Thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện dự kiến giảm 39.493 tấn CO2 tương đương/năm
UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện Selex Motor triển khai thí điểm dự án nhằm đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính ngành giao thông vận tải tại Việt Nam.
Ngày 3/12, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải” nhằm chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai dự án.
Trong khuôn khổ dự án, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện Selex Motor để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard). Đây là nỗ lực tiên phong nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ carbon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam.
Dự án thí điểm đặt mục tiêu đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh ngành giao thông vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng phát thải trong những năm tới nếu không có các biện pháp giảm thiểu phù hợp. Theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Hiện nay, cơ chế thị trường carbon thế giới cho phép trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon, cung cấp một cách linh hoạt để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả nhất về chi phí, mang lại doanh thu bổ sung cho các hoạt động giảm phát thải.
Với hai loại thị trường carbon đang vận hành là tự nguyện và tuân thủ, các tập đoàn, cá nhân có thể tự nguyện mua và bù trừ tín chỉ carbon để đạt được các cam kết và chiến lược phát thải ròng bằng không, hoặc hỗ trợ các nỗ lực trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu trong việc bù đắp carbon.
Một số loại hình dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon trong ngành giao thông vận tải như: Lắp đặt điện mặt trời cho vận hành tại sân bay; xây dựng trạm sạc xe điện năng lượng mặt trời; chuyển đổi phương thức vận tải hành khách; sử dụng phương tiện giao thông bằng điện; cải tiến phương tiện giảm tiêu thụ nhiên liệu hoặc dùng nhiên liệu sinh học…
Trong đó, dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện góp phần giảm phát thải khí nhà kính được tính toán dựa theo phương pháp luận AMS-III.C. Tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính của dự án dự kiến là 197.467 tấn CO2 tương đương cho giai đoạn tín dụng 5 năm, trung bình mỗi năm dự kiến đạt 39.493 tấn CO2 tương đương. Lượng khí thải GHG giảm thải ước tính đạt 39,493 VERs.
Ông Vũ Thái Trường, quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam chia sẻ, dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Dự án không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục phát triển các sáng kiến tương tự trong tương lai.
Tại hội thảo, UNDP và các đối tác đã trình bày về những kết quả nổi bật của dự án, bao gồm: Hỗ trợ thiết lập khung phát triển dự án tín chỉ carbon cho phương tiện giao thông điện; thúc đẩy phát triển giao thông phát thải thấp thông qua tài chính khí hậu; tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng với hơn 200 người đã tham gia các chương trình đào tạo và hội thảo về thị trường carbon và các giải pháp giao thông vận tải phát thải thấp. Những kết quả này đã tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các giải pháp giao thông phát thải thấp trong tương lai.
Bài học và kinh nghiệm đúc kết từ việc phát triển dự án cũng được hội thảo đề cập tới. Trong đó, các đại biểu và chuyên gia khuyến nghị cần thường xuyên cập nhật về chính sách và thị trường carbon trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu khả thi, xác định chi phí lợi ích, xác định tiêu chuẩn, cơ chế, phương pháp luận, các chi phí liên quan và lợi ích trước khi thực hiện dự án; xác định thị trường và người mua tín chỉ (trước, trong hoặc sau khi phát triển dự án), đàm phán về giá tín chỉ, thời điểm giao hàng, chi phí phát triển/đăng ký dự án...; cân nhắc sớm về tín chỉ carbon, phát triển dự án tín chỉ carbon song song với dự án đầu tư để đáp ứng điều kiện tiên quyết của từng cơ chế tín chỉ cũng như kịp tiến độ đăng ký, vận hành và giám sát.
UNDP cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu khí hậu quốc gia, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan chia sẻ bài học, thảo luận những thách thức, và tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam.