Thị trường đồ chơi 1/6: Sản phẩm thương hiệu, đủ thông tin xuất xứ được ưa chuộng

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hàng năm là thời điểm cao điểm của ngành hàng đồ chơi, khi nhu cầu tiêu dùng tăng, đặc biệt trong phân khúc quà tặng trẻ em. Tuy nhiên, thị trường đồ chơi năm nay chứng kiến một sự chuyển mình rõ rệt.

Ảnh minh họa: TB

Ảnh minh họa: TB

Hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gần như biến mất khỏi các kênh phân phối công khai. Thay vào đó, các sản phẩm có thương hiệu, được kiểm định và công bố đầy đủ thông tin xuất xứ đang chiếm lĩnh thị trường.

Thống kê không chính thức từ một số đơn vị phân phối lớn tại Hà Nội cho thấy, năm nay sức mua đồ chơi không giảm so với các năm trước, nhưng thị trường đã “thay da đổi thịt”. Sự vắng bóng của các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, vốn từng chiếm tỉ trọng lớn ở các chợ truyền thống và sàn thương mại điện tử, đã mang lại sự an tâm đáng kể cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Phương Loan, quản lý ngành hàng đồ chơi tại hệ thống nhà sách lớn ở Hà Nội nhận định: “Nếu như trước đây, thị trường dịp 1/6 là sự hỗn loạn về chủng loại và nguồn gốc hàng hóa, thì năm nay là một bước chuyển đổi sang bình ổn, chọn lọc. Doanh nghiệp không còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, trong khi người tiêu dùng lại được tiếp cận sản phẩm chính hãng, an toàn.”

Theo bà Loan, sự chuyển biến tích cực này là kết quả của chuỗi biện pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm và kiểm soát nghiêm ngặt các kênh phân phối, đặc biệt trên nền tảng số.

“Sức mua trong mùa 1/6 năm nay dường như không suy giảm, thậm chí, tại các cửa hàng trong hệ thống của chúng tôi, doanh thu ghi nhận mức tăng từ 10–15% so với cùng kỳ năm ngoái,” ông Bùi Văn Cường, đại diện đơn vị kinh doanh đồ chơi tại một siêu thị lớn trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết.

Theo ông Cường, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu, mức tăng này phần nào phản ánh tác động tích cực từ việc thị trường bị thu hẹp một cách có chọn lọc. Tổng thể chủng loại, mẫu mã đã sụt giảm do hàng hóa kém chất lượng bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chính sự sàng lọc này lại tạo điều kiện để các kênh phân phối chính ngạch thu hút người tiêu dùng, nhờ cung cấp sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và độ an toàn cao.

Ông Vũ Công Anh, một phụ huynh tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tôi thấy các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em không còn nhiều lựa chọn như trước, nhưng bù lại các sản phẩm đều có chứng nhận an toàn, nguồn gốc rõ ràng. Đó là điều quan trọng nhất khi chọn đồ cho trẻ.”

Chị Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy năm nay mẫu mã đồ chơi ít hơn hẳn so với mọi năm nhưng tôi lại cảm thấy yên tâm vì biết rõ mình đang mua gì. Mua món quà cho con mà không lo về chất lượng hay xuất xứ, chi tiền để mua niềm vui cho con và sự an tâm cho bố mẹ thì dù đắt hơn tôi vẫn thấy hài lòng."

Tâm lý của anh Công Anh, chị Hà phần nào đã phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện nay: người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng, tính giáo dục và an toàn, thay vì mua nhiều sản phẩm giá rẻ nhưng tiềm ẩn rủi ro.

Việc siết chặt kiểm soát hàng giả, hàng nhái không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn tạo “dư địa” mới cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Những thương hiệu nội địa định vị rõ ràng về chất lượng như hay các doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm STEM, đồ chơi tư duy... đang dần củng cố được vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Anh, đại diện một công ty chuyên phân phối đồ chơi giáo dục tại Hà Nội, chia sẻ: “Trước đây, việc đầu tư vào phát triển sản phẩm mới gặp nhiều rủi ro vì hàng nhái tràn lan. Nhưng năm nay, chúng tôi nhận thấy thị trường đã có sự phân hóa rõ rệt, người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm có giá trị thực. Đây chính là dấu hiệu của một thị trường trưởng thành và có khả năng phát triển bền vững. Đây cũng là động lực để chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu các dòng đồ chơi giáo dục theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Chuyên gia kinh tế Trần Phương, Viện Kinh tế chiến lược LSE cũng nhận định: “Với quy mô dân số trẻ lớn, khoảng 24 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, thị trường đồ chơi tại Việt Nam là một phân khúc tiềm năng lớn. Việc cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả hàng giả, hàng nhái sẽ góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp nội địa. Nếu khai thác tốt xu hướng chơi mà học, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể vươn lên làm chủ thị trường nội địa.”

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Cường, điều tích cực nhất trong mùa đồ chơi năm nay không nằm ở sự sôi động của thị trường mà ở niềm tin của người tiêu dùng: “Chúng tôi ghi nhận người mua không còn hỏi ‘có rẻ không’ mà hỏi ‘có an toàn không’. Thị trường đang hướng đến chất lượng thay vì số lượng.”

“Sự chuyển mình của thị trường đồ chơi 1/6/2025 - từ hỗn loạn đến trật tự, từ trôi nổi sang minh bạch - không chỉ là thành quả của quản lý Nhà nước mà còn là minh chứng cho xu hướng tiêu dùng văn minh, có chọn lọc. Đây chính là tiền đề để ngành sản xuất và phân phối đồ chơi trong nước chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững, lấy chất lượng làm trọng tâm và nhu cầu giáo dục làm định hướng”, ông Trần Phương nhận định.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-do-choi-1-6-san-pham-thuong-hieu-du-thong-tin-xuat-xu-duoc-ua-chuong-10306804.html
Zalo