Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Giao đề thi sớm cho địa phương đông thí sinh

Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới. Các địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn và hỗ trợ trong việc chuyển giao đề thi sớm.

Những lưu ý đặc biệt

Điểm đáng lưu ý nhất trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay là sắp xếp phòng thi, phát đề thi đối với buổi thi môn tự chọn (10 môn). Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lí Chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm nay địa phương phải bố trí điểm thi độc lập cho 2 nhóm thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 (học lớp 12 từ năm 2024 trở về trước) và thí sinh chương trình 2018 (năm nay tốt nghiệp THPT). Với hội đồng thi theo chương trình 2006, thực hiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 nên ổn định, các địa phương đã quen.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: MẠNH THẮNG

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: MẠNH THẮNG

Nhưng với chương trình 2018, việc xếp phòng buổi thi môn tự chọn cần hết sức lưu ý. Thí sinh chỉ ngồi 1 phòng thi cố định trong suốt kì thi, khác với những năm trước, phòng thi thay đổi sau mỗi buổi thi. Số lượng phòng thi sẽ tăng hơn so với trước đây do thí sinh được lựa chọn 2/10 môn (trước đây thí sinh chọn một trong hai bài thi tự chọn là Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội). Ông Chương cho hay, do sự khác biệt này nên năm nay số lượng mã đề/môn thi tăng gấp đôi từ 24 thành 48 mã. Đề thi mỗi môn in 2 mặt trên 1 tờ giấy A3 (trước đây in 3-4 tờ A4); chỉ in đề đủ số lượng thí sinh trong phòng thi. Ví dụ phòng có 10 thí sinh thi Vật lí thì in từ mã 01 đến mã 10 (Chương trình 2006 in đủ 24 mã đề/môn thi/phòng thi).

Vì khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi… do hội đồng thi của các tỉnh, thành chịu trách nhiệm nên GS Huỳnh Văn Chương lưu ý, việc tổ chức thi cho 2 nhóm thí sinh khác nhau, rất cần sự chuẩn bị chu đáo đảm bảo không gặp trục trặc, rắc rối trong quá trình diễn ra kì thi.

Theo ông Chương để bảo đảm đạt kết quả tốt nhất, thí sinh nắm chắc quy định liên quan đến quá trình làm bài thi trắc nghiệm khách quan. Một trong những quy định quan trọng là không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho giám thị và kí tên vào phiếu thu bài thi. Thí sinh phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Thí sinh chỉ được rời khỏi phòng thi sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép rời khỏi phòng thi. Khi có sự việc bất thường xảy ra, thí sinh phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của giám thị và những người có trách nhiệm tại điểm thi.

Một chuyên gia khảo thí lưu ý với cán bộ coi thi trước những điểm mới của năm nay trong buổi thi môn tự chọn cần phải có hướng dẫn chi tiết và tập huấn, phổ biến cho cán bộ coi thi. Ngoài ra, địa phương cần lựa chọn các cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tham gia tập huấn đầy đủ, phải thực hiện đúng hướng dẫn, quy trình, và đặc biệt không lơ là chủ quan, không tự xử lí các tình huống bất thường.

Cần giao đề thi sớm

Với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lớn nhất nước, 126.000 thí sinh, tăng tới 17.000 so với năm 2024. Với đặc thù của năm nay, sở này mong muốn có nhiều thời gian hơn cho khâu chuẩn bị in sao đề thi. Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cung cấp đề thi sớm hơn 1-2 ngày để địa phương kịp chuẩn bị và xử lí các vấn đề phát sinh nếu có.

TPHCM cũng thuộc top địa phương có số lượng lớn thí sinh dự thi, trong đó có tới 10.000 thí sinh dự thi theo chương trình 2006, nên kiến nghị Bộ cung cấp đề thi sớm, đặc biệt ưu tiên chuyển sớm đề thi của chương trình 2018 để tránh nhầm lẫn với đề thi của chương trình 2006, tốt nhất có 2 ban in sao đề thi riêng cho 2 chương trình. Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị khi xây dựng phần mềm quản lí thi, Bộ cần tính toán hỗ trợ để việc sao chép dữ liệu của các địa phương có lượng thí sinh lớn diễn ra được thuận lợi hơn, tránh mất quá nhiều thời gian.

Sở GD&ĐT Cao Bằng băn khoăn liệu địa phương có phải tổ chức độc lập tất cả các khâu và có cần 2 hội đồng thi hay không? Địa phương đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn về các khâu tổ chức thi cho 2 chương trình. Sở GD&ĐT Quảng Trị lo lắng đến khâu chấm thi khi Quy chế thi 2004 quy định chương trình 2006 có 2 hội đồng chấm thi tự luận và trắc nghiệm độc lập; chương trình 2018, trong quy chế chỉ còn một ban chấm thi chung cho hai hình thức thi, vậy ban chấm thi được tổ chức ra sao?

Trao đổi về những băn khoăn của địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, những địa phương chịu áp lực in sao đề thi lớn dễ dẫn đến sai sót nên cần linh hoạt. Ông nhất trí sẽ giao đề thi sớm cho những tỉnh, thành đông thí sinh. Năm trước có thầy cô bị tăng huyết áp khi in sao đề thi vì bị ép tiến độ. Do đó khâu in sao đề tuy phải nghiêm túc chất lượng nhưng điều kiện làm việc phải đảm bảo để tránh sai sót.

Ông Thưởng cũng đề nghị các sở GD&ĐT trên cả nước tổ chức thi thử đối với 100% học sinh vì năm nay lần đầu tiên thi chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc thi thử cũng giúp giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Năm nay lần đầu tiên thi Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các sở GD&ĐT trên cả nước tổ chức thi thử đối với 100% học sinh. Việc thi thử cũng giúp giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-giao-de-thi-som-cho-dia-phuong-dong-thi-sinh-post1731501.tpo
Zalo