Thí sinh đặc biệt lưu ý việc cần làm sau khi có kết quả trúng tuyển đại học

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngay từ chiều qua, các cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 năm 2024.

Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trong thời gian quy định. Ảnh: TTXVN

Sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trong thời gian quy định. Ảnh: TTXVN

Bộ GD-ĐT yêu cầu sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh bắt buộc phải hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung của bộ. Thời gian hoàn thành xác nhận nhập học chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8.

Thí sinh không hoàn thành xác nhận nhập học trong thời gian quy định được coi là từ chối cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, thí sinh lưu ý quy định về thời gian xác nhận nhập học của các trường theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các cơ sở giáo dục đào tạo chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung. Thông tin các đợt xét tuyển bổ sung được đăng ký trên cổng thông tin điện tử của từng trường. Khác với đợt 1, thời gian và kế hoạch xét tuyển bổ sung của các là khác nhau nên thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin.

Thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Hiện đã có hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024.

Năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024). Trong đó, thí sinh đăng ký vào các khối ngành: Kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là khối ngành sư phạm, nhân văn, sức khỏe.

* Theo công bố của các trường, những ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay phải kể đến là nhóm ngành sư phạm, báo chí, công nghệ thông tin, luật, đặc biệt là ở tổ hợp C00.

Với 29,3 điểm cho các ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang là trường có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 tính đến thời điểm này, xét trên thang điểm 30, theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Nhưng ngay cả khi sở hữu điểm chuẩn cao chót vót, gần “chạm nóc”, với mức trung bình gần 29,8 điểm mỗi môn, thí sinh vẫn sẽ bị trượt ngành Sư phạm Lịch sử nếu không đặt ngành này ở nguyện vọng 1, trượt ngành Sư phạm Ngữ văn nếu thứ tự nguyện vọng lớn hơn 10.

Cũng có điểm chuẩn rất cao là ngành Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm, kèm thêm tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng không được lớn hơn 2.

Ngoài ra, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có 7 ngành có mức điểm trên 28 điểm là Giáo dục Công dân (28,6 điểm), Giáo dục đặc biệt (28,37 điểm), Giáo dục Quốc phòng và an ninh (28,26 điểm), Sư phạm Lịch sử -Địa lý (28,83 điểm), Văn học (28,31 điểm), Tâm lý học giáo dục (28 điểm).

Trường có tổng số 44 ngành đào tạo thì có đến 21 ngành có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên (trung bình thí sinh phải đạt 9 điểm/môn mới đỗ nếu không có điểm cộng ưu tiên). Tất cả các ngành đều kèm thêm tiêu chí phụ về thứ tự nguyện vọng ưu tiên.

Đứng thứ hai về điểm chuẩn là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với mức điểm chuẩn 29,05 điểm cho ngành Hàn Quốc học, tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành Báo chí của trường này cũng rất cao, ở mức 29,03 điểm cho tổ hợp C00. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn có ngành Quan hệ công chúng, tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao với 29,1 điểm.

Ngành Báo chí cũng có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có với điểm chuẩn là 28,9 điểm (tổ hợp C00).

Đứng thứ ba về điểm chuẩn là Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn ngành Giáo dục Tiểu học lên đến 28,89 điểm cho tất cả 4 tổ hợp xét tuyển gồm A, B, C và D01.

Ngành Luật cũng có điểm chuẩn cao ngất ngưởng khi chuẩn ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội là 28,83 điểm.

Ở nhóm ngành kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương vẫn đang dẫn đầu với điểm chuẩn cao nhất là 28,5 điểm. Trường có 7 ngành trên tổng số 15 ngành có mức điểm trúng tuyển theo tổ hợp A00 từ 28 điểm trở lên, 95% chỉ tiêu có ngưỡng điểm trúng tuyển trên 27 điểm.

Ở khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn cao nhất đang thuộc về chương trình Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,53 điểm xét theo điểm thi Tốt nghiệp THPT.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm mầm non sẽ phải công bố điểm chuẩn đợt 1.

T.LÊ (Tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/319760/thi-sinh-dac-biet-luu-y-viec-can-lam-sau-khi-co-ket-qua-trung-tuyen-dai-hoc.html
Zalo