Câu chuyện hội nhập của Việt Nam là 'dám chơi', 'biết chơi', 'khéo chơi'

Lịch sử của cải cách và đặc biệt của câu chuyện hội nhập của Việt Nam là 'dám chơi', sau đó phải 'biết chơi' - biết tự học hỏi để tự tin và vươn lên và hiện nay cần thêm yếu tố nữa là 'khéo chơi'.

Chuyên gia kinh tế - TS.Võ Trí Thành.

Chuyên gia kinh tế - TS.Võ Trí Thành.

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một cường quốc lớn về thương mại, nhờ hội nhập sâu rộng. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành làm rõ thêm ý nghĩa, thành tựu trong định hình chiến lược tăng trưởng của Việt Nam trong chặng đường gần 40 năm đổi mới.

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, với những dấu ấn về tăng trưởng kinh tế và hội nhập, Việt Nam từ một nền kinh tế bị bao vây, cấm vận đã thành công trong định hình chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, với nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, công nghệ vươn tầm khu vực. Chặng đường đó gợi cho ông những điều gì?

Câu hỏi này đã làm tôi nhớ lại gần 40 năm trước, khi kinh tế đất nước bộn bề khó khăn và đằng sau những bộn bề của đất nước sau thống nhất ấy còn có sự níu kéo bởi tư duy của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp.

Cùng với sự bao vây, cấm vận, thì quan hệ của Việt Nam với các nước XHCN cũ càng làm cho chúng ta rơi vào khó khăn lớn hơn. Những khó khăn đó lại là động lực làm nảy nở những tư tưởng cải cách đầu tiên. Đó là Chỉ thị 100/CT-TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; rồi Chương trình 3 kế hoạch của doanh nghiệp nhà nước... Phải nói rằng, tất những điều đó đã đem lại sự năng động hơn cho nền kinh tế.

Chính những khó khăn bên ngoài đã hun đúc công cuộc đổi mới từ năm 1986 của chúng ta. Đến nay, Việt Nam có được sự đổi thay rất đáng kể, lớn lao trong nền kinh tế, mà rõ nhất là 3 dấu ấn.

Thứ nhất, Việt Nam từ một nước nghèo, rất nghèo, trở thành một nước thu nhập trung bình và sẽ rất nhanh thôi đạt mức thu nhập trung bình cao, tỷ lệ nghèo giảm nhanh, tầng lớp trung lưu lớn mạnh dần.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp rất phát triển, dẫu chưa như mong đợi, nhưng chúng ta đang có khoảng 950.000 doanh nghiệp, chưa kể hàng triệu hộ gia đình.

Thứ ba, nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với độ mở cao, với quy mô thương mại ngấp nghé 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trong năm 2024 vượt 405 tỷ USD; thu hút thành công vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đưa FDI trở thành bộ phận gắn kết chặt chẽ với kinh tế trong nước.

Đằng sau những con số ấn tượng về sự đổi thay của nền kinh tế, về vị thế, về xuất khẩu, khi Việt Nam đã có tên trong Top 20 quốc gia thương mại lớn nhất toàn cầu là gì nữa?

Đó là câu chuyện cải cách, cải tổ, mà quan trọng nhất là định hướng phát triển theo kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, gắn với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Nói cách khác, mở cửa và hội nhập, kết hợp với cải cách trong nước đã tác động qua lại mạnh mẽ, không chỉ để sản xuất - kinh doanh sôi động hơn, mà hội nhập còn là chất xúc tác để thúc đẩy cải cách thể chế, đáp ứng thông lệ, cam kết quốc tế, nhất là với cam kết trong các FTA thế hệ mới, chất lượng cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…

Phải nói rằng, chính những cải cách trong nước, cùng với ổn định kinh tế vĩ mô là điểm tựa để Việt Nam tự tin hơn, “dám chơi” hơn và “bắt tay” xây dựng được các quan hệ đối tác tốt hơn.

Đó là những tác động qua lại rất tích cực của công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng thành quả của hội nhập cũng đánh đổi bằng không ít rủi ro, thách thức, thưa ông?

Hội nhập kinh tế với bên ngoài thì ngoài các cơ hội cũng tiềm ẩn rủi ro cho Việt Nam. Quá trình hội nhập này vẫn đang được tiếp tục, bởi Việt Nam mong muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập chuẩn chỉnh, đàng hoàng, khả năng giải trình tốt.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, đằng sau câu chuyện hội nhập, mở cửa thị trường, thì bản chất chính là mở rộng không gian phát triển cho đất nước, cho doanh nghiệp, cho con người Việt Nam và cùng với không gian đã lựa chọn ấy để kinh doanh, phát triển kinh tế. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực để lựa chọn đường đi tốt hơn trong không gian mở rộng đầy cạnh tranh đó.

