Độc đáo 'vương quốc' hang động núi lửa Krông Nô
Rất khó để hình dung ra huyện miền núi Krông Nô của tỉnh Đăk Nông, nơi có độ cao trung bình khoảng 600-700m so với mực nước biển lại từng là một phần của đáy đại dương mênh mông cách đây khoảng 60 triệu năm về trước. Và cũng chính tại đây, sau khi nước biển rút đi, mặt đất nâng cao hình thành nên các ngọn núi lửa để rồi sau đó nhiều đợt phun trào dung nham dữ dội kéo dài khoảng 10.000 năm mới kết thúc đã vô tình tạo nên một 'vương quốc' hang động núi lửa có một không hai trên thế giới như bây giờ.
Cuối năm, tiết trời ở Krông Nô tuyệt đẹp với nắng và những cơn gió ào ạt đặc trưng của vùng cao Tây Nguyên. Từ thị trấn Đăk Mâm, trung tâm huyện Krông Nô, chúng tôi nai nịt gọn gàng với đầy đủ ba lô máy móc tác nghiệp, đồ ăn nhẹ, nước uống… và đương nhiên không thể thiếu những chiếc đèn pin đặc dụng để bắt đầu cuộc hành trình khám phá “vương quốc” hang động núi lửa Krông Nô.
Krông Nô là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc, cách thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đăk Nông, khoảng 100km. Đây được xem là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông, là “vương quốc” núi lửa và hang động núi lửa. Tại đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khám phá phát hiện được khoảng 50 hang động núi lửa, đa phần được hình thành qua các đợt phun trào cách đây từ 200.000 đến 600.000 năm về trước của ngọn núi lửa Chư B’luk.
Qua kết quả đo đạc, khảo sát, các nhà khoa học thuộc Hội hang động núi lửa Nhật Bản đánh giá, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô có quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á, là quần thể di sản tiêu biểu, có giá trị khoa học nổi bật và là “linh hồn” của Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, lịch sử phát triển địa chất của Đắk Nông có từ kỉ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm về trước và vùng đất này vốn từng là một phần của đáy đại dương mênh mông. Mãi đến kỉ Paleogene cách đây khoảng 60 triệu năm về trước nước biển mới rút đi. Mặt đất từ đó nâng cao và bắt đầu xuất hiện các ngọn núi lửa, sau đó nhiều đợt phun trào bazan diễn ra, kéo dài cho đến cách nay khoảng 10.000 năm mới kết thúc.
Đặc biệt, sự phun trào dữ dội của ngọn núi lửa Chư B’luk ở khu vực xã Buôn Choa’h, huyện Krông Nô ngày nay được xem là đã tạo ra một hệ thống hang động núi lửa có một không hai trên thế giới. Từ miệng ngọn núi lửa này, nhiều đợt dung nham bazan nóng bỏng đã tuôn trào, lớp sau đè lên lớp trước trên một khu vực có bề rộng gần 5km và chiều dài chừng 25km.
Dung nham trào ra, gặp địa hình bằng phẳng và nước từ con sông Sêrêpôk cũng như các sông hồ nên nhanh chóng nguội đi đông kết tạo thành những cánh đồng dung nham lổn nhổn các khối đá bazan bọt như ngày nay. Còn ở khu vực có địa hình trũng thấp, nhiều khe nứt, rãnh sâu... những đám dung nham khổng lồ nhiệt độ cao, áp suất lớn, rất giàu khí và hơi nước đã dồn lại chảy thành dòng. Chúng dồn nén, cuộn xoắn, lớp sau chồng lên lớp trước khiến cho dòng dung nham ngày càng phình to, tạo thành những đường ống dung nham khổng lồ rỗng ở bên trong, cứng dần từ bên ngoài, từ đó hình thành nên các hang động núi lửa. Vì vậy, hiện nay quanh khu vực núi lửa Chư B’luk người ta phát hiện rất nhiều hang động núi lửa có cấu tạo độc đáo, điển hình như các hang C7, C9, C6.1, C6…
Điểm khác biệt lớn giữa hang động núi lửa và hang động núi đá vôi nằm ở chỗ, nếu như hang động núi đá vôi thường có cửa hang nổi trên mặt đất, trong hang có măng đá, nhũ đá thì cửa hang động núi lửa thường là những hố sụt hình miệng giếng âm sâu xuống lòng đất, bên trong là các vách đá bazan nâu đỏ chứ không có măng và nhũ đá.
