việc áp dụng các công nghệ tài chính mới, đã thúc đẩy nhu cầu về BNPL. Tùy chọn thanh toán này đã thu hút được sự chú ý do phù hợp hoàn hảo với thói quen mua sắm của Gen Z, cung cấp cho họ một giải pháp thay thế cho các hệ thống tín dụng và ngân hàng truyền thống.

Việt Nam, Thái Lan và Singapore được dự báo có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa hình thức thanh toán này nhưng với tốc độ ổn định. Tại Việt Nam, BNPL vẫn là một xu hướng mới nổi. Thị trường dự kiến sẽ đạt 5,9 tỷ USD, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển. Tăng trưởng BNPL của Thái Lan dự kiến sẽ đóng góp 8,2 tỷ USD vào năm 2027.

Thị trường BNPL của Singapore, với giá trị dự kiến là 2,9 tỷ USD, đang gặp thách thức phát triển trước sự cạnh tranh hệ thống tài chính trước đó và cơ chế tiếp cận các khoản vay cũng khá dễ dàng.

Trong khi đó, Indonesia được dự đoán sẽ là quốc gia dẫn đầu với 16,8 tỷ USD giao dịch BNPL vào năm 2027, đánh dấu mức tăng 209% so với năm 2024. Mặc dù tiềm năng BNPL của Indonesia là cao nhất, nhưng việc hiện thực hóa mức tăng trưởng này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với Malaysia và Philippines.

Malaysia dự kiến sẽ đạt 11,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 215% từ năm 2024 nhờ dân số Gen Z đông đảo (39%) và các ngân hàng có thể mở rộng sang tùy chọn thanh toán này.

Philippines dự kiến sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất là 235%, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2024 lên 8,2 tỷ USD vào năm 2027. Điều này được thúc đẩy bởi một nhóm dân số trẻ với gần một nửa là thế hệ gen Z. Hơn nữa, việc tiếp cận không đủ với các dịch vụ ngân hàng truyền thống đã đưa quốc gia này trở thành một trong những thị trường BNPL triển vọng nhất Đông Nam Á.

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-mua-truoc-tra-sau-cua-viet-nam-uoc-dat-5-9-ty-usd-vao-nam-2027.htm
Zalo