Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 15-22/2: Vàng tăng 8 tuần liên tiếp, quặng sắt tăng cao nhất 4 tháng, dầu và ca cao giảm mạnh
Kết thúc tuần giao dịch từ 15-22/2, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục ghi nhận đà tăng của giá vàng với tuần tăng thứ 8 liên tiếp, quặng sắt cũng tăng cao nhất 4 tháng, trong khi giá dầu và ca cao giảm mạnh…

Năng lượng: Giá dầu và than giảm, khí LNG tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới giảm vào thứ Sáu (21/2) và ghi nhận mức giảm giá hàng tuần. Cụ thể, kết thúc phiên 21/2, giá dầu Brent giảm 2,05 USD (-2,68%) về 74,43 USD/thùng, dầu thô Mỹ giảm 2,08 USD (-2,87%) về 70,4 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,4% và dầu thô Mỹ giảm 0,5% .
Trong ngày, các nhà phân tích chỉ ra các báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng, các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán - Trung Quốc cho biết họ đã phát hiện ra một loại vi-rút Corona mới ở loài dơi. Theo các nhà phân tích, giá dầu lần đầu tiên giảm khoảng 2 USD/thùng khi những báo cáo đó xuất hiện.
Các nhà đầu tư cũng cân nhắc đến sự gia tăng trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ, được báo cáo vào ngày 20/2, vì hoạt động bảo dưỡng theo mùa tại các nhà máy lọc dầu đã dẫn đến việc xử lý thấp hơn, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần đã bổ sung giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ tư liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2024, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes BKR.O cho biết trong một báo cáo. Số lượng giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng 4 giàn lên 592 giàn trong tuần tính đến ngày 21/2/2025.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn để mắt đến khả năng gián đoạn nguồn cung dầu, điều này đã hạn chế mức giảm giá. Nga cho biết, lưu lượng dầu của Caspian Pipeline Consortium, một tuyến đường chính để xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan, đã giảm 30-40% vào thứ Ba sau cuộc xung đột vào một trạm bơm.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng vào thứ Sáu (21/2) khi giá lạnh khắc nghiệt trong vài tuần qua đã cắt giảm sản lượng và khi lưu lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG đạt mức cao kỷ lục.
Cụ thể, giá LNG giao tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 8,2 Uscent (+2%) lên 4,234 USD/mmBtu và tăng khoảng 14% trong tuần, cũng là tuần tăng thứ ba liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2024 và tăng khoảng 39% trong thời gian đó.
Diễn biến trên khiến hợp đồng này ở trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ tư liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 10/2024. Giá tháng trước đóng cửa ở mức cao nhất 25 tháng là 4,28 USD/mmBtu vào ngày 19/2/2023.
Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 104,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) cho đến nay trong tháng 2/2025 từ mức 102,7 bcfd vào tháng 1/2025. Con số này so với mức kỷ lục hàng tháng là 104,6 bcfd vào tháng 12/2023.
Với thời tiết ôn hòa hơn, LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 148,4 bcfd trong tuần này xuống 127,9 bcfd vào tuần tới và 122,9 bcfd trong hai tuần tiếp sau.
Lượng khí đốt vào 8 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã tăng lên mức trung bình 15,5 bcfd cho đến nay trong tháng 2, tăng từ mức 14,6 bcfd vào tháng 1. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12/2023.
Trên thị trường than, trong tuần qua, chỉ số than nhiệt châu Âu giảm xuống dưới mức 100 USD/tấn do nhu cầu yếu và mức tiêu thụ khí đốt tăng. Cụ thể, giá than nhiệt lượng CV 6.000 của Nam Phi giảm xuống mức 95 USD/tấn, không thể tăng lên mức 100 USD/tấn do nhu cầu từ Ấn Độ và châu Á - Thái Bình Dương vẫn hạn chế.
