Thí điểm ngành Ngôn ngữ Thái Lan: Mở ra cơ hội nhưng cũng không ít thách thức
Ngành Ngôn ngữ Thái Lan được thí điểm đào tạo mở ra cơ hội học tập và làm việc mới trong tương lai, giúp ích vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ ngày 7/6/2024, Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực. Trong 40 ngành thí điểm trình độ đại học, ở lĩnh vực nhân văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan.
Theo một số cơ sở giáo dục, việc thí điểm đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan mang lại cho sinh viên có đam mê về ngôn ngữ cơ hội học tập và trải nghiệm một ngôn ngữ mới, đồng thời mở ra triển vọng việc làm trong tương lai.
Thực tế đào tạo tiếng Thái tại các cơ sở giáo dục đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết, theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Ngôn ngữ Thái Lan không có trong danh mục thống kê ngành đào tạo trình độ đại học. Vừa qua, Bộ mới cho ngành Ngôn ngữ Thái Lan vào danh sách các ngành thí điểm.
Tuy nhiên, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng đề án và nghiên cứu ngành Ngôn ngữ Thái Lan từ năm 2004 - 2005 và được Đại học Đà Nẵng đánh giá và thẩm định chương trình đào tạo. Nhà trường đã chính thức đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan từ năm 2006, đến nay đã được gần 20 năm.
Theo Thạc sĩ Phan Trọng Bình, Tổ trưởng Tổ tiếng Thái Lan, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, nhà trường đã có quá trình dài chuẩn bị các yêu cầu cần thiết để mở ngành. Chương trình đào tạo Ngôn ngữ Thái Lan của trường được xây dựng trên cơ sở khung chương trình các ngành học trường đã và đang đào tạo trước đó. Ngoài ra, trường cũng tham khảo thêm chương trình đào tạo cử nhân của các trường đại học tại Thái Lan.
Trong quá trình xây dựng và đào tạo, nhà trường đã chủ động tìm kiếm những đối tác có thể hỗ trợ nguồn lực trong công tác đào tạo. Đối với đội ngũ giảng viên, Trường Đại học Ngoại ngữ đã được Cục Hợp tác Quốc tế Thái Lan (TICA) phái cử chuyên gia, tình nguyện viên Thái Lan đến hỗ trợ giảng dạy.
Từ năm 2005, trước khi ngành Ngôn ngữ Thái Lan được mở chính thức, TICA đã hỗ trợ chuyên gia, giảng viên cho trường. Đến nay, đã có 17 chuyên gia, tình nguyện viên đến tham gia công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, TICA còn hỗ trợ cung cấp nhiều học bổng đào tạo giảng viên cho Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
Còn tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, học phần Ngoại ngữ 2 - tiếng Thái Lan được đưa vào giảng dạy từ năm 2001. Đây không phải là một chuyên ngành hay một ngành đào tạo của trường mà là một môn học, học phần trong chương trình đào tạo của các ngôn ngữ chính.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Chi - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhà trường có một học phần với tên đầy đủ là Ngôn ngữ 2 - tiếng Thái Lan, nằm trong các ngành ngôn ngữ khác nên sẽ có khó khăn, rào cản, giới hạn nhất định khi giảng dạy.
Ngoại ngữ 2 là ngoại ngữ tự chọn, tùy theo nhu cầu học, lựa chọn của sinh viên. Ngoại ngữ 2 có thời lượng giảng dạy ít hơn so với ngoại ngữ chính. Phần lớn sinh viên lựa chọn ngoại ngữ hai với mục tiêu có điểm ngoại ngữ hai, đạt chuẩn đầu ra hoặc có những sinh viên có năng lực, thực sự đam mê ngôn ngữ sẽ lựa chọn học.
"Ngoại ngữ nào cũng sẽ có độ khó riêng, đối với tiếng Thái Lan phần viết và đọc sẽ khó hơn nhưng phần nói và nghe lại dễ bởi tiếng Thái có sự tương đồng với tiếng Việt. Nếu sinh viên có đam mê và dành thời gian cho ngôn ngữ này thì cũng không quá khó khăn", cô Chi nhận xét.
