Big 4 ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024
Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank khá tốt, dao động từ 11-15%. Đặc biệt, nợ xấu của các ngân hàng được duy trì ở mức thấp.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 tổ chức sáng nay (14/12), ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, dự kiến kết thúc năm 2024, BIDV sẽ có quy mô tổng tài sản vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho biết đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN và đại hội đồng cổ đông giao. Dự kiến đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 13% đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%...
Trong nhóm big 4, VietinBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến ngày 10/12 tăng 14,8%); nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Năm 2024 cũng là năm đạt kết quả cao nhất của Agribank sau 4 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, dự kiến đến hết năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng tăng 7,9% so với năm 2023; nguồn vốn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%.
Tại Hội nghị ngành ngân hàng sáng nay, lãnh đạo các ngân hàng big 4 cũng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch HĐQT VietinBank kiến nghị NHNN nghiên cứu cơ chế cho phép các ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro công nghệ thông tin. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời với các sự cố tấn công mạng và đảm bảo quyền lợi tài chính cho khách hàng khi xảy ra tổn thất; hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, các chương trình trao đổi, hợp tác về nhân sự trong lĩnh vực chuyển đổi số tầm thế giới và khu vực; tích cực xúc tiến quá trình phê duyệt cơ chế sandbox, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có môi trường phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới an toàn, hiệu quả.
Theo ông Trần Minh Bình, cùng với chuyển đổi số, rủi ro kèm theo của các giao dịch ngân hàng là rất lớn, nguy cơ hệ thống ngân hàng bị tấn công nhiều hơn, có thể gây hậu quả lớn với tổ chức tín dụng. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa có cơ chế bảo hiểm về thiệt hại về tài chính nếu các ngân hàng thương mại rơi vào hoàn cảnh này.
Lãnh đạo Vietcombank, Agribank lại kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại hàng năm.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, để dư nợ tăng thêm mỗi năm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần được bổ sung vốn điều lệ 15.000 -17.000 tỷ đồng. Do đó, Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.
Đối với hoạt động cấp tín dụng xannh, Chủ tịch BIDV kiến nghị, cần có chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả; Chính phủ cần sớm ban hành quy định về phân loại và phát hiện dự án xanh, trong đó cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; cần có cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn vốn nhà nước và tư nhân như miễn giảm thuế, phí…