Tại Trung Quốc, giá giao ngay đối với than 5.500 NAR tại cảng Tần Hoàng Đảo ổn định ở mức 105-106 USD/tấn. Tổng lượng hàng tồn kho tại 9 cảng lớn nhất nước này là 27,68 triệu tấn (tăng 2,1 triệu tấn so với tuần trước nữa).
Giá than 5.900 GAR của Indonesia giảm xuống mức 86,50 USD/tấn và than 4.200 GAR giảm nhẹ xuống dưới 48 USD/tấn, do nhu cầu hạn chế trên thị trường giao ngay cũng như lượng dự trữ của người tiêu dùng cao.
Chỉ số than CV cao 6.000 của Úc ổn định dưới 103 USD/tấn khi khách hàng chờ đợi trong bối cảnh xu hướng giảm chung. Chỉ số than luyện kim HCC của Úc tăng lên 190 USD/tấn do nhu cầu dự kiến từ châu Âu, hỏa hoạn tại các mỏ Szczyglowice (JSW) ở Ba Lan và Leer South ở Mỹ. Trong khi đó, sự bất ổn đang gia tăng trên thị trường với việc áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với tất cả các loại thép tại Mỹ.
Kim loại: Vàng tăng giá tuần thứ 8 liên tiếp, quặng sắt tăng cao nhất 4 tháng, đồng tiếp tục giảm
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong phiên 21/2 do các nhà đầu tư chốt lời từ mức cao kỷ lục phiên trước đó, song vẫn có tuần tăng thứ 8 liên tiếp, được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn, trong bối cảnh lo ngại về kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,1% về 2.939,63 USD/ounce, song cả tuần vẫn tăng 1,9% sau khi tăng lên mức kỷ lục 2.954,69 USD/ounce trong phiên trước đó. Vàng kỳ hạn tháng 4/2025 trên sàn New York cũng giảm 0,1% về 2.953,2 USD/ounce.
Trong tuần qua, giá vàng đã phá vỡ 2 mức cao kỷ lục lên trên 2.950 USD/ounce, do sự không chắc chắn xung quanh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị, thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn là vàng thỏi. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 11,5%.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,9% về 32,64 USD/ounce và palladium giảm 0,7% về 970,45 USD/ounce, nhưng cả 2 kim loại này đều tăng trong tuần. Giá bạch kim giảm 1,1% về 967,40 USD/ounce trong phiên này và giảm trong tuần.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng giảm do lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, sau khi tồn trữ tăng và sự không chắc chắn về khả năng áp thuế của Mỹ. Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm về mức 9.561,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 3 tháng trong tuần trước nữa.
Tồn trữ đồng tại Thượng Hải (SHFE) trong tuần qua tăng 13% và tính từ cuối tháng 1/2025, tồn trữ đồng tăng 162%. Theo đó, giá đồng SHFE giảm 0,5% xuống 77.000 CNY/tấn.
Ngoài ra, USD tăng mạnh cũng gây áp lực lên giá kim loại, khiến hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với khách hàng sử dụng tiền tệ khác.
Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tương lai tăng khi dữ liệu tiêu thụ thép mạnh mẽ từ quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc thúc đẩy tâm lý, chuyển sự tập trung của nhà đầu tư sang triển vọng nhu cầu quặng tăng và thúc đẩy làn sóng đóng vị thế bán khống.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt tháng 5/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 2,26% lên 837 CNY (115,15 USD)/tấn. Hợp đồng này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/10/2024 ở mức 838,5 CNY/tấn vào đầu phiên.
Quặng sắt chuẩn tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,65% lên 108,45 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 14/2/2025.
Giá quặng tăng có thể mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời cho các nhà sản xuất lớn bao gồm Rio Tinto, BHP, Fortescue và Vale, những công ty đã báo cáo mức lợi nhuận giảm mạnh trong báo cáo thu nhập mới nhất của họ do giá giảm, bị kéo theo bởi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc.