Ngôn ngữ Thái Lan mở ra cơ hội mới về học tập và việc làm
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Chi chia sẻ, nhiều bạn sau khi học Ngoại ngữ 2 - tiếng Thái Lan, đã rẽ ngang, chuyển hướng sang học chuyên sâu ngôn ngữ này. Sau khi ra trường, những sinh viên này có thể làm tại Đại sứ quán Thái Lan, các cơ quan nhà nước hoặc làm việc cho công ty ở Việt Nam nhưng có thị trường tại Thái Lan. Sinh viên học thêm Ngoại ngữ 2 sẽ giúp các bạn có lợi thế hơn khi ra trường và xin việc làm.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thí điểm đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan giúp cho các bạn đam mê ngành ngôn ngữ Thái Lan có cơ hội học tập chuyên sâu hơn và mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai.
Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, trường đã có kinh nghiệm trong đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan. Thạc sĩ Phan Trọng Bình cho biết, điểm nổi bật trong chương trình đào tạo là sự hỗ trợ nguồn lực lớn từ Chính phủ Thái Lan như từ việc cấp học bổng đào tạo giảng viên, học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên, học bổng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tiếng Thái học tại Thái Lan cho sinh viên, hỗ trợ cho các hoạt động ngoại khóa.
Từ năm học 2013 - 2014 cho đến nay, Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 123 suất học bổng khuyến khích học tập với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng.
Cục Hợp tác Quốc tế Thái Lan (TICA) - Bộ Ngoại giao Thái Lan đã hỗ trợ học bổng bồi dưỡng tiếng Thái ngắn hạn tại Thái Lan trong thời gian một tháng. Sinh viên năm 3 có thành tích học tập tốt các môn học tiếng Thái Lan sẽ có cơ hội nhận được học bổng. Sinh viên tham gia chương trình có cơ hội nâng cao kỹ năng tiếng và có những trải nghiệm văn hóa bản địa.
Trường còn phối hợp với nhiều trường đại học Thái Lan cử sinh viên đến giao lưu tổ chức các hoạt động dạy tiếng và trải nghiệm văn hóa. Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ giới thiệu các công ty doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam có nguyện vọng nhận sinh viên vào thực tập. Sau chương trình thực tập, nhiều đơn vị đã nhận sinh viên vào làm việc chính thức.
Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh và các công ty doanh nghiệp Thái Lan đã đồng hành hỗ trợ cho những hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa Thái Lan do đơn vị đăng cai tổ chức
Hằng năm Tổ tiếng Thái của trường đều phối hợp tổ chức 2 sự kiện chính là Lễ hội Tết cổ truyền Thái Lan (tháng 4) và Lễ hội Thả Hoa đăng (tháng 11). Đây là hoạt động giúp cho sinh viên tìm hiểu thêm về ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan, tăng cường sự kết nối giữa sinh viên chuyên ngành các khóa và đồng thời thu hút được sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng quan tâm tham gia.
Thầy Bình nhận định, các sinh viên ngành Ngôn ngữ Thái Lan của trường hầu hết đang làm việc tại các công ty doanh nghiệp đa lĩnh vực của Thái Lan có trụ sở tại Việt Nam, hoặc một số ít có cơ hội làm việc tại Thái Lan. Công việc chủ yếu là biên phiên dịch, có những sinh viên năng động, tích cực sau quá trình công tác được bổ nhiệm những vị trí quản lý trong công ty.
Hiện tại văn hóa Thái Lan đã được giới trẻ biết đến nhiều hơn qua phim ảnh, âm nhạc, do đó sức hút về ngành học này cũng tăng dần theo thời gian. Đối với những sinh viên tích cực học tập và yêu thích ngành học thực sự sẽ có cơ hội lớn để đạt được thành công với ngành học mình đã lựa chọn.
