Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn về mặt định giá
Theo phân tích tổng thể về diễn biến thị trường chứng khoán trong nước của các chuyên gia, khi so sánh chỉ số P/E của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực có quy mô và đặc điểm tương đồng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nổi bật với mức định giá hấp dẫn, mở ra cơ hội đầu tư đầy triển vọng.
Năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua không ít khó khăn và thách thức. Thị trường đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các biến động kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát và sự rút lui tạm thời của dòng vốn ngoại.
Tuy nhiên, giữa những thử thách đó, TTCK Việt Nam vẫn tỏa sáng như một điểm sáng đầy hứa hẹn. Những yếu tố tích cực từ nền kinh tế trong nước được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính, thúc đẩy thị trường hồi phục mạnh mẽ trong năm 2025 và mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp trong phục hồi
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), nhìn tổng quan về diễn biến thị trường, mặc dù TTCK ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 12% trong năm nay, nhưng nếu tính theo đồng USD, mức tăng trưởng thực tế chỉ khoảng 6% do đồng Việt Nam mất giá khoảng 5% so với USD. Dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều thách thức, song vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực và đã vượt qua nhiều khó khăn.
Dự báo, Việt Nam sẽ cán đích năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 7%, trong khi lạm phát được kiểm soát ổn định nhờ chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ. Đặc biệt, nền kinh tế trong nước đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi ngành công nghiệp sản xuất, với hoạt động xuất khẩu tăng trưởng ổn định và sự gia tăng FDI, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số yếu tố cần cải thiện để đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới. Đơn cử như tiêu dùng trong nước hiện đang gặp khó khăn. Tình hình tiêu dùng không đạt kỳ vọng, dù đã được dự đoán khá lạc quan vào đầu năm. Tăng trưởng tiêu dùng trong năm nay chỉ dưới 10%, thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia và kỳ vọng chung của thị trường. Đặc biệt, tiêu dùng trong nước chưa thực sự cải thiện dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang giúp hỗ trợ đáng kể.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với áp lực tỷ giá trong năm 2024. Không chỉ đồng Việt Nam, mà các thị trường khác cũng chứng kiến dòng vốn rút mạnh, gây áp lực lên tỷ giá.
Dù cho việc khối ngoại liên tiếp bán ròng, cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là FPT và DGC, vẫn thu hút mạnh mẽ, với mức tăng trưởng khoảng 70% so với đầu năm, trở thành nhóm tăng trưởng tốt nhất năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 5% so với đầu năm, điều này buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các chính sách linh hoạt để ổn định tỷ giá, điển hình là việc can thiệp bán ngoại tệ trong tháng 12 vừa qua. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất linh hoạt, với hai lần tăng và ba lần giảm trong năm 2024 để ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng.
Một điểm tích cực là lãi suất huy động trong nước hiện nay ở mức thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp có được các khoản vay với lãi suất hợp lý, điều này rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn chứng kiến sự ổn định nhất định trên TTCK. Điều này thể hiện ở việc VN-Index đã thất bại 6 lần khi tiệm cận mốc 1.300 điểm nhưng vẫn tạo ra những hy vọng về tương lai.
Hơn thế nữa, mặc dù TTCK có những biến động mạnh và thanh khoản giảm khoảng 30% so với năm 2023, cùng với việc khối ngoại bán ròng lên đến 100.000 tỷ đồng, tạo tâm lý không mấy lạc quan cho nhà đầu tư trong nước, thị trường vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Đơn cử như lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 15%, trong khi GDP tăng trưởng 7%.
VN-Index có thể chạm mốc 1.400 điểm
Về triển vọng của VN-Index trong năm 2025, theo đại diện PHS, nhìn vào tình hình thị trường hiện tại, các chỉ số định giá đang ở mức khá hấp dẫn. Cụ thể, P/E của VN-Index hiện nay chỉ ở mức 13,3 lần, trong khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận EPS của toàn thị trường năm 2024 sẽ dao động từ 17-18% và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong năm 2025.
P/E của thị trường trong 3 tháng gần nhất. Nguồn: FiinTrade.
Trong kịch bản cơ sở, P/E của VN-Index có thể giảm xuống mức khoảng 11 lần, tạo ra cơ hội rất hấp dẫn cho việc thu hút dòng vốn ngoại quay lại thị trường, với mục tiêu đẩy thị trường lên khoảng 1.400 điểm. Những kịch bản tích cực và tiêu cực có thể đưa chỉ số lên hoặc xuống trong khoảng từ 1.000 đến 1.500 điểm.
Đại diện PHS tin rằng, triển vọng của thị trường trong năm 2025 vẫn rất lạc quan. Không chỉ trong bối cảnh lịch sử, mà nếu so sánh P/E của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực có quy mô và đặc điểm tương tự, thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn về mặt định giá.
Một yếu tố nữa không thể bỏ qua trong năm 2025 là khả năng nâng hạng thị trường. Đây là một kỳ vọng mà nhà đầu tư đã chờ đợi từ lâu và hy vọng rằng trong năm tới, Việt Nam sẽ thực sự được FTSE nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, thay vì vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên như hiện nay. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng, giúp TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.