Dữ liệu từ Công ty Tư vấn Mysteel cho thấy, tiêu thụ thép cây, chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, đã tăng vọt 163% so với tuần trước lên 1,69 triệu tấn tính đến ngày 20/2. Các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn DCE cũng tăng, với than cốc tăng lần lượt 2,89% và 2,62%.
Theo đó, giá thép cây giao tháng 10/2025 trên sàn SHFE tăng 30 CNY lên 3.414 CNY/tấn. Giá chuẩn thép trên sàn này đều ở mức cao hơn so với tuần trước nữa: Thép cây tăng 1,24%; thép cuộn cán nóng tăng 1,02%; thép dây tăng nhẹ 0,26% và thép không gỉ tăng 1,15%.
Nông sản: Ngô và lúa mì giảm giá, đi ngược đậu tương
Trên sàn Chicago (CBOT), hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông giao tháng 5/2025 tăng 3,75 cent lên 6,04 USD/giạ, nhưng vẫn giảm 1,5% trong tuần; lúa mì đỏ cứng mùa Đông Kansas cùng kỳ hạn tăng 1,75 cent lên 6,2175 USD/giạ; trong khi lúa mì Xuân Minneapolis cùng kỳ hạn giảm 1,25 cent về 6,4605 USD/giạ.
Theo các nhà giao dịch, lực mua kỹ thuật và việc đóng lệnh bán khống của các quỹ hàng hóa đã hỗ trợ giá lúa mì sau 2 phiên giảm liên tiếp. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, doanh số xuất khẩu lúa mì niên vụ cũ đạt 532.700 tấn, cao hơn mức dự báo từ 300.000-600.000 tấn. Doanh số vụ mới cũng vượt kỳ vọng với 98.500 tấn.
Bên cạnh đó, lo ngại về đợt rét ảnh hưởng đến cây lúa mì Đông tại Mỹ đã giảm bớt. Báo cáo thời tiết hàng ngày của USDA cho thấy, lớp tuyết bảo vệ tại vùng Đồng bằng phía Bắc và Trung rộng hơn so với đợt lạnh trước, giúp giảm rủi ro thiệt hại cho cây trồng.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 7,75 cent về 5,05 USD/giạ, khép lại tuần với mức giảm 0,7%. Trước đó, hợp đồng này từng đạt đỉnh 18 tháng nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ.
USDA báo cáo doanh số xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc ngày 13/2/2025 đạt 1,45 triệu tấn, tiệm cận mức dự báo cao nhất (1,6 triệu tấn). Tuy nhiên, áp lực chốt lời cùng kỳ vọng diện tích trồng ngô tại Mỹ sẽ gia tăng trong báo cáo Triển vọng Nông nghiệp sắp tới đã kéo giá xuống.
Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy mưa lớn tại Argentina và một số khu vực của Brazil trong tuần này có thể cải thiện tình hình sản xuất, gây áp lực lên giá ngô.
Hợp đồng đậu tương tháng 5/2025 giảm 5,75 cent xuống 10,5725 USD/giạ, dù trước đó đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/2. Tính cả tuần, hợp đồng này tăng nhẹ 0,4%.
Các nhà giao dịch cho biết, hoạt động chốt lời cùng triển vọng vụ mùa bội thu tại Brazil đang tác động tiêu cực lên giá. Diện tích trồng đậu tương tại Brazil đã tăng 18 năm liên tiếp, củng cố vị thế nhà cung cấp hàng đầu thế giới.
Tại Mỹ, nông dân có thể giảm diện tích trồng đậu tương do lợi nhuận từ ngô cao hơn. USDA dự kiến công bố dự báo chính thức trong Hội nghị Triển vọng nông nghiệp diễn ra trong tuần tới. Tại tuần kết thúc ngày 13/2/2025, doanh số xuất khẩu đậu tương đạt 480.300 tấn, tiệm cận mức dự báo cao nhất của thị trường.
