Đừng để ngành sản xuất nội địa chịu thiệt sau cú sốc thuế quan

Có nhiều việc phải làm, từ phòng vệ thương mại, ngăn gian lận xuất xứ, cho đến xác định rõ hàng 'made in Vietnam' để ngành sản xuất nội địa không phải chịu thiệt thòi trên 'sân nhà' lẫn thị trường xuất khẩu sau cú sốc thuế quan mới của Mỹ. Ngoài ra, rất cần ưu tiên điều chỉnh chuỗi sản xuất nhằm tránh rơi vào ngõ cụt.

Sau dư âm của mức thuế đối ứng từ Mỹ lên đến 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với mảng vật liệu xây dựng - thép, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS nhận định động lực sẽ tới từ sự phục hồi nhu cầu thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu (XK) bị tác động tiêu cực.

Từ mối lo ở ngành thép

Riêng về mảng thép trên thị trường nội địa, theo MBS, với triển vọng tích cực từ 2 ngành chiếm tỷ trọng tiêu thụ thép cao như xây dựng (30%) và đầu tư công (20%), triển vọng tiêu thụ thép toàn ngành trong năm nay có thể tăng 8% so với cùng kỳ lên mức 23,2 triệu tấn và tôn mạ tăng trưởng 7%, đạt 2,8 triệu tấn.

Để ngành sản xuất thép nội địa hưởng lợi trên thị trường “sân nhà” sau cú sốc thuế quan không phải là điều dễ dàng nếu thiếu đi biện pháp phòng vệ thương mại một cách kịp thời.

Để ngành sản xuất thép nội địa hưởng lợi trên thị trường “sân nhà” sau cú sốc thuế quan không phải là điều dễ dàng nếu thiếu đi biện pháp phòng vệ thương mại một cách kịp thời.

Tuy nhiên, để ngành sản xuất thép nội địa thật sự hưởng lợi từ thị trường “sân nhà” không phải là điều dễ dàng khi mà “làn sóng” thép nhập khẩu giá rẻ, bán phá giá vẫn còn là mối lo nếu thiếu đi biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Như trong thượng tuần tháng 4/2025, Bộ Công Thương đã phải ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (áp dụng cao nhất là 37,13%) và Hàn Quốc (áp dụng cao nhất là 15,67%).

Liên quan việc áp thuế nêu trên, Cục PVTM (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cục Hải quan cho thấy tính đến hết tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454 nghìn tấn, tăng 91% so với cùng kỳ đến tháng 3 năm 2023. Và kể cả sau khi Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra việc này thì lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể.

Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Từ đó có thể thấy nếu không có biện pháp PVTM một cách kịp thời thì mảng thép nói riêng và ngành sản xuất nội địa nói chung sẽ càng gặp thiệt thòi ngay trên “sân nhà” trong khi việc XK vào thị trường chủ lực như Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn vào thời gian tới sau cú sốc thuế quan mới.

Không chỉ tình trạng bán phá giá, việc gian lận xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc) cũng là một mối đe dọa lớn với ngành sản xuất nội địa trước cú sốc thuế quan như hiện nay. Ngoài ra, những bất cập trong khâu chính sách đối với xuất xứ hàng hóa cũng dẫn đến thiếu ưu đãi với ngành sản xuất nội địa trong đầu tư công khi mà doanh nghiệp (DN) Việt quay về “sân nhà” thay vì chăm chăm XK sang Mỹ.

Như trong thượng tuần tháng 4/2025, nhân góp ý Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc ban hành các quy định về ghi nhãn “Made in Vietnam” hoặc tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa nội địa do tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều loại hình sản xuất, gia công, lắp ráp khác nhau.

Theo VCCI, thực tế cho thấy, cho đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, đầy đủ và có giá trị pháp lý cao về tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam.

Và mặc dù trong Dự thảo luật nêu trên bổ sung quy định về việc ưu đãi trong đấu thầu đối với sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam, tuy nhiên, như băn khoăn của VCCI, để áp dụng được cơ chế ưu đãi này trong thực tiễn, điều kiện tiên quyết là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để xác định như thế nào là “sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam”.

“Việc thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu, gây lúng túng cho bên mời thầu trong việc áp dụng ưu đãi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp và khiếu kiện từ phía nhà thầu”, phía VCCI nêu rõ.

Đến ưu tiên điều chỉnh chuỗi sản xuất

Rõ ràng, vấn đề nêu trên là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần suy ngẫm khi “tự ta làm khó ta” đằng sau cú sốc thuế quan từ Mỹ. Còn theo Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ, và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng trong trung hạn ngành sản xuất nội địa cần ưu tiên điều chỉnh chuỗi sản xuất. Điều quan trọng là tăng các khâu có giá trị gia tăng trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc, thường bị soi xét trong khâu kiểm tra xuất xứ từ hải quan Mỹ. Việc nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc và đầu tư vào công nghệ tuân thủ sẽ hỗ trợ cho nỗ lực này.

Ngoài ra, giới chuyên gia chỉ rõ để tránh cho ngành sản xuất nội địa rơi vào ngõ cụt sau cú sốc thuế quan thì con đường ở phía trước là thúc đẩy làn sóng đổi mới và nâng cao chất lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Sự chuyển mình này có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với thị trường toàn cầu trong tương lai.

Như chia sẻ của Ts. Scott McDonald, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế XK của Việt Nam trong thập kỷ tới, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị. Các DN sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ts. Scott McDonald cũng nói rằng tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng là một chiến lược then chốt cho ngành sản xuất nội địa ở Việt Nam. Hơn nữa, khi các nhà sản xuất nội địa ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm hệ thống kiểm soát chất lượng bằng trí tuệ nhân tạo và dây chuyền sản xuất tự động. Những khoản đầu tư này không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua tiết kiệm chi phí vận hành.

Chung quy, thời điểm này đang là “phép thử” lớn cho ngành sản xuất nội địa. Để không phải gánh chịu những thiệt thòi đang cần sự biến chuyển linh hoạt của khâu chính sách, chuỗi sản xuất cho đến khả năng chống chịu của các DN Việt.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-nganh-san-xuat-noi-dia-chiu-thiet-sau-cu-soc-thue-quan-1105955.html
Zalo