Thị trường F&B Việt Nam trước sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc

Hiện có 4000 thương hiệu Trung Quốc đã nhượng quyền thành công ra thị trường quốc tế và trong vòng một thập kỷ tới họ mong muốn có từ 500.000 thương hiệu sẽ tiến ra thế giới, và rất nhiều thương hiệu có mức phí nhượng quyền là 0 đồng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu của iPOS.vn, năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần. Cũng theo báo cáo của nghiên cứu này, số lượng nhà hàng/café tại Việt Nam năm 2023 đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó.

Trong một báo cáo khác vào đầu năm 2023, Momentum Works cho biết, cơn sốt trà sữa đã tạo ra một thị trường gần 3,7 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị trường Việt Nam đứng thứ ba với quy mô hơn 360 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, theo một kết quả nghiên cứu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International vào năm 2016, mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người tại Việt Nam chỉ hơn 2kg/ người/ năm (mức tiêu thụ của thế giới là 3kg/ người /năm cùng thời điểm). Báo cáo này cũng chỉ ra, 65% dân số ở nông thôn có mức tiêu thụ bánh kẹo còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Đã gần một thập kỷ đã qua đi, mức tiêu thụ bánh kẹo của Việt Nam vẫn chưa tăng lên nhiều dù dân số của chúng ta trẻ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được cho là một trong những thị trường bánh kẹo có tiềm năng nhất khu vực Châu Á, với doanh thu ước đạt 8,5 tỷ USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,17%.

Với đà tăng trưởng này của thị trường F&B, ngành nguyên liệu bánh Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, miếng bánh sẽ có thể bị chia lại khi các doanh nghiệp của Trung Quốc “đổ bộ” trong thời gian tới.

Ông Vũ Trung Hiệp, Phó Chủ tịch điều hành Cộng đồng Marketing và Truyền thông Việt Nam (VMCC), cho rằng đã có không ít doanh nghiệp Việt giương cao ngọn cờ “Tự hào Việt Nam” và nhiều chương trình kêu gọi ủng hộ hàng Việt Nam nhưng cuối cùng thì thị trường mới là người quyết định cuộc chơi.

Bà Vũ Thị Hoài Sơn - CEO của Nhất Hương Group bày tỏ lo lắng cho tương lai của ngành bánh ngọt nói riêng và ngành F&B nói chung. "Cứ nhìn sang ngành trà sữa hay café thì sẽ thấy thị trường của Việt Nam ngày một bị cạnh tranh khốc liệt bởi những người hàng xóm có trình độ quản lý và tài chính vững mạnh, lại được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ khi xuất khẩu thực phẩm. Với ngành sữa và thực phẩm xuất khẩu, chính phủ Trung Quốc hiện đang trợ giá xuất khẩu rất lớn. Trong một hội thảo chúng tôi được biết hiện có 4000 thương hiệu Trung Quốc đã nhượng quyền thành công ra thị trường quốc tế và trong vòng một thập kỷ tới họ mong muốn có từ 500.000 thương hiệu sẽ tiến ra thế giới, và rất nhiều thương hiệu có mức phí nhượng quyền là 0 đồng", bà Hương nói.

Ông Nguyễn Đức Sơn - Sáng lập và CEO Interloka, nhấn mạnh: Chúng ta nói tự hào Việt Nam rất dễ. Nhưng khi đi vào thực tế cạnh tranh, ai chứng minh được mình xứng đáng và được khách hàng ủng hộ, lựa chọn mới quan trọng. Theo ông Sơn, thường để nói tự hào về cái gì đó người ta phải đảm bảo được các yếu tố sau: Quy mô thị phần đủ lớn để tạo ra được sự tác động đối với thị trường; Sứ mệnh và lý tưởng kinh doanh vượt ra khỏi phạm vi chỉ thu lợi nhuận cho công ty; Có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho ngành và cộng đồng.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-fb-viet-nam-truoc-suc-ep-canh-tranh-tu-trung-quoc.htm
Zalo