Thị trường chứng khoán sẽ có nhiều hàng tốt trong năm 2025?

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết cổ phiếu từ 90 ngày xuống còn 30 ngày được kỳ vọng sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư và có thể trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhiều hơn.

Giai đoạn buồn với thị trường chứng khoán

Một trong những nét thiếu tích cực trong bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 là sự ảm đạm trong hoạt động niêm yết và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Cụ thể, trong hơn 10 tháng đầu năm 2024, chỉ một doanh nghiệp thực hiện IPO là Công ty chứng khoán chứng khoán DNSE (mã chứng khoán: DSE), theo thống kê từ Deloitte.

Không chỉ các đợt IPO, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng kém sôi động, chỉ có bốn thương vụ diễn ra từ đầu năm 2024 tới nay tại Tập đoàn Vinacontrol, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Công ty chứng khoán TPHCM, Công ty Sorbitol Pháp – Việt (Sofavi). Tuy nhiên, phân nửa số thương vụ trong số này không đạt kết quả như kỳ vọng.

Xen giữa các phiên đấu giá này và cả giai đoạn sau đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhiều lần thông báo đấu giá cổ phần tại một số đơn vị nhưng đa phần bất thành do không đủ số lượng nhà đầu tư đăng ký.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ một doanh nghiệp thực hiện IPO tại thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh minh họa: T.L

Trong 10 tháng đầu năm 2024, chỉ một doanh nghiệp thực hiện IPO tại thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh minh họa: T.L

Thừa nhận nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước rất muốn tham gia mua cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc SCIC đánh giá, việc này không dễ.

“Họ rất muốn mua lại phần của Nhà nước, phía Nhà nước cũng muốn bán để tăng cung hàng. Thế nhưng, cách bán hiện nay khó thu hút, do phải thực hiện quy định về đấu giá và công bố thông tin về giao dịch chuyển nhượng vốn tới các nhà đầu tư tối thiểu là 20 ngày trước ngày chuyển nhượng vốn”, ông Tuấn giải thích.

Cũng theo ông Tuấn, SCIC từng tiếp cận một số quỹ đầu tư tới từ các quốc gia vùng Vịnh, quan điểm của những quỹ này là trước khi mua cổ phần, phải khảo sát sâu về tình hình doanh nghiệp, có những trao đổi trực tiếp và đàm phán giá mua theo hình thức thỏa thuận. Đồng thời, hai bên cũng sẽ ký các thỏa thuận cổ đông trước khi tiến hành mua, bán doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro sau khi tiếp quản.

Tuy nhiên, quy định của Việt Nam hiện thiên về đấu giá, với bản công bố thông tin có rất nhiều thông tin yêu cầu nhưng những thông tin thực chất nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lại chưa được công bố đầy đủ.

Với các đơn vị có nhiều cơ hội bán vốn, vị này cũng thừa nhận khó khăn khi phải đề nghị doanh nghiệp sắp xếp lại tài sản là đất đai, do họ hiện sở hũu, quản lý đất tại 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó là hạn chế về tỷ lệ sở hữu tối đa với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).

“SCIC phải làm việc với cả 63 tỉnh, nếu thực hiện thoái vốn tại Agribank thì mới hiểu công việc sẽ lớn như thế nào. Với những đợt thoái vốn lớn thì 6% vốn - tương đương hàng nghìn tỉ đồng - là rất lớn với nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế về room, như trường hợp FPT”, ông Tuấn nói tại một cuộc đối thoại.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học kinh tế TPHCM cho rằng, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân ngại lên sàn chứng khoán do phải chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH sang công ty cổ phần và công ty cổ phần đại chúng. Điều này đồng nghĩa với việc phải tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ hơn về mô hình hoạt động và phương thức quản lý.

Trong đó, doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị để bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO). Việc chuẩn bị hồ sơ niêm yết cũng sẽ rất phức tạp, tốn nhiều thời gian lẫn chi phí, chưa kể doanh nghiệp cũng phải thuê một đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn niêm yết. Cùng với đó, việc niêm yết còn bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định khác như về công bố thông tin, kiểm toán độc lập. Đây là những yếu tố này sẽ làm phát sinh chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cò nhiều người chủ/cổ đông sáng lập vẫn muốn kiểm soát doanh nghiệp, ngại thay đổi. “Việc phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập cũng có thể tạo điều kiện cho các đợt thâu tóm trên thị trường chứng khoán. Kông ít các nhà sáng lập đã bị mất quyền kiểm soát doanh nghiệp bởi hình thức này trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Huân nói.

Chờ đợi những cú hích

Trong bối cảnh TTCK thiếu hàng hóa tốt, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán với nhiều thay đổi, hướng đến gỡ khó cho niêm yết mới như rút ngắn thủ tục, hồ sơ đăng ký, đặc biệt là quy định cho phép tích hợp quá trình IPO và niêm yết.

Cụ thể, thời hạn tổ chức đăng ký niêm yết phải đưa chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) vào giao dịch dự kiến giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư trong thực hiện các quyền chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường có tổ chức. Bên cạnh đó, việc sở giao dịch chứng khoán xem xét hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch là quá trình độc lập với việc đăng ký chứng khoán tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng giúp rút ngắn đáng kể quá trình niêm yết/đăng ký giao dịch.

Hoạt động giao dịch chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh.

Hoạt động giao dịch chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh.

Tại một tọa đàm về TTCK Việt Nam, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện IPO và niêm yết là hai quá trình tách biệt. Do vậy, khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là ba tháng hoặc hơn.

“Đây là rào cản lớn đối với một số quỹ hay các nhà đầu tư quốc tế. Việc tích hợp quá trình IPO và niêm yết làm một sẽ giúp doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ngay khi IPO xong”, ông Hải nhấn mạnh.

Với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, ông Lê Thanh Tuấn cho biết phương thức bán cổ phần gần với thông lệ quốc tế là ghi sổ, dựng sổ, nhưng thực tế được áp dụng rất ít. Do đó, nên đánh giá vì sao phương thức này chưa được áp dụng rộng rãi trên TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, một số quy định cũng cần được xem xét điều chỉnh. Chẳng hạn, với những doanh nghiệp đã niêm yết, thì cho phép được mua bán luôn theo giá thị trường. Bởi nếu quy định mua/bán phải định giá, thì sẽ mất nhiều thời gian, đôi khi bỏ lỡ cơ hội thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, phải tăng tính minh bạch cho thị trường, hạn chế tình trạng lũng đoạn, thao túng giá chứng khoán, tương tự các vụ việc từng xảy ra trong quá khứ. Bên cạnh đó, cần sớm đưa hệ thống công nghệ giao dịch chứng khoán KRX đi vào vận hành để làm tăng khả năng nhận lệnh của thị trường, cũng như giúp thị trường có thêm các sản phẩm mới như bán khống, giao dịch T+0… để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-chung-khoan-se-co-nhieu-hang-tot-trong-nam-2025/
Zalo