Tại hang C9, hang động núi lửa nằm gần núi Chư B’luk nhất, chúng tôi thực sự choáng ngợp khi xuống tới đáy hang sâu cách mặt đất khoảng gần 20m. Qua luồng ánh sáng chiếu vào từ miệng hang, một khung cách ngoạn mục hiện ra với hình ảnh những khối dung nham bazan đông cứng nhiều hình dáng nằm chồng chất lên nhau cùng với một khu rừng địa y, dương xỉ và vô số những loài thực vật thân mềm khác mọc lên xanh mướt khiến cho khung cảnh âm u huyền hoặc như đưa con người du hành về thuở sơ khai của Trái Đất.
Càng đi sâu vào bên trong mọi thứ càng trở nên tối tăm. Dưới ánh đèn pin một khung cảnh hiện lên khiến cho bất cứ ai lần đầu chứng kiến cũng phải sững sờ. Đó là những đường hầm khổng lồ sâu hun hút đủ chỗ cho những chiếc xe buýt 2 tầng có thể chạy thoải mái. Ở đây không có măng đá, nhũ đá rực rỡ như hang động núi đá vôi, nhưng những vách đá bazan nổi vân nâu đỏ, sản phẩm của những dòng dung nham đã nguội lạnh qua hàng triệu năm lại phản chiếu nên những sắc màu kì lạ dưới ánh đèn. Dưới nền hang, nếu để ý kĩ người ta vẫn còn phát hiện ra những lớp tro xỉ núi lửa đã bị phong hóa mạnh qua thời gian.
Đáng kinh ngạc hơn là tại những hang động núi lửa này, các nhà khoa học còn phát hiện ra dấu tích rõ ràng về hoạt động sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000 - 10.000 năm. Đây là một điều hiếm gặp ở các hang động núi lửa từng được phát hiện trên thế giới.
Đánh giá về quy mô và tính độc đáo của hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô, ông Nguyễn Văn Thuấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam từng nhận xét rằng, so với hang động núi lửa ở một số nước trên thế giới như hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju - biểu tượng của du lịch Hàn Quốc, thì hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô còn rộng lớn và hấp dẫn hơn nhiều. Hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô có giá trị rất đặc biệt không chỉ về mặt cảnh quan, địa mạo mà còn cả trên bình diện văn hóa, khảo cổ, lịch sử.
Đặc biệt, Công viên Địa chất toàn cầu Đăk Nông không chỉ có “vương quốc” hang động núi lửa Krông Nô mà còn là nơi quần tụ sinh sống hài hòa lâu đời của nhiều tộc người bản địa như M’Nông, Mạ, Êđê… với đời sống văn hóa, phong tục, tập quán phong phú, đa dạng và độc đáo. Cũng chính từ những cộng đồng cư dân này đã sản sinh ra những di sản văn hóa đặc sắc của nhân loại, trong đó có Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Và đây cũng chính là quê hương của bộ đàn đá cổ được chế tác từ đá bazan có niên đại khoảng 2.500 năm, một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại.
Hiện nay, các hang động núi lửa ở Krông Nô hầu hết đều đang ở trạng thái hoang sơ, ít có sự tác động của con người. Kể từ khi Công viên Địa chất Đăk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, thông tin về việc phát hiện ra “vương quốc” hang động núi lửa ở Krông Nô đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với du khách, nhất là những người có thú đam mê khám phá mạo hiểm. Tất cả đều rất ấn tượng về loại hình hang động độc đáo này.