Thị trường hàng hóa: Giá cà phê kéo dài chuỗi tăng lịch sử, dầu thô tiếp đà suy yếu
Thị trường cà phê tiếp tục gây sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư khi chứng kiến chuỗi tăng giá dài nhất trong vòng khoảng 45 năm qua. Trong đó, giá cà phê tiếp đà bật tăng gần 4% lên 8.768 USD/tấn. Ở chiều ngược lại, giá 2 mặt hàng dầu thô cùng nhau suy yếu trong bối cảnh tồn kho tại Mỹ tăng.
Giá cà phê lập đỉnh mới, giá đường lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng
Theo MXV, tâm điểm của thị trường nguyên liệu công nghiệp trong phiên giao dịch ngày hôm qua là 2 mặt hàng cà phê khi cả 2 mặt hàng đều chinh phục mốc giá đáng nhớ. Đóng cửa phiên, giá cà phê Arabica tăng 3,76% lên mức cao kỷ lục trong lịch sử là 8.768 USD/tấn, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 11 liên tiếp; trong khi Robusta tăng nhẹ 1,53% lên 5.643 USD/tấn.
Theo MXV, đồng Real (Brazil) tăng giá trong phiên hôm qua, trong khi đồng USD đang rời xa mốc 108 điểm. Bên cạnh đó, những lo ngại về tình hình nguồn cung là hai nguyên nhân chính đẩy giá cà phê leo đỉnh trong phiên hôm qua.
Hôm qua, đồng Real đã chạm mức cao nhất so với đồng USD trong vòng hai tháng rưỡi. Diễn biến này đã khiến các nhà sản xuất Brazil hạn chế bán ra, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, hôm qua (5/2), tồn kho Arabica do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi với gần 850.000 bao, giảm hơn 14% so với mức cao nhất được ghi nhận vào ngày 6/1. Sự sụt giảm đáng kể trong lượng tồn kho phản ánh tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, khi nhu cầu tiêu thụ đang vượt xa nguồn cung sẵn có trên thị trường.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường cà phê toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại Colombia - nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, khi cả giá nội địa và xuất khẩu đều duy trì ở mức đỉnh lịch sử. Tương tự, các quốc gia Trung Mỹ và phần lớn các nước sản xuất cà phê chất lượng cao cũng báo cáo tình trạng tồn kho sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết đã phần nào hạn chế đà tăng của giá. Theo báo cáo mới nhất từ Somar Meteorologia, vùng trồng Arabica trọng điểm Minas Gerais ghi nhận lượng mưa đạt 119mm trong tuần trước, vượt 203% so với trung bình lịch sử. Diễn biến này giúp giảm bớt những lo ngại về tác động của hạn hán đối với sản lượng tương lai tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Trên thị trường đường, giá đường kỳ hạn số 11 đã tăng 0,51% lên 435 USD/tấn, thiết lập mức cao nhất trong hơn một tháng. Động lực tăng giá chủ yếu đến từ những lo ngại về sản lượng tại Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo báo cáo từ Centrum, sản lượng đường của Ấn Độ trong giai đoạn từ 1/10 đến 31/1 chỉ đạt 16,5 triệu tấn, giảm mạnh 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thúc đẩy hoạt động mua vào của các nhà đầu tư.
Giá dầu tiếp tục suy yếu
MXV cho biết lực bán chiếm áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô giảm hơn 2% trong bối cảnh tồn kho xăng dầu tăng mạnh và cuộc trả đũa thương mại giữa Mỹ - Trung làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và tiêu thụ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 1,59 USD (2,09%), xuống còn 74,61 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giảm 1,67 USD (2,3%), xuống còn 71,03 USD/thùng.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 31/1, tồn kho dầu của Mỹ đã tăng mạnh 8,7 triệu thùng, khi các nhà máy lọc dầu phải đối mặt với nhu cầu xăng yếu và đang trong quá trình bảo dưỡng. Trong khi tồn kho xăng tăng 2,2 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 5,5 triệu thùng.
Thêm vào đó, mối lo ngại về cuộc xung đột thương mại mới giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá dầu. Vào thứ Ba (4/2), khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vào ngày 10/2 cũng như mức thuế bổ sung 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số phương tiện. Thông tin này đã ngay lập tức khiến giá dầu WTI trong phiên giảm tới 3%, thấp nhất từ cuối tháng 12/2024. Nguyên nhân bởi việc Trung Quốc áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu đối với những mặt hàng này, và nhu cầu này cần được chuyển hướng sang một thị trường khác.
Một diễn biến khác, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã kêu gọi các thành viên OPEC đoàn kết chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" đối với Iran mà ông đã ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nếu các lệnh trừng phạt này được áp dụng trở lại, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể duy trì đà tăng giá dầu, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà sản xuất OPEC+ điều chỉnh nguồn cung chậm hơn dự kiến.
Theo EIA, xuất khẩu dầu của Iran đạt doanh thu 53 tỷ USD trong năm 2023, và con số này ở năm 2022 là 54 tỷ. Còn năm 2024, tuy chưa có thông tin chính thức, nhưng phía EIA dự báo sản lượng xuất khẩu đạt cao nhất từ năm 2018./.