Thị trường hàng hóa thế giới 'rung lắc' mạnh trong quý đầu năm 2025

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới quý đầu năm đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump chính thức quay trở lại Nhà Trắng.

Các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump 2.0 không chỉ khiến thị trường tài chính đứng ngồi không yên mà còn tác động mạnh mẽ lên tâm lý các giới đầu tư với lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn, giá cả tăng mạnh hoặc lao dốc chưa từng có. Dự báo thị trường trong những tháng tới sẽ ra sao?

Biến động từ chính sách thuế Mỹ

Đóng cửa phiên giao dịch tuần cuối tháng 3, chỉ số MXV-Index tăng hơn 3,6% lên mức 2.307 điểm. Thị trường kim loại tiếp tục là tâm điểm của dòng tiền đầu tư trong quý I, khi chỉ số giá nhóm này tăng hơn 10% so với hồi đầu năm, đạt 1.977 điểm. Bạc tiếp tục là một trong những mặt hàng đầu tư hấp dẫn trên thị trường kim loại. Trong đó, chốt phiên ngày 31/3, giá mặt hàng này ở mức 34,6 USD/ounce, tăng hơn 17% so với đầu năm.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các động thái siết chặt thuế quan từ chính quyền Tổng thống Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại đã tạo sức ép lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù chính sách này được kỳ vọng thúc đẩy sản xuất nội địa, nhưng việc áp thuế cao khiến chi phí đầu vào tăng vọt, làm gia tăng áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Dòng tiền tìm nơi trú ẩn giữa thương chiến và lạm phát (Ảnh minh họa: POE AI)

Dòng tiền tìm nơi trú ẩn giữa thương chiến và lạm phát (Ảnh minh họa: POE AI)

Trong môi trường thương mại bất ổn, dòng tiền đã tìm đến các tài sản trú ẩn như bạc. Ở một diễn biến khác, giá đồng đã chạm mức kỷ lục 11.558 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 27/3 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Mỹ.

Quý đầu năm nay cũng chứng kiến nhiều biến động trên thị trường nông sản, đặc biệt là đối với đậu tương và lúa mì. Đánh giá về diễn biến giá hàng hóa trong thời gian qua, bà Tạ Thị Vân Hà - Trung tâm thông tin truyền thông, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết:

"Tôi cho rằng thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã rung lắc rất mạnh trong quý đầu năm nay. Đặc biệt là sau khi ông Donald Trump chính thức quay lại Nhà Trắng với những chính sách đối ngoại, thuế quan mang tác động mạnh lên thị trường tài chính nói chung và diễn biến giá cả hàng hóa thế giới nói riêng.

Tôi lấy ví dụ cụ thể như đối với mặt hàng đồng COMEX. Vào cuối tháng 2, sau khi ông Trump yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra về việc nhập khẩu đồng thì ngay lập tức giá mặt hàng này đã leo lên vùng 10.000 USD/tấn.

Và kể từ phiên giao dịch ngày 19/3 cho tới nay thì giá đồng vẫn neo ở vùng hơn 11.000 USD, thậm chí có phiên còn tiệm cận 11.500 USD/tấn, đây là mốc cao kỷ lục chưa từng ghi nhận trong lịch sử. Với tình hình căng thẳng như hiện nay, khả năng về một cuộc chiến tranh thương mại lan tỏa quy mô toàn cầu là rất lớn. Do đó, trong tháng 4 này, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới sẽ tiếp tục biến động mạnh".

