Thị trường khí đốt Đông Nam Á có bùng nổ sau những phát hiện của Indonesia, Malaysia?

Hãng tư vấn Năng lượng toàn cầu Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, Na Uy cho biết giai đoạn tăng trưởng sắp tới được hỗ trợ bởi các dự án nước sâu, những phát hiện khí đốt thành công gần đây ở Malaysia và Indonesia, cũng như những tiến bộ tích cực về công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Rystad cho hay: "Điều này thể hiện mức tăng gấp đôi so với các dự án phát triển trị giá 45 tỷ USD từ các quyết định đầu tư cuối cùng (FID) giai đoạn năm 2014 đến năm 2023 và báo hiệu sự bùng nổ ngành công nghiệp khí đốt ngoài khơi của khu vực".

Theo hãng tư vấn, các tập đoàn dầu khí lớn dự kiến sẽ chiếm 25% các khoản đầu tư theo kế hoạch này cho đến năm 2028, trong khi các công ty dầu khí quốc gia (NOC) sẽ chiếm 31% thị phần.

Đáng chú ý, các công ty thượng nguồn ở Đông Á đang nổi lên với 15% thị phần và cho thấy tiềm năng tăng trưởng thông qua việc tập trung vào các cơ hội mua bán, sáp nhập cũng như các dự án thăm dò.

"Vai trò của các ông lớn có thể mở rộng hơn nữa lên 27% sau những nỗ lực mua lại của TotalEnergies tại Malaysia", Rystad nhận định.

Đầu năm nay, có thông tin cho rằng TotalEnergies đã ký một thỏa thuận với OMV để mua lại 50% cổ phần của công ty khai thác và điều hành khí đốt độc lập SapuraOMV Upstream của Malaysia với giá 903 triệu USD, một động thái sẽ làm tăng sự hiện diện của tập đoàn dầu khí Pháp tại khu vực này.

"Những phát hiện gần đây và sự tham gia của NOC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng đầu tư vào dự án mới và cam kết vốn trong khu vực, đặc biệt trong phát triển vùng nước sâu, vốn là yếu tố then chốt giúp xác định tiềm năng trị giá 100 tỷ USD dự kiến có thể đạt được", Phó Chủ tịch nghiên cứu thượng nguồn của Rystad Energy, Prateek Pandey, cho biết.

Đối với Indonesia, xứ vạn đảo nổi bật trong nỗ lực tăng cường các hoạt động khí đốt ngoài khơi, khiến nước này trở thành đối thủ đáng gờm đối với sự thống trị lâu đời của Malaysia.

"Phát hiện mỏ dầu khổng lồ lần gần nhất là Mỏ Cepu là vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đối với khí tự nhiên đã có những phát hiện khổng lồ trong 2 năm qua, cụ thể là các lô Nam Andaman, Andaman II và Bắc Ganal. Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia đã cải tiến các chính sách thượng nguồn và khuyến khích dầu khí để việc thăm dò trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các chính sách mới cũng đang được xem xét", Giám đốc Phát triển Kinh doanh Thượng nguồn Dầu khí Ariana Soemanto cho biết tại một sự kiện ở Jakarta hồi tháng 6 vừa qua.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 1 triệu thùng dầu và 12 tỷ feet khối khí đốt tiêu chuẩn mỗi ngày vào năm 2030.

Chủ tịch Cơ quan quản lý dầu khí SKK Migas, Soetjipto dự báo khối lượng dầu khai thác trong năm nay của Indonesia sẽ thấp hơn một chút, khoảng 600.000 thùng/ngày, so với 605.000 thùng/ngày năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn dự báo trước đó của SKK Migas là 596.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, ông kỳ vọng mức tăng khí đốt tự nhiên vào năm 2024 sẽ gần 8%, đạt khoảng 5.700 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (mmscfd), cao hơn mức 5.300 mmscfd được thấy vào năm 2023 và dự báo trước đó vào năm 2024 là 5.544 mmscfd dựa trên kế hoạch làm việc của các nhà thầu.

Tuy nhiên, hãng nghiên cứu cho biết, Malaysia tiếp tục duy trì mức độ hoạt động mạnh mẽ với các FID gần đây và thành công với các nỗ lực thăm dò theo kế hoạch.

Các dự án FID sắp tới của Malaysia nhấn mạnh những phát hiện quan trọng được thực hiện kể từ năm 2020, chủ yếu do Petronas, công ty dầu khí quốc gia Thái Lan PTTEP và Shell quản lý.

Bình An

bernama

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thi-truong-khi-dot-dong-nam-a-co-bung-no-sau-nhung-phat-hien-cua-indonesia-malaysia-717651.html
Zalo