Thị trường 27 Tết, giá thực phẩm ổn định, sức mua tăng

Giá nhiều loại thực phẩm khá ổn định, giá trái cây có phần tăng nhẹ trong ngày 26/1 (tức 27 Tết), sức mua ghi nhận tăng nhanh tại cả chợ dân sinh và siêu thị.

Giá thực phẩm ổn định, sức mua tăng

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương về thị trường Tết tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội sáng ngày 26/1 (tức 27 Tết) sức mua tăng nhanh trong khi giá cả thực phẩm ở mức khá ổn định.

Theo đó, giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với những ngày trước Tết. Giá gà ta lông phổ biến ở mức 120.000 đồng/kg (không ghi nhận sự biến động so với những ngày trước đó). Giá giò có tăng nhẹ do giá thịt lợn có nhích lên đôi chút. Giá trứng gà ta cũng ở mức 25.000 đồng/10 quả.

Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại chợ dân sinh Hà Nội

Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại chợ dân sinh Hà Nội

Tuy nhiên, giá thịt bò, tôm, cá ghi nhận sự tăng giá nhẹ so với những ngày trước thường. Theo đó, giá tôm sú ở mức 500.000 – 600.000 đồng/kg (tùy loại) tăng khoảng 100.000 đồng/kg so với thời điểm 3-4 ngày trước đó; giá trắm đen ở mức 100.000 đồng/kg; cá trắm trắng ở mức 80.000 đồng/kg.

Cùng với thực phẩm, giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở mức khá thấp. Cụ thể, 5.000 – 6.000 đồng/củ su hào; 10.000 - 15.000 đồng/cái hoa lơ; 15.000 đồng/mớ rau muống; 12.000 – 15.000 đồng/kg xà lách; 15.000 – 20.000 đồng/kg hành củ lá; 10.000 đồng/kg cà rốt; 10.000 đồng/kg cà chua.….

Giá các loại trái cây Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng nhẹ

Giá các loại trái cây Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng nhẹ

Trong khi giá thực phẩm ở mức ổn định thì giá trái cây tăng nhẹ. Cụ thể, giá xoài Cát Chu ở mức 60.000 – 80.000 đồng/kg tùy chợ; giá cam canh cũng ở mức 60.000 – 85.000 đồng/kg tùy chợ; giá thanh long phổ biến ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg; giá cau tươi 13.000 – 15.000 đồng/quả.

Thị trường hoa tươi cũng sôi động trong ngày 27 Tết

Thị trường hoa tươi cũng sôi động trong ngày 27 Tết

Giá hoa tươi cũng không quá đắt đỏ. Hoa lay ơn 120.000 – 150.000 đồng/chục; hoa cúc vàng 6.000 – 7.000 đồng/bông; 120.000 – 150.000 đồng 1 cành đào tay nhỏ; hoa hồng khá ít tại các chợ mà thay vào đó là các loại hoa nhập khẩu, trong đó, năm nay, nhiều người tiêu dùng lựa chọn hoa tuyết mai (nhập khẩu từ Trung Quốc) có mức giá từ 100.000 – 120.000 đồng/bó.

Một lô chuối xuất xứ từ Việt Nam đã được đóng thùng để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại được chở ra Hà Nội tiêu thụ.

Một lô chuối xuất xứ từ Việt Nam đã được đóng thùng để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại được chở ra Hà Nội tiêu thụ.

Tại chợ đầu mối phía Nam, hoa lay ơn bán theo bó 50 bông với giá 370 đồng/bó; giá hoa ly 350.000 đồng/bó 10 cành; giá hoa mận rừng 80.000 đồng/bó; hoa đào rừng 150.000 đồng/bó; giá dưa hấu 600.000 đồng/thùng 8 quả; giá chuối nhập khẩu từ Lào 430.000 đồng/thùng 3 nải; chuối nhập khẩu từ Campuchia giá 450.000 đồng/thùng 4 nải.