Thị trường năng lượng cũng không nằm ngoài vòng xoáy biến động do chính sách thuế quan của Mỹ. Giá dầu Brent và WTI đạt đỉnh vào giữa tháng 1 khi nhu cầu sưởi ấm mùa đông tăng cao cùng với các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhắm vào dầu thô Nga trước khi ông rời nhiệm sở.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1, giá dầu bắt đầu giảm sâu do hàng loạt chính sách nhằm thực hiện cam kết giảm giá năng lượng. Kết thúc quý I, giá dầu Brent đóng cửa ở mức 74,74 USD/thùng, trong khi dầu WTI chốt phiên ở mức 71,48 USD/thùng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định hai ngày gần đây diễn biến giá hàng hóa biến động cực lớn với biên độ cao, nguyên nhân chủ yếu là:

"Nguyên nhân chủ yếu từ tác động chính sách thuế quan của ông Trump hiện nay. Các chính sách thuế quan dự kiến trong thời gian tới nếu thực thi thì mối lo ngại về các rủi ro suy thoái và khủng hoảng có sự gia tăng.

Từ đó khiến các nhà đầu tư chủ động bán tháo, nhất là diễn biến giá dầu và tác động lớn trong thời gian qua mặc dù các căng thẳng địa chính trị đã hỗ trợ giá dầu có mức hồi phục nhẹ, nhưng mức hồi phục này cũng nhanh chóng đảo chiều trước tâm lý lo ngại lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng suy yếu cũng như kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái trong tương lai".

Thị trường hàng hóa biến động dữ dội: Cơ hội và rủi ro song hành (Ảnh: POE AI)

Thị trường hàng hóa biến động dữ dội: Cơ hội và rủi ro song hành (Ảnh: POE AI)

Hàng hóa phái sinh phát huy vai trò

Thị trường nguyên liệu công nghiệp cũng là một trong những tâm điểm của các nhà đầu tư trong thời gian qua. Theo ghi nhận của MXV, đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 11/2, giá Arabica đạt mức kỷ lục 9.478 USD/tấn trước khi giảm về mức 8.088 USD/tấn vào cuối ngày – biến động tới gần 10% chỉ trong một phiên giao dịch.

Kết thúc quý 1, giá Arabica giao dịch quanh mức 8.483 USD/tấn, tăng hơn 20% so với cuối năm trước và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá Robusta cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đạt đỉnh 5.861 USD/tấn vào tháng 1 trước khi ổn định ở mức 5.269 USD/tấn vào cuối quý.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới:

"Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo áp thuế đối ứng lên hàng hóa của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra thì thị trường năng lượng thế giới đã biến động rất mạnh.

Trong đó, riêng giá hai mặt hàng dầu thô là Brent và WTI đã lao dốc gần 7% ngay trong phiên giao dich ngày hôm qua. Tôi cho rằng, với tình hình như hiện nay, thời gian tới, giá hàng hóa sẽ còn biến động mạnh hơn nữa. Thật khó để dự đoán chính xác diễn biến giá của các mặt hàng, đặc biệt là cà phê, dầu hay kim loại quý trong thời gian tới".

Biến động mạnh của thị trường đang đặt ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi tham gia thị trường hàng hóa trong thời gian qua, Nhà đầu tư Hoàng Nam Anh tại Hà Nội cho biết:

"Theo tôi, trong bối cảnh thị trường liên tục biến động như hiện nay, các hợp đồng hàng hóa phái sinh đã phát huy được vai trò và trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả cho không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cả các nhà đầu tư như chúng tôi.

Ví dụ như trong trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác nhưng lại có thêm bước phòng vệ bằng giao dịch trên thị trường kỳ hạn thì khi giá biến động mạnh trong ngày, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể điều chỉnh chiến lược bằng cách thay đổi hợp đồng thông qua tất toán hợp đồng cũ và giao dịch hợp đồng mới.

Như tôi đã đề cập ở trên, một ưu điểm của giao dịch T0 trên thị trường hàng hóa phái sinh tại thời điểm này chính là giúp nhà đầu tư chốt lời nhanh chóng hoặc giảm thiểu rủi ro theo thời gian thực".

Các chuyên gia dự báo thị trường hàng hóa thế giới đang bước vào giai đoạn phân hóa với sự thận trọng. Thời gian tới, giá cả hàng hóa nguyên liệu sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế quan của Mỹ cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Như Ngọc-Thùy Linh/VOVGT

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-rung-lac-manh-trong-quy-dau-nam-2025-post1190003.vov
Zalo