Khó khăn khi mở một ngành ngôn ngữ mới
Chia sẻ về thời gian xây dựng chương trình học và những năm đầu đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan, Thạc sĩ Phan Trọng Bình cho hay, trong quá trình xây dựng chương trình, Tiếng Thái vẫn còn là một ngoại ngữ tương đối mới mẻ, chưa có sức hút mạnh như những ngành học ngoại ngữ khác. Bên cạnh đó, chưa có kỳ thi năng lực Tiếng Thái quốc tế để tạo động lực thu hút người học. Đây là khó khăn chủ yếu nhà trường gặp phải khi xây dựng chương trình.
Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học như sau:
Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả tiến sĩ ngành phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy. Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật (quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này), phải bảo đảm tối thiểu có 03 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp.
"Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định về điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó nêu rất rõ về cơ cấu, số lượng giảng viên. Để có được đội ngũ đáp ứng theo yêu cầu của Bộ, cần có một quá trình chuẩn bị nhân sự tương đối dài", thầy Bình nói.
Cô Vân Chi chia sẻ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch mở ngành Ngôn ngữ văn hóa Đông Nam Á, trong đó có thể đào tạo ngôn ngữ Thái Lan như một ngoại ngữ chính. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch mở ngành. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể phụ thuộc vào nhu cầu xã hội, cũng như cơ hội việc làm của người học.
Theo cô Chi, cơ sở vật chất, nhân sự giảng viên, nhà trường có thể xây dựng được vì trường cũng có kinh nghiệm giảng dạy ngôn ngữ Thái Lan là ngôn ngữ thứ hai từ trước, đây cũng là một thuận lợi cho trường.
Tuy vậy, nhà trường cũng thận trọng xem xét khi mở ngành. Mở một ngành ngôn ngữ mới không phải là điều dễ dàng, nhất là khâu tìm hiểu, đánh giá nhu cầu thực tế của xã hội, nhà tuyển dụng, yêu cầu liên quan đến công việc của ngành.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Hoàng Thị Lê Ngọc, phó trưởng khoa quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho rằng, thị trường việc làm sẽ quyết định nhu cầu học ngôn ngữ và lựa chọn ngôn ngữ của sinh viên.
Thời gian xây dựng chương trình học mới còn tùy vào lĩnh vực đào tạo. Để mở, xây dựng được một khung chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ, khoa và nhà trường sẽ mất rất nhiều năm để nghiên cứu.
Thứ nhất, nhà trường phải khảo sát thị trường, môi trường việc làm, nhu cầu ngành học tùy theo khu vực. Nếu không có nhu cầu đồng nghĩa trường sẽ khó tuyển sinh và không có nguồn thu.
Thứ hai, nhà trường phải chuẩn bị, nghiên cứu nguồn nhân lực và vật lực đúng đủ theo quy định. Cơ sở vật chất, cơ cấu giảng viên là những điều cơ bản, quan trọng để xây dựng một chương trình đào tạo, mở ngành mới.
Thứ ba, nhà trường cũng phải tham khảo các khung chương trình tương tự, nhu cầu của các nhà tuyển dụng để điều chỉnh, thay đổi chương trình cho phù hợp với thời đại. Điều này có thể mất nhiều năm và diễn ra ngay cả khi ngành đã được mở.
Cô Ngọc cho biết thêm, việc mở thêm một ngành đào tạo liên quan đến ngôn ngữ như ngành Ngôn ngữ Ngôn ngữ Thái Lan là một cơ hội mới cho các bạn sinh viên nhưng cũng đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học có sự nghiên cứu, chuẩn bị lâu dài, thay đổi và điều chỉnh thường xuyên chương trình học để phù hợp với thực tế.
Trong tương lai nếu sự giao lưu văn hóa, kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển trường, nhu cầu xã hội ngày tăng cao, nhà trường sẽ xem xét mở ngành Ngôn ngữ Thái Lan.