Thị trường lặng lẽ chờ cơ hội lớn
Năm 2024, VN-Index tăng khoảng 12% so với đầu năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây không hẳn là một năm thành công đối với đa số nhà đầu tư. Ngoại trừ giai đoạn đầu năm, phần lớn thời gian còn lại thị trường trong trạng thái đi ngang, giao dịch quanh mức 1.200 đến 1.300 điểm.
Thị trường thử thách lòng tin nhà đầu tư
Tại Hội thảo VPBankS Talk 04 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” vừa diễn ra, ông Vũ Hữu Điền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VPBank cho biết, năm 2024, khối ngoại bán ròng hơn 3,1 tỷ USD, một con số kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này góp phần tạo nên sự khó khăn cho nhà đầu tư trong năm nay.
Dòng tiền trong năm 2024 chủ yếu tập trung vào một số nhóm cổ phiếu có tăng trưởng và câu chuyện doanh nghiệp nổi bật, trong khi nhiều nhóm còn lại không thu hút được đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác như vàng, bất động sản và tiền kỹ thuật số, tạo ra một môi trường đầu tư đầy thách thức.
Tại đây, ông Điền nhắc đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, với mức tăng trung bình 20% trong 9 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này được ông cùng nhiều chuyên gia khác kỳ vọng sẽ duy trì trong năm tới, mang lại những tín hiệu khả quan cho nhà đầu tư dài hạn.
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ duy trì xu hướng dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm. Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, “1.200 đến 1.300 điểm vẫn là biên dao động chính của VN-Index, nhưng những nhà đầu tư trung và dài hạn có thể xem xét giải ngân trong vùng trũng dự kiến vào tháng 5/2025”.
VN-Index có thể bứt phá tới 1.400 điểm?
Lực đẩy mạnh sẽ được thiết lập khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Sự kiện này được đánh giá sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động. Khi đó, chỉ số VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.300 điểm, nhanh chóng tiến đến mức 1.400 điểm trong giai đoạn cuối năm 2025 đầu năm 2026.
Ông Sơn nhận định, “giai đoạn tăng tốc có thể chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng, nhưng với tốc độ và thanh khoản cải thiện rõ rệt”. Mức lợi nhuận dự báo tăng trên 20%, thậm chí lên tới 25%, góp phần khẳng định sức hút đối với nhà đầu tư trong năm mới.
Ngoài yếu tố kinh tế, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, các chính sách và giải pháp của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ là đòn bẩy quan trọng, đảm bảo thị trường chứng khoán đạt được các tiêu chí nâng hạng. Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vị thế của thị trường Việt Nam, mà còn giúp mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, Giám đốc Phân tích VPBankS Đào Hồng Dương nhận định, định giá nhiều ngành trên sàn đang ở mức hấp dẫn cho trung và dài hạn. VPBankS dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng dương năm 2024 và mạnh mẽ hơn trong 2025, nhất là các ngành phi tài chính.
Theo chuyên gia VPBankS, có 8 ngành tiềm năng năm 2025 gồm: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển và dệt may. Dù mỗi ngành có cơ hội lớn, như bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng từ nguồn cung, nhưng cũng đối mặt thách thức, như ngân hàng chịu áp lực chi phí vốn và biên lãi ròng.