Thí sinh cần 'làm chủ' ngòi bút khi viết Văn thi vào lớp 10

Theo chia sẻ của giáo viên, thí sinh khi làm bài thi môn Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT cần xác định được đâu là ý cần mở rộng và ý nào nên ngắn gọn.

Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) trao đổi về một số lưu ý với thí sinh để làm tốt môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026.

Thứ nhất, trong khoảng thời gian này khi chỉ hơn một tháng nữa sẽ thi chính thức, thí sinh hãy có một chiến lược ôn thi hiệu quả. Chúng ta đều biết đề thi sẽ bao gồm 2 phần: Đọc hiểu - Viết. Mỗi phần sẽ yêu cầu những kỹ năng và kiến thức khác nhau.

Muốn xử lý tốt phần “I. Đọc hiểu”, các em nên có bảng thống kê Tri thức Ngữ văn về đặc trưng thể loại và tất cả kiến thức Tiếng Việt mà ta đã học từ lớp 6 - lớp 9. Khi đã có cái nhìn khái quát về mặt lý thuyết, học sinh cần bắt tay vào luyện tập kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi khác nhau có thể xuất hiện trong đề thi.

 Cô Phùng Thu Hằng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cô Phùng Thu Hằng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

"Trong quá trình ôn luyện, nếu việc hệ thống kiến thức đã học là nền móng thì hiểu và thực hành làm các dạng câu hỏi khác nhau sẽ là trụ cột quan trọng. Vì thế đừng quên khái quát và phân chia câu hỏi thành các dạng và mức độ khác nhau, tìm hiểu yêu cầu riêng cho mỗi dạng và học cách trả lời đúng và đủ ý cho từng dạng", cô Hằng lưu ý.

Đối với phần “II. Viết”, câu 1 đòi hỏi thí sinh cần có kỹ năng tốt khi đi nghị luận về tác phẩm hoặc yếu tố trong tác phẩm thơ/truyện. Vì thế, học sinh nên thống kê các dạng bài nghị luận thơ, truyện và thực hành thật nhiều để viết đúng yêu cầu đề bài, đồng thời nâng cao khả năng cảm thụ văn học của bản thân.

Câu 2 nghị luận xã hội sẽ lại thử thách các em trước những vấn đề xã hội hoặc những quan điểm, đạo lý trong cuộc sống. Hãy nắm vững cấu trúc một bài nghị luận xã hội hoàn chỉnh, luyện - sửa thật nhiều và đừng quên tìm đọc, cập nhật những vấn đề thời sự để trau dồi đủ kiến thức, lí lẽ và bằng chứng.

 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ không chuyên tại Hà Nội năm 2025 sẽ diễn ra trong các ngày 7-8/6. Ảnh: Đình Tuệ.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ không chuyên tại Hà Nội năm 2025 sẽ diễn ra trong các ngày 7-8/6. Ảnh: Đình Tuệ.

Thứ hai, thí sinh hãy ép mình vào guồng làm bài dưới áp lực thời gian đúng như khi thi thật. Thậm chí, các em có thể trừ đi của mình 5 phút để buộc bản thân rà soát lại bài mỗi khi làm xong. Học sinh cần lưu ý kĩ về việc phân bổ thời gian cho từng câu hỏi, tránh tập trung viết quá nhiều thì giờ cho một câu để rồi làm không đủ ý ở những câu hỏi khác.

"Các em hãy xác định rõ đâu là nơi ngòi bút của mình nên dừng chân nhiều hơn và đâu là nơi ta cần sự ngắn gọn, súc tích. Đừng quên chú ý cả cách trình bày , bài viết phải tuân theo quy chế kỳ thi, không viết hai màu mực, không sử dụng bút xóa hay các kí hiệu lạ. Khi làm bài cần tuân theo chỉ dẫn của giám thị tại phòng thi điền đầy đủ thông tin vào phần phách", cô Phùng Thu Hằng trao đổi.

Cuối cùng, cô Phùng Thu Hằng nhắn nhủ các thí sinh đừng để áp lực chồng chéo đè nặng lên tinh thần các em. Học sinh hãy cân đối thời gian nghỉ ngơi và học tập sao cho hợp lí. Tuyệt đối không được bỏ bữa hay ngủ thiếu giấc, nên chú ý tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-sinh-can-lam-chu-ngoi-but-khi-viet-van-thi-vao-lop-10-post727307.html
Zalo