Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm điểm đến mới
Áp lực gia tăng từ chi phí phát triển dự án đã khiến giá căn hộ sơ cấp tại TP. Hồ Chí Minh vọt lên mức kỷ lục, vượt ngưỡng 80,2 triệu đồng/m2. Điều này buộc phân khúc chung cư giá rẻ dưới 3 tỷ đồng phải tìm đường ra ngoại thành, nơi quỹ đất rộng lớn và chi phí xây dựng thấp hơn.
Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong quý III/2024 tiếp tục chứng kiến những biến động mạnh mẽ, đặc biệt là ở phân khúc trung cấp. Theo báo cáo mới nhất từ OneHousing, tình trạng khan hiếm nguồn cung và sự vắng mặt của các dự án tầm trung đã đẩy giá bán trung bình của toàn thị trường lên mức cao kỷ lục, đạt 80,2 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước đó.
Sự khan hiếm này càng trở nên rõ nét khi phân khúc cao cấp và hạng sang chiếm đến 90% tổng nguồn cung căn hộ mới. Đặc biệt, khu Đông, vốn dĩ là "điểm nóng" của thị trường với 65% nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm, đã thiết lập một mặt bằng giá mới hoàn toàn. Các dự án cũ từng tạm dừng giờ đây đã rục rịch trở lại với mức giá dự kiến tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với đợt mở bán trước. Thêm vào đó, hầu hết các dự án sắp ra mắt tại khu vực này đều nhắm đến phân khúc cao cấp, với mức giá khởi điểm trên 100 triệu đồng/m2.
Sự dịch chuyển mạnh mẽ này đã khiến dòng căn hộ giá rẻ dần biến mất khỏi thị trường. Cụ thể, phân khúc căn hộ dưới 2 tỷ đồng đã hoàn toàn vắng bóng từ năm 2023, trong khi căn hộ dưới 1 tỷ đồng đã "biến mất" từ năm 2020. Điều này đặt ra thách thức lớn cho người mua nhà có thu nhập trung bình, khi mà cơ hội sở hữu một căn nhà tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cho biết, tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, quỹ đất “sạch” đầy đủ pháp lý để có thể phát triển dự án nhà ở thương mại ngày càng hạn chế khiến cho giá đất ngày càng tăng cao.
Theo ông Tiến, việc TP. Hồ Chí Minh áp dụng bảng giá đất mới, có hiệu lực đến hết năm 2025 và được điều chỉnh hàng năm kể từ 2026, đã đẩy chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lên cao. Điều này, kết hợp với những biến động kinh tế vĩ mô, đã làm gia tăng đáng kể chi phí đầu tư các dự án bất động sản. Hậu quả trực tiếp là phân khúc căn hộ dưới 3 tỷ đồng ngày càng khan hiếm, buộc người mua nhà phải chuyển hướng sang các tỉnh lân cận, nơi có quỹ đất rộng lớn và chi phí phát triển dự án thấp hơn.
Dù giá neo cao nhưng thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ về cả nguồn cung và lượng tiêu thụ, với tâm điểm là khu Đông, đặc biệt là Quận 2 (cũ). Sự thành công của các dự án mới như Masteri Grand View (hơn 2.500 lượt đặt mua sớm) và Eaton Park (hơn 1.300 lượt đặt mua) đã tạo nên một cú hích đáng kể cho thị trường.
Việc các dự án khác đồng loạt mở bán vào tháng 12 và các dự án đã tạm dừng trước đó được khởi động lại, cho thấy tác động tích cực của các bộ Luật sửa đổi được ban hành vào tháng 8/2024, từ đó củng cố niềm tin của người mua nhà và các nhà đầu tư.
Ông Trần Minh Tiến cho biết, nguồn cung mới dự kiến trong năm 2025 có thể đạt gấp đôi so với năm 2024, khoảng 12.000 căn, đánh dấu sự hồi phục của thị trường căn hộ TP. Hồ Chí Minh.
Vị chuyên gia nhận định, thị trường cao tầng TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2024 - 2025 nhận được 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng đến từ cơ sở hạ tầng được chú trọng phát triển đồng bộ; các bộ Luật sửa đổi “gỡ kẹt” pháp lý; và nhu cầu nhà ở đến từ tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Theo ông Trần Minh Tiến, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang vô cùng sôi động với đa dạng các sản phẩm, từ căn hộ cao cấp đến nhà phố, biệt thự. Các chủ đầu tư không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, chính sách bán hàng linh hoạt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng tài chính.