Số lượng doanh nghiệp 'phá sản' tăng đột biến trong tháng 1/2025

Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường trong tháng 1/2025 gấp 1,75 lần so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đang gia tăng đột biến.

Số lượng doanh nghiệp "phá sản" tăng đột biến trong tháng 1/2025

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 1/2025, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng trước, nhưng giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 22.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,6 lần so với tháng 12/2024 và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2025 lên hơn 33.400 doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 1/2025, cả nước có tổng cộng 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

 Số lượng doanh nghiệp 'phá sản' tăng đột biến trong tháng 1/2025. (Ảnh: ST)

Số lượng doanh nghiệp 'phá sản' tăng đột biến trong tháng 1/2025. (Ảnh: ST)

Trong đó, 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, gần 3.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 55,2%. Có 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 8,3%.

Như vậy, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường gấp 1,75 lần so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đang gia tăng đột biến.

Trong một khảo sát của GSO công bố vào năm 2024 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp, khó khăn do sự cạnh tranh của hàng trong nước cao. Đây là những là rào cản không nhỏ ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn khi lãi suất vay vốn vẫn còn ở mức cao so với năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc các yếu tố đầu vào cho sản xuất, áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân là giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, dịch vụ và các chi phí kho, bãi tăng cao.

Mong muốn giảm lãi vay

Cũng theo khảo sát của GSO, một trong những điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn lớn nhất hiện nay, đó là trông chờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là những giải pháp giảm gánh nặng chi phí đầu vào đang tăng cao, cụ thể là giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù vậy, một số quan điểm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, việc tiếp tục giảm lãi suất đang là thách thức.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng: Dư địa tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ phát triển triển kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn so với kỳ vọng bởi Mỹ sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Do đó chúng ta sẽ khó để giảm mạnh lãi suất trong thời gian tới

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chính sách tiền tệ của chúng ta sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2025 tương tự như những năm trước.

“Việt Nam là một nền kinh tế mở và nhỏ, do đó bất kỳ một thay đổi chính sách nào của các nước lớn và thế giới cũng sẽ ảnh hưởng khá nhanh và mạnh đến chúng ta”, ông Huân nói.

Việc FED phát đi tín hiệu sẽ chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm tới nhiều khả năng sẽ làm đồng USD Mỹ tiếp tục mạnh lên và dòng vốn tiếp tục chảy về Mỹ để hưởng lãi suất cao cũng như hưởng các ưu đãi từ việc bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước từ chính quyền mới. Việc này sẽ làm Việt Nam không có nhiều dư địa để giảm lãi suất như kỳ vọng trước đây.

“Bởi việc giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ và điều này sẽ gây áp lực về tỷ giá tương đối lớn. Năm 2023 và 2024 là một minh chứng rõ ràng về vấn đề này”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Ông Huân cho rằng, hiện nay lãi suất của Việt Nam cũng tương đối là thấp so với các thời kỳ trước, do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-luong-doanh-nghiep-pha-san-tang-dot-bien-trong-thang-1-2025-post333280.html
Zalo