Kinh tế Trung Quốc đối mặt thảm họa do dân số già hóa

Dân số già hóa nhanh, với 14% trên 65 tuổi, Trung Quốc gấp rút cải cách chăm sóc, đối mặt nguy cơ kinh tế đình trệ trong thập kỷ tới.

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố lộ trình mở rộng các dịch vụ dành cho người cao tuổi, trong bối cảnh lo ngại rằng tỷ lệ người nghỉ hưu ngày càng tăng sẽ gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 Một người đàn ông lớn tuổi chơi đàn nhị, một nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Cheng Xin

Một người đàn ông lớn tuổi chơi đàn nhị, một nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: Cheng Xin

Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, với người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% trong tổng số 1,4 tỷ dân. Theo dự đoán, quốc gia này sẽ sớm gia nhập nhóm "xã hội siêu già" như Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm tới.

Việc số lượng người rời khỏi lực lượng lao động ngày càng tăng đã khiến hệ thống lương hưu chịu áp lực nặng nề. Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và các lĩnh vực liên quan nhằm giảm thiểu khó khăn.

Các biện pháp cụ thể

Bộ Dân chính Trung Quốc, vào ngày thứ Năm vừa qua, đã công bố một loạt hướng dẫn hỗ trợ cải cách dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Ông Đường Thành Bồi, Thứ trưởng Bộ Dân chính, nhấn mạnh cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, kết nối hiệu quả giữa hệ thống an sinh xã hội và các dịch vụ y tế, đồng thời thúc đẩy phát triển nền "kinh tế bạc" - theo Tân Hoa Xã.

Các cải cách bao gồm việc xây dựng hệ thống ba cấp trong chăm sóc người cao tuổi, từ cấp làng xã đến cấp thị trấn và huyện, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm chăm sóc tập trung và dịch vụ chăm sóc tại nhà, trong cộng đồng.

Ngoài ra, các hướng dẫn mới cũng đặt trọng tâm vào đổi mới công nghệ, như trí tuệ nhân tạo, robot hình người và giao diện não-máy tính, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc.

Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, vào năm 2024, nước này đã vượt qua Nhật Bản và Đức để đạt mật độ robot cao thứ ba thế giới.

Những thách thức kéo dài từ chính sách một con

Chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đã làm trầm trọng thêm thách thức nhân khẩu học của Trung Quốc. Dù chính sách này đã chấm dứt vào năm 2016, sau đó cho phép mỗi gia đình sinh hai, rồi ba con, nhưng rất ít người trẻ chọn sinh nhiều con hơn. Chi phí sinh hoạt tại đô thị tăng cao, tiền lương trì trệ, và lối sống ưu tiên sự thoải mái cá nhân được cho là các nguyên nhân chính.

Kết quả là, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 1,0 con/phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số. Điều này dẫn đến việc số lượng người trẻ ngày càng ít đi, không đủ để hỗ trợ cả con cái lẫn cha mẹ già.

Một số chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác nhau, từ trợ cấp tiền mặt đến tăng cường linh hoạt trong công việc cho các bậc cha mẹ trẻ ở một số ngành nghề. Thậm chí, nhiều trường mẫu giáo tư nhân từng phát triển mạnh nay đang được chuyển đổi thành viện dưỡng lão nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Ông Đường Thành Bồi khẳng định: "Dân số đang già hóa nhanh chóng. Chúng ta phải tận dụng tối đa giai đoạn cửa sổ quan trọng vào khoảng năm 2035, sẵn sàng cho một phản ứng mang tính hệ thống hơn".

Giáo sư Cao Hợp Bình, nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh, nhận định trên Global Times: "Việc đẩy mạnh cải cách dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là bước quan trọng để khởi động giai đoạn tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".

Tương lai và giải pháp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến giữa thế kỷ này, 28% dân số Trung Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Việc dân số nghỉ hưu tăng nhanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nâng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ khi thiết lập vào thập niên 1950. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh nguồn vốn nhà nước vào nền kinh tế bạc để tinh gọn ngành này, đồng thời giảm chi phí dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, theo nhà kinh tế Thiên Vân, trụ sở tại Bắc Kinh.

Bà Bành Tú Tiên, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Đại học Victoria, Úc, chia sẻ với Reuters: "Sự thay đổi cơ cấu dân số sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế". Bà cũng nhấn mạnh, số lượng trẻ em giảm mạnh sẽ tiếp tục thu hẹp thị trường nội địa, trong khi lực lượng lao động già hóa khiến Trung Quốc "ít động lực đổi mới hơn, và năng suất cải thiện chậm hơn thay vì nhanh hơn".

Dũng Phan (Theo Newsweek)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-trung-quoc-doi-mat-tham-hoa-do-dan-so-gia-hoa-post329920.html
Zalo