Thị trường chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm, dòng tiền thận trọng hơn

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (9/12 - 13/12) không tích cực. Trái với tuần giao dịch bùng nổ đầu tháng 12, thị trường diễn biến tương đối ảm đạm trong tuần qua với xu hướng đi ngang là chủ đạo. Chỉ số VN-Index kết tuần ở mức gần thấp nhất tuần với mức thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy lực cầu suy yếu.

Áp lực bán có xu hướng tăng dần về cuối tuần

Thị trường chứng khoán trong nước tuần (9/12 - 13/12) giảm điểm trở lại sau 3 tuần liên tiếp tăng điểm. Sau phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ, chỉ số có 4 phiên giảm điểm liên tiếp sau đó với áp lực bán có xu hướng tăng dần.

Phiên giao dịch cuối tuần cũng chứng kiến thị trường sụt giảm mạnh nhất, sắc đỏ lan tỏa ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thanh khoản khớp lệnh cũng có xu hướng sụt giảm theo đà trượt giá thị trường và rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng trong phiên cuối tuần.

Đóng cửa tuần giao dịch từ 09/12-13/12, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,262.57 điểm -4,78 điểm (-0,38%), bảo vệ thành công phòng tuyến hỗ trợ 1.260 điểm tương đương vùng MA200.

Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (-3,65%), phân bón (-2,16%), bất động sản dân cư (-1,70%), xây dựng (-1,68%)... Ở chiều ngược lại một số nhóm ngành ngược dòng thành công và duy trì đà tăng gồm có: Nhựa (+1,97%), bảo hiểm (+1,74%), cảng biển (+1,03%)...

Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -1,93%, xuống 227 điểm và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -0,29% về mức 92,54 điểm.

Độ rộng thị trường nghiên về điều chỉnh, phân hóa mạnh, đa số đều chịu áp lực điều chỉnh, ngoại trừ nhóm bảo hiểm vẫn khá nổi bật, dược phẩm và y tế, săm lốp, một số mã riêng lẽ trong nhóm dầu khí. Sắc đỏ dần chiếm ưu thế trong tuần qua với 13/21 nhóm ngành điều chỉnh.

Thanh khoản khớp lệnh thị trường suy yếu, sụt giảm -13,4% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 579 triệu cổ phiếu (-7,84%), tương đương 14.266 tỷ đồng (-11%) về giá trị giao dịch.

Tính trên 3 sàn, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 16.072 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên ở mức 12.865 tỷ đồng, giảm -14,7% so với tuần trước và -6,5% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Trên đồ thị kỹ thuật, nhìn theo khung tuần, tỷ trọng dòng tiền tăng trở lại ở nhóm vốn hóa lớn VN30 và nhỏ trong khi giảm ở nhóm vốn hóa vừa. Trong tuần, dòng tiền tiếp tục tập trung ở nhóm vốn hóa lớn VN30 với tỷ trọng đạt 45%, tăng nhẹ so với mức đáy 6 tháng (44,5%) thiết lập trong tuần trước đó. Nhóm vốn hóa nhỏ ghi nhận tỷ trọng dòng tiền tăng mạnh, đạt 12,1% cao nhất kể từ giữa tháng 7/2024. Với nhóm vốn hóa vừa, tỷ trọng dòng tiền giảm mạnh, từ 42% về 39,7%.

Khối ngoại có một tuần bán ròng trọn vẹn 5 phiên liên tiếp với giá trị giao dịch đạt -1.131 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-296 tỷ đồng), MWG (-229 tỷ đồng), VRE (-190 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, nhóm nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ trọng một số mã như: TCB (+214 tỷ đồng), HDB (+179 tỷ đồng), HDG (+166 tỷ đồng)...

Dòng tiền đang có sự phân hóa rõ nét

Công ty Chứng kiến thiết Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì quan điểm nắm giữ danh mục hiện tại và tạm thời ưu tiên vị thế quan sát sau khi đã mở thêm vị thế mua mới cũng như gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trong phiên giảm điểm cuối tuần. Không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có phiên nhúng giảm điểm về thấp hơn mốc 1.260 điểm trong phiên đầu tuần tới, nhưng cần kiên nhẫn ưu tiên vị thế nắm giữ.

Công ty cổ phần Chứng khoán SHS nhận định, xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn tăng trưởng trên hỗ trợ quanh 1.260 điểm tương ứng giá trung bình 200 phiên, đang gặp vùng kháng cự 1.280 điểm -1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh, vùng đỉnh các tháng 03-07/2024 và 9-10/2024 từ đầu năm đến nay.

Để có thể vượt lên vùng kháng cự rất mạnh này, thị trường cần động lực, hỗ trợ mạnh từ yếu tố cơ bản, triển vọng tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.

Thị trường chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm, dòng tiền thận trọng hơn. Ảnh: T.L

Thị trường chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index giảm điểm, dòng tiền thận trọng hơn. Ảnh: T.L

Theo các chuyên gia của SHS, hiện tại chất lượng nội tại thị trường vẫn cải thiện sau thời gian tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá hợp lý, mở ra nhiều cơ hội tốt. Trên nền vốn hóa toàn thị trường khoảng 296 tỉ USD vẫn tương đối hấp dẫn so với quy mô nền kinh tế, với tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5-7%.

Thị trường cũng đang vào giai đoạn chốt giá trị tài sản thuần năm 2024 của các nhà đầu tư. Đây là giai đoạn tích lũy phù hợp, trước khi chờ các động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quí IV/2024 và triển vọng năm 2025. Do đó, kỳ vọng thị trường sẽ vượt lên xu hướng tích lũy kéo dài từ đầu năm đến nay.

Khối phân tích Chứng khoán VNdirect Research dự báo VN-Index đóng cửa năm 2024 tại 1.250 - 1.270 điểm. VNDirect Research tin rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới, qua đó làm hạ nhiệt chỉ số DXY, giảm áp lực lên tỷ giá VND và tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thể tập trung hơn vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng. Những yếu tố này có thể tác động tích cực tới thanh khoản thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế và bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết đã có sự cải thiện, nhưng những điều tích cực này chưa được phản ánh đầy đủ vào định giá thị trường, do mức bán ròng kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là áp lực tỉ giá và căng thẳng thanh khoản lớn hơn trong những tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm 2023.

VNdirect Research đưa ra khuyến nghị, với mức định giá hiện tại và bối cảnh kinh tế vĩ mô, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư dài hạn chủ động phân bổ vốn và tích lũy cổ phiếu nhằm xây dựng danh mục cho năm 2025. Tuy vậy, thị trường vẫn chưa xác lập được xu hướng tăng vững chắc, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức có thể gây phản tác dụng và gia tăng rủi ro. Các nhà đầu tư được khuyến nghị áp dụng chiến lược phân bổ vốn thận trọng.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-qua-ap-luc-ban-gia-tang-khien-chi-so-vn-index-giam-diem-dong-tien-than-trong-hon-166417.html
Zalo