Các sản phẩm từ đậu tương cũng chịu áp lực giảm: Bột đậu tương giao tháng 5/2025 giảm 0,7 USD về 303,90 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương giảm 0,45 cent về mức 47,34 cent/pound.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường tăng cao nhất 2 tháng, dầu cọ tăng 5 tuần liên tục, cao su và ca cao cùng giảm, cà phê biến động trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, trên sàn ICE, hợp đồng đường thô tăng 1,2% lên 21,31 cent/pound, sau khi chạm mức cao nhất 2 tháng tại 21,35 cent/pound và trong tuần ghi nhận mức tăng 4,3%. Đường trắng cũng tăng 0,9% lên 560,2 USD/tấn và tăng 4,2% trong tuần.
Các nhà giao dịch cho biết, thị trường đường vẫn chịu tác động từ tình trạng nguồn cung eo hẹp do sản lượng sụt giảm tại Ấn Độ, làm hạn chế lượng hàng xuất khẩu. Ngoài ra, sự kiện đáo hạn hợp đồng tháng 3/2025 vào cuối tuần tới đang thu hút sự quan tâm, với dự báo khối lượng giao hàng có thể dao động từ 1,5-2 triệu tấn.
Hợp đồng tương lai cà phê Arabica giảm 0,2% về 3,8925 USD/pound và giảm 4,4% trong tuần. Trước đó, giá từng đạt đỉnh 4,2995 USD/pound, nhưng hiện đã suy yếu khi các nhà rang xay tích lũy đủ lượng hàng tồn kho, trong khi giới đầu cơ chốt lời sau đợt tăng nóng. Ngược lại, hợp đồng tương lai cà phê Robusta tăng 1,1% lên 5.717 USD/tấn nhờ lực mua ổn định.
Thị trường vẫn theo dõi sát sao tình hình sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2025-2026 tại Brazil, nơi cây trồng chịu ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn năm ngoái. Rabobank nhận định, lượng mưa cuối năm 2024 tuy không thể đảo ngược thiệt hại, nhưng đã giúp tránh kịch bản xấu nhất.
Hợp đồng tương lai ca cao New York giảm mạnh 1.127 USD (-11%) xuống mức 9.140 USD/tấn sau khi chạm đáy 2,5 tháng tại mức 9.124 USD/tấn. Hợp đồng ca cao London cũng giảm 7,7% xuống 7.404 GBP/tấn.
Theo các nhà môi giới, đà giảm của giá ca cao được nới rộng khi các mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng bị xuyên thủng, trong bối cảnh triển vọng thị trường kém khả quan. Việc các quỹ đầu tư thanh lý vị thế mua dài hạn cùng với tâm lý thận trọng trước nhu cầu tiêu thụ khiến giá suy yếu. Một số yếu tố hỗ trợ khác bao gồm nguồn cung từ Tây Phi cải thiện nhẹ và thị trường dần cân bằng hơn sau đợt thiếu hụt nghiêm trọng trong niên vụ 2023-2024.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 21/2 và giảm trong tuần, do căng thẳng thương mại leo thang từ mối đe dọa áp thuế mới của Mỹ và đồng JPY tăng mạnh, gây áp lực giá. Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 7/2025 trên sàn Osaka (OSE) giảm 2,9 JPY (-0,77%) xuống 372,1 JPY (2,47 USD)/kg và cả tuần giảm 1,19%.
Đồng thời, trên sàn SHFE, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 40 CNY (-0,22%) về 17.845 CNY (2.461,38 USD)/tấn và cao su butadien kỳ hạn tháng 2/2025 giảm 200 CNY (-1,43%) về 13.750 CNY (1.896,55 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn Singapore giảm 0,5% về 205 US cent/kg.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng và ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất trong 3 năm, do dự kiến sản lượng giảm đã hỗ trợ giá. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2025 trên thị trường Bursa Malaysia tăng 22 ringgit (+0,47%) lên 4.664 ringgit (1.056,16 USD)/tấn và cả tuần tăng 1,57%.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).