Thị trường giao dịch chậm lại trước kỳ nghỉ lễ dài
Thị trường kết thúc tháng 4 đầy biến động với tâm điểm gói gọn trong hai chữ 'thuế quan', lấy đi của VN-Index hơn 80 điểm với những phiên 'lịch sử' được thiết lập đáng nhớ như phiên lao dốc ngày 03/4, hay phiên 10/4 có diễn biến ngược lại với mức tăng 6,77%.

Giao dịch trên thị trường tiếp tục chậm lại trong phiên chiều khi hầu hết các nhóm ngành không biến động về giá quá nhiều.
Mặc dù vậy, với sắc xanh dần mở rộng và bảng điện tử cân bằng hơn về cuối phiên đã giúp VN-Index trồi lên vùng tham chiếu và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa. Tâm lý thận trọng thường xảy ra trước kỳ nghỉ lễ dài, các nhà đầu tư cần phải tính toán từ lãi vay margin tới các biến động từ thị trường quốc tế có thể xảy ra.
Chốt phiên, sàn HOSE có 226 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index giảm 0,5 điểm (-0,04%), xuống 1.226,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 675,9 triệu đơn vị, giá trị 15.534,2 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 114,2 triệu đơn vị, giá trị 3.394,7 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường đã trải qua tháng 4 giông bão, với tâm điểm vào những ngày đầu tiên, khi Mỹ tuyên bố áp thuế quan có đi có lại ở mức rất cao đối với nhiều nước, thậm chí trong số đó không ít là đồng minh thân cận.ư
Đối với Việt Nam, mức thuế đối ứng 46% đã gây sốc và hệ lụy đã đến rất nhanh đối với thị trường chứng khoán, khi chứng kiến những phiên lao dốc mạnh, trong đó, phiên ngày 3/4 ghi nhận mức giảm gần kịch sàn -6,7% với VN-Index.
Thị trường sau đó tiếp tục gặp khó và rơi về mức 1.095 điểm, tương đương mất 211 điểm so với cuối tháng 3 mới cho tín hiệu hồi phục, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng giật cục, biến động với biên độ lớn trong nhiều phiên sau đó. Trong đó, phiên 10/4 cũng là một phiên lịch sử khi VN-Index tăng 6,77%.
Kết thúc tháng 4 này, chỉ số VN-Index đã giảm 81 điểm, tương đương -6,2% từ ngưỡng gần 1.307 điểm xuống 1.226 điểm.
Trở lại với phiên hôm nay, các bluechip đáng kể nhất là hai cái tên SAB và VJC khi nới đà giảm. Trong đó, SAB -6,1% xuống 49.100 đồng và VJC -3,5% xuống 86.000 đồng.
Các mã giảm khác chỉ giảm nhẹ, như VCB, SSI, HPG, MBB, SHB, SSB, BCM chỉ giảm 0,4% đến hơn 1,2%.
Cổ phiếu VIC có lúc cũng đã giảm mạnh hơn 6%, nhưng kết phiên đã về được tham chiếu tại 68.000 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu SHB khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại với hơn 53 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với những cái tên riêng lẻ như TDH, TCO, DC4, DCL và VSC đã chạm mức giá trần khi đóng cửa, với VSC phiên này khớp được hơn 11,8 triệu đơn vị.
Những cái tên khác ghi nhận mức tăng tốt hầu hết là các mã bất động sản, xây dựng, xuất khẩu như HQC, DXS, LDG, TTA, DRH, MSH, YEG, VHS, VOS, DXG, GMD, HAH, FIR, TDC, với mức tăng 3% đến hơn 6%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp bật tăng khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, nhưng cũng đã hạ nhiệt về cuối ngày khi dòng tiền chậm lại.
Chốt phiên, sàn HNX có 77 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,23%), lên 221,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,7 triệu đơn vị, giá trị 708,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,4 triệu đơn vị, giá trị 57,3 tỷ đồng.
Bảng điện tử vẫn phân hóa mạnh, với IDC, CEO, PVS MBS, NRC vẫn giảm, dù mức giảm chỉ ở mức thấp. Trong khi đó, AAV, VFS, NAG nhích lên, cùng MBG tăng trần lên 3.100 đồng.
Các cổ phiếu SHS, VTZ, TNG, VC3, IDJ đứng tham chiếu, với SHS phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 5,7 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,19%), lên 92,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,7 triệu đơn vị, giá trị 384,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,02 triệu đơn vị, giá trị 55,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất vẫn duy trì mức độ phân hóa cao, với HNG, DDV tăng điểm, trong khi AAH, SBS MSR, VAB giảm và BCR, BVB đứng tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2505 giảm 5,8 điểm, tương đương -0,44% xuống 1.306,2 điểm, khớp lệnh hơn 118.100 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, dù hai cổ phiếu thanh khoản cao nhất là CHPG2508 đứng tham chiếu tại 1.360 đồng/cq, khớp 1,65 triệu đơn vị và CTCB2502 tăng 11,3% lên 1.370 đồng/cq, khớp 1,35 triệu đơn vị.