Thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Quyết định 659/QĐ-TTg, cho phép thí điểm có kiểm soát việc triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam. Trong đó, SpaceX là tập đoàn do tỷ phú Elon Musk sáng lập, đã được phép cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink trong 5 năm, với thời hạn kết thúc trước ngày 1/1/2031.

Mô hình thí điểm có kiểm soát

Theo quy định, Việt Nam sẽ cho phép SpaceX thí điểm đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông sử dụng hạ tầng mạng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài như SpaceX không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp, giúp thu hút nguồn vốn và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Cho phép thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX tại Việt Nam

Cho phép thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX tại Việt Nam

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thí điểm cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thay vì cấp cho người sử dụng thiết bị đầu cuối. Mô hình này nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh và tăng cường kiểm soát nhà nước đối với hoạt động viễn thông quốc tế.

Starlink là hệ thống Internet vệ tinh quỹ đạo thấp do SpaceX phát triển, hiện đang hoạt động tại hơn 110 quốc gia và phục vụ khoảng 4 triệu thuê bao. Dịch vụ này giúp cung cấp kết nối tốc độ cao đến các khu vực hẻo lánh, vùng núi, hải đảo hoặc trên biển.

Tại Việt Nam, dịch vụ thí điểm bao gồm: Dịch vụ cố định vệ tinh (Internet và kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động), và Dịch vụ di động vệ tinh (Internet trên biển và trên máy bay).

Tổng số lượng thuê bao tối đa trong thời gian thí điểm là 600.000 thuê bao.

Thách thức và cơ hội

Việc thí điểm Internet vệ tinh Starlink mang lại những cơ hội lớn: Mở rộng kết nối (giúp người dân vùng xa, hải đảo có điều kiện truy cập Internet); Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (thu hút đầu tư công nghệ cao và cải thiện chất lượng dịch vụ viễn thông); Hợp tác quốc tế (cơ hội hợp tác với SpaceX trong chuỗi cung ứng, hạ tầng mặt đất).

Tuy nhiên, các thách thức bao gồm: Bảo đảm an ninh, quốc phòng (cần giám sát chặt chẽ hoạt động viễn thông này); Giá thành (dịch vụ Starlink có thể cao hơn một số dịch vụ truyền thống trong nước); Tác động đến doanh nghiệp viễn thông trong nước (cần có cơ chế chính sách hợp lý để bảo vệ doanh nghiệp trong nước).

Việc thí điểm Internet vệ tinh Starlink là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Nếu được triển khai hiệu quả, dự án sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực công nghệ và tạo động lực phát triển kinh tế số trong tương lai.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-diem-dich-vu-internet-ve-tinh-starlink-tai-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-161876.html
Zalo