Thị trường lao động nhộn nhịp sau Tết Nguyên đán
Nhiều diễn biến tích cực đối với thị trường lao động sau kỳ nghỉ, nhiều doanh nghiệp hiện tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ cho các kế hoạch sản xuất.
Doanh nghiệp cần tuyển dụng đầu năm
Được biết, kỳ nghỉ đầu năm kết thúc cũng là lúc các doanh nghiệp trên khắp cả nước bước vào giai đoạn tập trung sản xuất kinh doanh. Do đó, thời điểm này nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh, nhất là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, có đơn hàng dài hạn.
Như ở Thanh Hóa, theo thông Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này, 39 doanh nghiệp lớn trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ với số lượng khoảng 45.000 lao động. Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm được đơn hàng mới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm ngành dệt may, da giày đã ký được các đơn hàng ngay từ đầu năm 2025, do đó doanh nghiệp rất cần người làm, dẫn đến việc gia tăng tuyển dụng.
![Doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_59_51441313/d31c9abbaef547ab1ee4.jpg)
Doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi cũng vừa tổ chức ngày hội việc làm năm 2025, nhằm kết nối người lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham gia sự kiện có 17 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 10.000 lao động, tập trung vào các ngành nghề như may mặc, điện tử, giày da, cơ khí… Người lao động tham gia sự kiện còn được cung cấp thông tin về cơ hội việc làm tại các quốc gia có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Âu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố cho biết, quý I địa phương này cần tuyển khoảng 79.000 đến 84.000 lao động. Nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm 67,7% tổng nhu cầu); khu vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 31,8%), thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,5%.
Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,11%. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, kế đến là trung cấp chiếm 20,14%, đại học trở lên chiếm 18,76%; cao đẳng 14,6%. Nhu cầu lao động phổ thông chiếm 11,89%.
Tăng cường giải pháp để giữ chân lao động
Được biết, sau Tết thường là giai đoạn không ít các nhân sự tại các doanh nghiệp nghĩ đến chuyện "nhảy việc" đầu năm. Theo các chuyên gia, hết Tết là thời điểm người lao động đã nhận đủ phúc lợi tài chính của năm trước từ công ty, nhiều người mong muốn tìm kiếm sự thay đổi công việc càng sớm càng tốt để bắt nhịp với guồng công việc từ đầu năm, cho nên họ sẽ nhanh chóng xin nghỉ để thay đổi môi trường làm việc. Để giữ chân nhân sự giỏi, nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng nâng lương theo vị trí công tác, đưa ra nhiều quyền lợi hơn để giữ chân người lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.
Ở góc độ vĩ mô, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đề nghị các cơ quan nhà nước về việc làm cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, cơ quan này cũng đã đôn đốc các địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách về tiền lương, thưởng đối với người lao động tại các doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc và đề nghị các nhà máy, xí nghiệp thực hiện tốt việc đưa đón người lao động.
Nhiều nhà máy tổ chức các chuyến xe đưa đón người lao động về các trung tâm lớn ở các tỉnh, đưa đón người lao động trước và sau Tết.
Chính sách này từ các doanh nghiệp đã được đánh giá cao trong việc đảm bảo ổn định nguồn nhân lực. Đáng chú ý, đã có doanh nghiệp công bố việc lì xì, thưởng khi lao động quay trở lại nhà máy sau tết. Nhiều doanh nghiệp thuộc khối ngành thâm dụng lao động đã đưa ra chính sách lì xì từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho nhân viên. Trên thực tế, nhiều tổ chức công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định thị trường.
Kết quả, người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tp.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều tỉnh, thành cũng cho biết đạt tỷ lệ cao 97 - 98% người lao động quay lại, có nơi đến 100%, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi.
Các chuyên gia dự báo trong năm 2025, bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng lan rộng, thị trường việc làm sẽ đòi hỏi người lao động phải thích ứng trước sự đổi khác về hình thức làm việc, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu kỹ năng. Nên để tìm được công việc mới, đòi hỏi người lao động phải nghiên cứu và chuẩn bị kỹ. Đối với các doanh nghiệp, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cũng là những yếu tố mà họ cần quan tâm để tìm được nhân sự cũng như giữ chân được người lao động có trình độ cao.