Trong tối ngày 25/1 (tức ngày 26 Tết), nhiều xe tải chở chuối tiêu xanh từ miền Nam và chuối nhập khẩu từ Lào, Campuchia đổ về chợ đầu mối Nam Hà Nội. Theo một tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam, từ 23 Tết đến nay, mỗi ngày lượng tiêu thụ tại chợ của họ lên đến 5-6 xe, mỗi xe khoảng 3 tấn chuối.

Người dân đổ về chợ đầu mối Nam Hà Nội tìm mua chuối tiêu xanh với hy vọng giá mềm hơn.

Người dân đổ về chợ đầu mối Nam Hà Nội tìm mua chuối tiêu xanh với hy vọng giá mềm hơn.

Thậm chí, có những lô chuối đã được đóng thùng, bao bì để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng được chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Loại chuối này có mẫu mã khá đẹp, quả to đều. Giá bán buôn chỉ khoảng 450.000 đồng/thùng/4 nải. Như vậy tính ra chỉ khoảng 112.000 đồng/nải.

Không chỉ bán buôn, các tiểu thương cũng bán lẻ ngay tại chợ với giá tính theo kg, từ 40.000- 45.000 đồng/kg, chứ không theo đầu quả như tại các chợ dân sinh. Do vậy, khá nhiều người dân ở các khu vực lân cận đã đổ về chợ để tìm mua một nải chuối xanh ưng ý. Một nải chuối trung bình khoảng 3kg, vào khoảng 120.000 đồng/nải, giá mềm hơn so với mua tại chợ dân sinh.

Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam

Cùng với chợ dân sinh, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, kể từ ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), sức mua tại các siêu thị đã dần tăng lên. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu là hàng hóa thiết yếu và tập trung ở các quầy bán đồ tươi sống, bánh, kẹo, hoa quả. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam do chất lượng tốt.

Người dân tới mua sắm các sản phẩm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại siêu thị Go! Thăng Long.

Người dân tới mua sắm các sản phẩm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại siêu thị Go! Thăng Long.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long (quận Cầu Giấy) cho biết, trong những ngày gần đây, lượng khách hàng đến với siêu thị tăng khá cao, khoảng 20-30% so với tuần liền kề trước đó và tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Để chuẩn bị đủ hàng hóa, phía siêu thị đã bắt tay vào triển khai từ khoảng quý III/2024 với lượng hàng tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chú trọng vào các mặt hàng tươi sống phục vụ cho dịp Tết. Đáng chú ý, 90% hàng Việt được ưu tiên bày bán tại kệ siêu thị.

Bên cạnh đó, phía siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nhằm mang đến cho khách hàng một cái Tết đầy đủ, sung túc. Phía siêu thị cũng làm việc với các nhà cung cấp trên toàn quốc, đối tác vận chuyển để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa xuyên Tết, không bị gián đoạn trước, trong và sau Tết. Bên cạnh kênh bán trực tiếp, phía siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc mua sắm.

Sức mua tại siêu thị tăng mạnh trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Sức mua tại siêu thị tăng mạnh trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Tương tự, đại diện chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN cho biết, hiện nay, chúng tôi ghi nhận lượng khách đến mua sắm tại hệ thống WinMart/WinMart+/WiN bắt đầu tăng khoảng 10-20% so với ngày thường, đặc biệt đông vào các khung giờ cao điểm buổi tối và cuối tuần. Dự kiến trong những ngày tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khi Tết Nguyên đán cận kề.

Để chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng, chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WiN đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp từ 2 đến 3 tháng trước Tết để tăng cường dự trữ hàng hóa thêm 20% so với cùng kỳ, bảo đảm nguồn cung dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.

Các mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết là bánh, kẹo, nước giải khát... với phân khúc giá tầm trung, phù hợp với xu hướng sắm Tết là sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự báo, nhu cầu có thể tiếp tục tăng trong mấy ngày cận Tết, tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết, thời gian chuẩn bị mua sắm kéo dài nên giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều, giá tại các chợ truyền thống có thể tăng nhẹ theo quy luật thị trường trong khi tại các hệ thống phân phối hiện đại, hàng hóa được cam kết giữ ổn định giá bán, giúp người dân yên tâm sắm Tết.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-27-tet-gia-thuc-pham-on-dinh-suc-mua-tang-371294.html
Zalo