Thị trường '0 tỷ đô' của NVIDIA
Theo định nghĩa của CEO NVIDIA Jensen Huang, thị trường '0 tỷ đô' là thị trường chỉ mình ông tham gia và chỉ ông nhận ra.

CEO Jensen Huang. Ảnh: Reuters.
Bill Dally, Trưởng khoa Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, là một người ủng hộ nhiệt tình tính toán song song. Ông đã rất phấn khích khi quan sát thấy sự gia tăng "cường độ tính toán" trong các con chip của NVIDIA. Ông nhận thấy chúng có thể trở thành xương sống cho một loại máy tính hoàn toàn mới.
Vào năm 2003, Huang ghé qua văn phòng của ông tại trường đại học để mời ông làm cố vấn. Dally đã dành nhiều năm cố gắng thuyết phục các giám đốc điều hành về khái niệm tính toán song song, nhưng họ không mấy quan tâm. Giờ đây, chính Huang lại chủ động tìm đến ông.
Buck (nghiên cứu sinh đồ họa máy tính tại Đại học Stanford), Dally và hàng chục kỹ sư tài năng khác được chiêu mộ cho một dự án bí mật của NVIDIA mang tên "Kiến trúc thiết bị tính toán hợp nhất", hay còn gọi là CUDA (Compute Unified Domain Architecture - tên này được cố tình đặt như vậy để không quá cụ thế).
Ý tưởng đằng sau CUDA là tận dụng các mạch tính toán song song vốn được thiết kế cho trò chơi điện tử và tái sử dụng chúng cho các nhà khoa học. Không còn phải vất vả mày mò trên những tam giác đồ họa để tìm kiếm các gigaflop quý giá - kiến trúc này sẽ được mở hoàn toàn.
"Cơ bản thì hãy nghĩ về CUDA như thế này: Bạn có một chiếc card chơi game ở một mặt, nhưng nó còn có một công tắc", Dwight Diercks giải thích. "Bạn chỉ cần bật đúng công tắc đó lên, lật ngược mặt card, thế là chiếc card biến thành một siêu máy tính".
Sau khi tạo ra CUDA, NVIDIA vật lộn để tìm kiếm những người dùng thực sự cần đến sức mạnh của nó. "Ban đầu, khách hàng duy nhất của chúng tôi là 2 nhà nghiên cứu ung thư vú", Diercks nhớ lại.
Hai nhà nghiên cứu làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts viết thư cho NVIDIA để đề xuất nâng cấp các máy quét chụp nhũ ảnh của họ. Huang đã liên kết với bệnh viện để thử nghiệm bản alpha cho CUDA, đầu tư hàng triệu USD vào một dự án thí điểm mà cuối cùng chỉ bán được đúng 2 chiếc card đồ họa.
"Nhưng Jensen hào hứng lắm", Diercks nói. Ứng dụng chụp nhũ ảnh trở thành ví dụ đầu tiên cho những gì mà Huang sau này gọi là "thị trường trị giá 0 tỷ đồ". Huang từ lâu đã tìm cách tạo ra sự khác biệt cho NVIDIA so với các đối thủ cạnh tranh.
Những đổi mới về phần cứng không thể đưa ông đến đó - chúng quá dễ bị sao chép. Trên mạng, những người đam mê silicon chia sẻ "ảnh chụp cấu trúc" của các vi mạch NVIDIA bằng cách tháo vi mạch ra khỏi bảng mạch bán lẻ, hòa tan lớp vỏ trong axit sunfuric đun sôi, rồi quét mạch bằng kính hiển vi luyện kim.
Sự hứng thú của các tín đồ này song hành với nỗ lực sao chép công nghệ đến từ những nhóm "tái thiết kế" trong các phòng thí nghiệm sản xuất vi mạch. Lớp silicon sau khi tháo dỡ được bảo vệ bằng bằng sáng chế, nhưng bài học từ 3dx đã chỉ ra sự vô ích của các vụ kiện tụng.
"Ai cũng nhìn vào phần cứng của đối thủ và cách nó hoạt động", Diercks nói. "Đó thậm chí không phải là điệp vụ hắc ám gì. Chúng tôi chỉ đơn giản là luôn làm thế".
Để khẳng định mình, Huang buộc phải theo đuổi một chiến lược đi ngược hoàn toàn với logic kinh doanh thông thường, đến mức AT1 không thể theo kịp. Ông cần tạo ra một sản phẩm mang tính thăm dò, như một chiếc siêu máy tính khoa học hạng phổ thông giá 300 USD, không chỉ không có đối thủ mà thậm chí chẳng có khách hàng rô ràng, Thị trường "0 tỷ đô" theo định nghĩa là một thị trường mà chỉ mình ông tham gia và chỉ mình ông nhận ra. Huang dự định xây dựng một sân bóng chày giữa cánh đồng ngô và kiên nhẫn chờ các người chơi xuất hiện.