Chính kinh tế thị trường và hội nhập đã mở cánh cửa cho Việt Nam, nhưng hội nhập cũng làm gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường khu vực và thế giới, kèm theo các rủi ro, như ô nhiễm môi trường, thiếu tài nguyên và sự bất ổn khi thị trường xuất khẩu biến đổi…

Cùng với đó, thách thức đi kèm liên quan đến cải cách, là năng lực, thể chế, nhân lực, quản trị, năng lực của doanh nghiệp, cá nhân phải được nâng lên để bắt nhịp, bắt kịp tiến trình hội nhập.

Hội nhập cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề mới, buộc chúng ta phải thích ứng, phải tận dụng được và mình còn phải đóng góp cho thế giới.

Như ông đã nói, hội nhập, vươn rộng ra với thế giới bên ngoài vẫn đang tiếp tục, nhưng ở giai đoạn này, nội hàm của câu chuyện hội nhập đã khác nhiều với vài chục năm trước, đặt chúng ta vào thế rất khác xưa?

Tôi muốn nhắc lại, quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam, bên cạnh thành tựu, thì vẫn còn những câu chuyện cần tiếp tục thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà hơn chục năm trở lại đây, trước những khó khăn, trước những yêu cầu mới, trước việc phải hoàn thiện chính mình (đất nước, con người, doanh nghiệp, bộ máy…), một vấn đề nữa được đặt ra là phải đổi mới theo hướng đột phá mạnh mẽ.

Từ thay đổi cách thức phát triển, chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng, không phải chỉ dựa vào tài nguyên, lợi thế so sánh như nhân công giá tương đối thấp, mà chuyển sang dựa ngày càng nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, tăng năng suất và gắn với đó là công cuộc cải cách mạnh mẽ về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng...

Đổi mới để có tăng trưởng, nhưng phải bền vững hơn, xanh hơn, bao trùm hơn, thúc đẩy sáng tạo. Bên cạnh tái cấu trúc, chuyển đổi, mô hình phát triển, đang có những cơ hội chưa từng có, dù thách thức cũng vô vàn, buộc phải thích ứng và tận dụng được.

Những cơ hội chưa từng có ấy là gì vậy, thưa ông?

Đó là vị thế Việt Nam. Dù chưa phải là nước giàu, chưa phải là nước công nghiệp hóa trọn vẹn, chưa đi đầu về công nghệ, nhưng với vị thế địa chính trị, tầm vóc xét trên nhiều khía cạnh và giá trị, có thể thấy rằng, trong bối cảnh rất phức tạp như hiện nay, những thành tựu đổi mới giai đoạn vừa qua đã tạo cho Việt Nam một thế đứng, cơ hội lớn.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước lớn, chưa kể quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 34 quốc gia khác.

Nhưng trào lưu về bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược thời gian gần đây đang đe dọa hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của chúng ta. Ông có thấy lo ngại thực tế này không? Ông muốn nhấn mạnh điều gì trong giai đoạn hội nhập tới đây của đất nước?

Như tôi đã nói, đang xuất hiện rất nhiều câu chuyện mới trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, hội nhập phải gắn chặt với tăng trưởng xanh, với phát triển bền vững và đi kèm theo là cả sự dịch chuyển. Trước kia chỉ là hàng hóa, dịch vụ đơn thuần, giờ đây còn là sự dịch chuyển của dữ liệu, là làm ăn trên không gian mạng, chưa nói đến cả không gian vũ trụ nữa, vượt ra khỏi thế giới truyền thống.

Hội nhập không chỉ là tự do hóa, mà chúng ta đang phải đối mặt với những xu thế, trào lưu về bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, va đập với nhau, và những va đập ấy đòi hỏi phát triển ấy lại liên quan, tương tác với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, như chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, sản xuất dịch vụ, dịch chuyển công nghệ, dịch chuyển của nhân lực có trình độ…, cộng với rất nhiều thứ khác nữa trong một thế giới đầy va đập.

Rõ ràng, xu hướng vận động của dòng vốn FDI, của sản xuất, thương mại gắn với giai đoạn phát triển mới đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều lựa chọn.

Tôi muốn nhấn mạnh, gốc rễ của công cuộc cải cách, đổi mới của Việt Nam là mở rộng không gian phát triển, đó chính là quyền chọn và cùng với năng lực cho quyền chọn ấy là để người dân, doanh nghiệp cùng có không gian cạnh tranh, từ đó có cơ hội để vươn lên, đi cùng với thời đại.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển của Việt Nam phải gắn bó mạnh mẽ cải cách trong nước, những đổi mới mang tính đột phá với mở cửa hội nhập, thế nhưng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta phải khéo léo hơn, bản lĩnh hơn, quyết liệt hơn, khoa học hơn.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cau-chuyen-hoi-nhap-cua-viet-nam-la-dam-choi-biet-choi-kheo-choi-d275008.html
Zalo