Bắc Ninh: Tham vấn chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững
Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tham vấn lấy ý kiến về việc ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần vào việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sự phát triển của ngành chưa thực sự bền vững và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp.
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà đã tham mưu ban hành 2 chính sách mới mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bao gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn hai huyện Gia Bình và Lương Tài đến năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến quý báu, đồng thời yêu cầu rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý và các căn cứ ban hành chính sách để đảm bảo tính hợp pháp và khả thi.
Về quy hoạch, các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng rà soát các quy hoạch mới trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Về môi trường, cần bổ sung các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị cải cách thủ tục hành chính trong quản lý Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị bổ sung hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị kinh doanh các sản phẩm OCOP, giúp các đơn vị này mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng khẳng định, việc ban hành chính sách mới sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nông sản. Đề nghị Ban Kinh tế - Ngân sách phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng nghiên cứu các văn bản pháp luật mới được ban hành để bổ sung, hoàn thiện nội dung nghị quyết. Bên cạnh đó, cần rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và mức hỗ trợ cụ thể để ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh thêm, việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện chính sách, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Sau khi chính sách được ban hành, các Sở, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách đến người dân và doanh nghiệp, đồng thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả, đúng quy định.